Ngày 7 tháng 1 năm 2018 tới, Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí sẽ kỷ niệm 70 năm ngôi nhà sáng tạo Christian Dior với một triển lãm retro mang tên Christian Dior, nhà thiết kế thời trang vĩ đại của thế kỷ 20, mệnh danh người khởi tạo những giấc mơ. Phóng viên Đại Kỷ Nguyên tại Paris đã thực hiện một cuộc phỏng vấn đặc biệt…

© Emma Summerton «Christian Dior, nhà thiết kế giấc mơ”

Triển lãm sẽ bao gồm hơn 300 bộ váy được thiết kế từ năm 1947 đến nay bởi chính Christian Dior, cũng như sáu người kế nhiệm của ông là Yves Saint Laurent, Marc Bohan, Gianfranco Ferré, John Galliano, Raf Simons và hiện nay là Maria Grazia Chiuri, những người biết cách duy trì tinh thần của người sáng lập trong dấu ấn quốc tế của mình về thời trang siêu cao cấp.

Nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson chụp người mẫu  Alla, 1953 © Henri Cartier-Bresson / Magnum Photos.

Florence Müller, nhà quản lý triển lãm và là người đứng đầu bộ phận thời trang và dệt may tại Bảo tàng Nghệ thuật Denver, đã kể lại những niềm đam mê của ‘nhà tạo mẫu của những giấc mơ’ cho phóng viên Epoch Times là nhà báo Michal Bleibtreu Neeman.

Phóng viên Đại Kỷ Nguyên: Có thể nói rằng Christian Dior đã có ý chí mạnh mẽ phải trở lại với nữ tính cao thượng của thế kỷ XVII, về với những vẻ đẹp của lâu đài Versailles, vườn Trianon?

Christian Dior bên những bộ trang phục tuyệt vời của mình năm 1950

Florence Müller: Hoàn toàn đúng! Ở Christian Dior có một cái gì đó rất hoài cổ về nghệ thuật sống đã biến mất qua các giai đoạn chiến tranh.

Cung điện Versailles

Chiến tranh đã khiến cả nước Pháp trở nên cực kỳ nghèo nàn. Và chúng tôi đã quen với việc sống một cách đơn giản và đôi khi thậm chí tối giản, còn Christian Dior lại có nỗi nhớ nhung hoài cổ về một nghệ thuật sống rất tinh tế trong một môi trường sống đẹp đẽ và trang phục phù hợp và đầy nữ tính. Có một khía cạnh retro hoàn toàn trong phong cách của Dior. Đây chính là điều mà chính ông tuyên bố.

Roger Viollet, váy Dạ hội lộng lẫy, bộ sưu tập thời trang cao cấp Thu Đông 1955, giới thiệu tại Viện bảo tàng trang trí vào buổi khai mạc một triển lãm, Pavillon de Marsan, Paris, 30/11/1955 © Roger-Viollet

Phóng viên Đại Kỷ Nguyên: Dạ vũ cũng là thể loại này?

Florence Müller: Christian Dior nói: ông muốn dành cho phụ nữ vẻ đẹp của một nàng công chúa. Maria Grazia Chiuri, nhà tạo mẫu Christian Dior hiện thời, khi thực hiện buổi biểu diễn thời trang cao cấp với chủ đề ‘Dạ vũ cổ tích’, đã hoàn toàn phù hợp với phong cách Christian Dior. Đó là luôn khởi tạo những ước mơ, và cũng từ đó định hướng chủ đề của triển lãm.

Ý tưởng về giấc mơ là rất quan trọng tại nhà mốt Dior.

Ông thích thoát khỏi thực tại và xây dựng một thế giới hoàn toàn tuyệt vời và làm cho mọi người đều mơ ước. Ông muốn mang thời xưa đáng mơ ước ấy vào thời trang cao cấp của mình. Ông đã gọi phòng sáng tạo của mình là “văn phòng ước mơ“. Chính ông luôn thấy mình là người tổ chức những giấc mơ.

Ông luôn mong muốn phục trang có để làm cho người phụ nữ đẹp hơn, đẹp hơn so với bình thường. Đó là ý tưởng biến đổi thực tại, thoát ly thực tại và làm cho cuộc sống chúng ta luôn có một chiều sâu mơ ước.

Phóng viên Đại Kỷ Nguyên: Điều này có thể giải thích sự thành công của Christian Dior với các nữ diễn viên và ngôi sao hạng A?

Elizabeth Taylor mặc chiếc váy dạ hội có tên “Dạ tiệc ở Rio” (Bộ sưu tập Thời trang cao cấp Xuân Hè 1961). Ảnh: nhiếp ảnh gia Mark Shaw. Slim Look © Mark Shaw / mptvimages.com

Florence Müller: Vâng, tất nhiên ông đã thành công ngay lập tức với các siêu sao Hollywood. Tuyên bố của ông hoàn toàn đáp ứng mong mỏi của các siêu sao Hollywood, mỗi khi xuất hiện trước công chúng, đối với họ, đều phải như một giấc mơ vượt trên hiện thực.

Các ngôi sao của những năm 50-60, họ đều là những phụ nữ siêu xuất và đẹp rạng ngời, họ phải tạo ấn tượng rằng họ trông tựa như những nàng tiên. Họ phải tạo ra ấn tượng rằng họ hoàn toàn không bị phụ thuộc vào thực tế và bị chi phối hiện tại giản đơn như những người phụ nữ thông thường, như cuộc sống đều đều hàng ngày….

Phóng viên Đại Kỷ Nguyên: Christian Dior cũng rất đam mê nghệ thuật và những khu vườn, những niềm đam mê này thể hiện trong sáng tạo của ông như thế nào?

Show trình diễn thời trang cao cấp Christian Dior Thu 2012

Florence Müller: Christian Dior tự thiết kế khu vườn của mình, ông thường xuyên giúp người làm vườn của mình, ông cũng thích tự làm vườn. Một yếu tố quan trọng trong đồ trang trí tại lâu đài mà ông tổ chức show biểu diễn thời trang cao cấp, chính là một cấu trúc hoa khổng lồ trên lò sưởi ở sảnh tiếp khách của Avenue Montaigne. Chúng ta nhìn thấy những bức ảnh mà ông trực tiếp tham gia vào việc thiết kế và tạo dựng công trình hoa khổng lồ này.

Khi còn là một đứa trẻ, ông yêu thích đọc catalogue bán hạt giống hoa. Ông say mê các khu vườn. Ông đã trang trí những khu vườn trong ngôi nhà thơ ấu của mình với mẹ. Đó là một niềm đam mê mà ông chia sẻ với mẹ mình.

Bộ sưu tập “New Look” chính là hình bóng của hoa và thế giới hoa, lấy cảm hứng từ những đường cong, cánh hoa của những bông hoa, đó là khái niệm về phụ nữ duyên dáng và cao thượng như một loài hoa.

Đối lập với thời trang hiện đại là những đường nét thẳng cứng, vuông góc, chữ nhật, hình học, nam tính, Christian Dior đã mang lại sự cai trị của đường cong, sự mềm mại, những cử động tinh tế, và tất cả những gì đẹp đẽ liên quan tới những khu vườn, những bông hoa, vốn là niềm đam mê đầu đời của ông.

Phóng viên Đại Kỷ Nguyên: Cái tên Christian Dior đã trở nên đồng nghĩa với sự thanh lịch duyên dáng kiểu Pháp. Vậy chính xác thế nào là khái niệm thanh lịch kiểu Pháp dưới góc nhìn lịch sử?

Dòng nước hoa được ưa chuộng J’adore của Christian Dior được thiết kế theo vóc dáng mềm mại của người phụ nữ và phong cách hoài cổ mãi vẫn là lựa chọn hàng đầu của các fan nước hoa…

Florence Müller: Quả đúng vậy, sự sang trọng thanh lịch kiểu Pháp có một chiều sâu lịch sử. Khái niệm thời trang được sáng tạo chính ở Pháp, xung quanh cuộc sống cung đình và nghệ thuật sống hoàng gia, như những gì đã trải qua ở cung điện Versailles – thời “Vua Mặt trời” Louis XIV và cũng như trong thế kỷ thứ 18.

Cần phải nhớ rằng vào thời điểm đó, toàn bộ các cung đình châu Âu đã lấy cung điện Versailles làm biểu tượng để noi theo, từ lối kiến trúc tuyệt đẹp, phong cách trang trí nội thất và phong cách sống tinh tế và cao thượng…

Phóng viên Đại Kỷ Nguyên: Xin cảm ơn chị đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.

Hà Phương Linh (Theo Epoch Times France)

 

Từ Khóa: