Nicolas Poussin, sinh năm 1594 tại Normandy, Pháp, là họa sĩ sáng lập ra trường phái cổ điển Pháp. Tuy nhiên, ông dành phần lớn cuộc đời làm việc của mình ở Rome, nơi ông chuyên vẽ tranh lịch sử, miêu tả những cảnh trong Kinh thánh, lịch sử cổ đại và thần thoại. Tranh của ông nổi tiếng nhờ sự rõ ràng và sức mạnh kịch tính của chúng.

Vào mùa xuân năm 1624, Poussin đã đến Rome, nơi ông sau đó đã ở lại suốt đời, ngoại trừ một thời gian ngắn trở về Paris trong khoảng 1640 -1642. Poussin đã học nghề ở Rome bằng cách tạo ra các bản sao tranh thời cổ đại và của các bậc thầy thời Phục hưng, và bằng cách nghiên cứu các tác phẩm của các nghệ sĩ phái Cổ điển trong chính thời đại của ông. Thành quả của những nghiên cứu này được thành quả trong kiệt tác vĩ đại đầu tiên của ông, Cái chết của Germanicus (1627), được vẽ cho Đức Hồng Y Francesco Barberini. Lấy cảm hứng từ các tác phẩm có thể so sánh với sarcophagi (hình vẽ trên quách) cổ đại, đây là cảnh tượng hy sinh anh hùng đầu tiên trong sự nghiệp của họa sĩ, và trong toàn bộ lịch sử hội họa. Thậm chí nó đã tạo ra vô số tác phẩm bắt chước theo sau này.

“Cái chết của Germanicus” (1627) (ảnh: WikiArt).

Quay về với nghệ thuật cổ điển

Những tác phẩm đầu tiên của ông được đặc trưng bởi sự gợi cảm và giàu có của phong cách nghệ thuật Venetian. Nhưng vào năm 1633, Poussin đã từ bỏ phong cách quyến rũ quá mức này để theo đuổi phong cách lý trí và kỷ luật hơn, mang nhiều nét từ phái cổ điển của Raphael và cổ xưa. Nghệ sĩ đã vẽ phần lớn các bức tranh của mình theo phong cách cực kỳ lý tưởng hóa này. Các tác phẩm của ông cũng trở nên nghiêm ngặt hơn, với các nhân vật được sắp xếp theo kiểu đường viền song song với mặt phẳng hình ảnh, theo phong cách của một bức phù điêu cổ xưa. Trật tự và sự phức tạp của phong cách mới này đã khiến cho Poussin ngày càng phải dựa vào việc tạo ra các bản vẽ chuẩn bị chi tiết cho các bức tranh của mình. “Sự tôn thờ của Magi” vẽ năm 1633 đóng vai trò như một tuyên ngôn về sự chuyển đổi nghệ thuật của ông và được mô phỏng một cách không gượng gạo theo một tác phẩm trước đó về chủ đề này của bậc thầy cổ điển vĩ đại nhất thời Phục hưng – Raphael.

Sự tôn thờ của Magi” (ảnh: Wikimedia Commons).

Năm 1638, ông vẽ bức “Người Do Thái hái lộc trời” cho Paul Fréart de Chantelou, người sau đó trở thành người bạn thân nhất và người bảo trợ lớn nhất của ông. Tác phẩm này là bức tranh về chủ đề lịch sử tham vọng nhất trong toàn bộ sự nghiệp của Poussin. Theo sự thừa nhận của chính nghệ sĩ, nó được thiết kế để người xem có thể đọc, với mỗi nhân vật, trường đoạn và hành động đều đóng góp vào kịch tính của bức tranh. Cách tiếp cận đầy trí tuệ và mãnh liệt này nhằm mục đích gói gọn một chuỗi các sự kiện phức tạp vào thành một hình ảnh tĩnh duy nhất, cuối cùng đã đem lại cho Poussin danh hiệu “họa sĩ triết học”.

Người Do Thái hái lộc trời”1637-1639 (ảnh: Wikimedia Commons).

Tôn trọng hình ảnh lịch sử

Trong nửa sau sự nghiệp, Poussin chủ yếu bận rộn với công việc ủy nhiệm từ các khách hàng quen thuộc ở Pháp. Quan trọng nhất trong số này là bộ tranh Bảy Thánh lễ (loạt thứ hai), cho Chantelou trong khoảng thời gian từ 1644 đến 1648, đó là thành tựu trung tâm của nghệ thuật Poussin. Phản ánh sự phát triển chung của phong cách của ông trong giai đoạn này, những tác phẩm này cao quý hơn và hoành tráng hơn trong nhận thức so với bộ tranh trước đó của ông cho Pozzo và được vẽ chính xác hơn về mặt khảo cổ. Trong tất cả những bức tranh này, bối cảnh được lấy vào thời kỳ đầu của Cơ đốc giáo, và Poussin đã tìm cách tái tạo lại hình ảnh kiến ​​trúc, đồ nội thất và trang phục như trong thời kỳ đó. Nguyên tắc chính xác về lịch sử này sau đó đã được Viện hàn lâm Pháp nâng thành một học thuyết về “decorum” (sự đúng mực), có tác động lâu dài đến những bức tranh theo chủ đề lịch sử sau này, đặc biệt là trong thời kỳ tân cổ điển.

Bảy Thánh lễ (loạt thứ hai) (ảnh: wga).

Đỉnh cao sự nghiệp

Những năm cuối thập niên 1640 là đỉnh cao sự nghiệp của Poussin, khi ông sáng tác nên một số bức tranh nhân vật cao quý nhất của mình, trong đó có Eliezer và Rebecca, The Holy Family on the Step (Gia đình Thánh trên bậc thang), và The Judgement of Solomon. Trong tất cả những tác phẩm đó, nghệ sĩ đã tích hợp các nhân vật với bối cảnh của họ một cách nghiêm ngặt và không thỏa hiệp, dẫn đến những cảnh đó không chỉ được có chiều sâu mà còn thống nhất cao trên bề mặt hai chiều của bức tranh. Những sức căng về thị giác giữa không gian và thiết kế bề mặt được tạo ra trong các tác phẩm đó khiến chúng trở thành những tác phẩm mộc mạc nhất trong sự nghiệp của nghệ sĩ, nhưng cũng sở hữu vẻ đẹp lộng lẫy và hoàn chỉnh, khiến chúng được xếp trong số những kiệt tác nghệ thuật cổ điển vĩ đại nhất. Khi được hỏi sau này rằng, điều gì khiến ông đã đạt được sự hoàn hảo như vậy trong hội họa, Poussin đã tuyên bố: “Tôi đã không bỏ qua bất cứ điều gì”.

Gia đình Thánh trên bậc thang (ảnh: Britannica).

Năm 1648, Poussin bắt tay vào vẽ một loạt các bức tranh phong cảnh mà sau đó trở thành nền tảng của truyền thống tranh phong cảnh cổ điển. Phần lớn trong số đó kết hợp các chủ đề từ lịch sử và thần thoại cổ đại. Trong tất cả chúng, một cái nhìn cực kỳ lý tưởng hóa cảnh quan được kết hợp với kiến ​​trúc, tạo nên sự tương phản giữa các hình thức bất thường của thế giới tự nhiên với hình dạng hoàn hảo về mặt hình thể của con người. Trong số các tác phẩm nổi bật nhất thời kỳ đó có loạt tác phẩm minh họa câu chuyện về Phocion. Trong phần đầu tiên, Poussin miêu tả cơ thể của Phocion được đưa ra khỏi Athens trong một khung cảnh uy nghi và hùng vĩ vô song, nâng tầm thể loại tranh truyền thống vốn được cho là “thấp kém” này lên ngang tầm với những bức tranh lịch sử xuất chúng nhất của ông.

Cảnh quan trong đám tang của Phocion , 1648 (ảnh: WikiArt).

Đến cuối đời, nghệ thuật của Poussin đã trải qua một sự biến đổi lớn hơn nữa khi ông đa dạng hóa các tác phẩm, với việc mô tả cảnh quan và một nhóm các tác phẩm ngụ ngôn sâu sắc, quan tâm đến trật tự và hài hòa của tự nhiên. Mặc dù danh tiếng của ông bị lu mờ trong nửa đầu thế kỷ 18, nhưng lại hồi sinh ngoạn mục vào cuối thế kỷ đó, trong nghệ thuật tân cổ điển của Jacques-Louis David và những người theo trường phái của ông, và danh tiếng của Poussin vẫn còn cao cho đến tận ngày nay.

Bảy Thánh lễ (loạt thứ nhất): “Lễ tôn phong” khoảng những năm 1630 (ảnh: Wikipedia).

Tác phẩm của Poussin đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử nghệ thuật, mặc dù nó bị chìm trong nghệ thuật của quá khứ trước đó, nhưng lại được tương lai trân trọng. Sau khi qua đời, Poussin được các họa sĩ và nhà lý luận người Pháp tôn sùng vì đã làm sống lại truyền thống của người xưa và của các bậc thầy vĩ đại của thời Phục hưng. Nhiều họa sĩ danh tiếng thuộc các thế hệ sau vẫn tôn sùng ông theo những góc độ khác nhau. Điều này có thể được giải thích rõ nhất từ bản chất nghịch lý của thiên tài sáng tạo Poussin: ông chính là một họa sĩ lãng mạn đã tìm về với nghệ thuật cổ điển.

“Cảnh quan với Thánh John trên núi Patmos”, Nicolas Poussin, 1640 (Bản quyền ảnh: The Art Institute of Chicago).

Theo Richard Verdi / Britannica

Clip HOT:

videoinfo__video3.dkn.tv||5dbd1bf4f__