Khi nhìn lại một số công trình kiến trúc tuyệt đẹp và đồ sộ có từ thời cổ đại, con người hiện đại đôi khi phân vân không biết người xưa đã dùng kỹ thuật gì để xây dựng các công trình to lớn đó, thậm chí đối với một số công trình người ta cũng không thể khẳng định chắc chắn về thời điểm mà chúng được ra đời.

Giếng nước Chand Baori – Ấn Độ

(Ảnh: anthrasinteresting.com)

Theo truyền thuyết tại ngôi làng Abhaneri ở Rajasthan, Ấn Độ, nơi có chiếc giếng bậc thang Chand Baori, chính những con ma đã xây dựng nên kỳ quan kiến trúc này vào khoảng thế kỷ thứ 10. Đó là một cách để giải thích vì sao một cấu trúc được xây dựng với độ chính xác và phức tạp như vậy chỉ với các công cụ xây dựng đương thời. Truyền thuyết này có vẻ như rất xa vời, nhưng dường như không có bất kỳ giải thích nào trên thực tế về cách thức mà chiếc giếng bậc thang được thiết kế hoàn hảo này đã ra đời như thế nào. Vào khoảng năm 900 sau CN, vua Chanda đã cho xây dựng nó để giải quyết vấn đề hạn hán trong khu vực. Chiếc giếng này cao khoảng 13 tầng, đào sâu xuống đất gần 30m thành hình chữ V, với khoảng 3.500 bậc thang cực kỳ bằng phẳng, Vua Chanda đã hiến tế nó cho Nữ thần của Niềm vui và Hạnh phúc, Hashat Mata, khi việc xây dựng được hoàn thành. Các chi tiết về quá trình xây dựng ấn tượng của nó vẫn còn là một bí ẩn.

(Ảnh: anthrasinteresting.com)

Vì một lý do nào đó, cấu trúc đẹp đẽ và phức tạp này dường như chưa bao giờ được đưa vào bất kỳ danh sách công trình kiến trúc cổ đại hàng đầu thế giới – dù giếng Chand Baori được các chuyên gia khảo cổ cho là chiếc giếng sâu nhất và là một trong những cấu trúc hấp dẫn nhất về kiến trúc của thế giới cổ đại.

Pháo đài Sacsayhuaman, Peru

(Ảnh: anthrasinteresting.com)

Sacsayhuaman là một pháo đài bằng đá lớn nằm ở Cusco, Peru – thủ đô cũ của Đế chế Inca. Khu phức hợp này được xây dựng từ những bức tường đá ghép cỡ lớn, được mài nhẵn, với những tảng đá lớn được cắt và gắn với nhau rất chặt mà không cần sử dụng vữa, giữ cho các bức tường đứng vững qua nhiều thế kỷ.

(Ảnh: anthrasinteresting.com)

Tảng đá lớn nhất của công trình này nặng khoảng 120 tấn và được suy đoán rằng đã được lấy từ một mỏ đá cách đó nhiều dặm. Nhiều người kinh ngạc khi nghĩ đến một nhiệm vụ gian khổ liên quan đến việc cắt đá trong các mỏ đá và kéo chúng bằng dây thừng đến khu vực xây dựng. Ngạc nhiên trước kỳ công này, những người chinh phục châu Mỹ đến từ Tây Ban Nha đã gán cho nó là công trình của quỷ.

Các nhà thờ ngầm ở Lalibela, Ethiopia

(Ảnh: Bernard Gagnon)

Trong khu vực miền núi của Ethiopia là ngôi làng Lalibela, một thời từng là trái tim của Kitô giáo Ethiopia và là một trong những thành phố linh thiêng nhất của quốc gia này. Có tới 11 nhà thờ bằng đá nguyên khối của Lalibela có một điểm chung đáng chú ý – đó là tất cả đều được đẽo gọt ra từ cùng một khối đá granit đỏ của núi lửa. Thời điểm xây dựng những nhà thờ này là không chắc chắn, nhưng được cho là vào khoảng thế kỷ 12 và 13.

(Ảnh: Bernard Gagnon)

Mái của các nhà thờ này nằm ngang với mặt đất, và vị trí địa lý của chúng được chỉ định để phỏng theo các khu vực thánh địa ở Jerusalem. Tất cả các nhà thờ đó được nối với nhau thông qua mê cung của một loạt đường hầm và lăng mộ dưới lòng đất, và còn kết hợp với một hệ thống thu gom và dự trữ nước tiên tiến tận dụng được đặc điểm địa lý của khu vực (hệ thống này có thể đưa nước lên cao đến ngôi làng trên đỉnh núi). Cấu trúc to lớn nhất trong số đó – Biete Medhana Alem – được cho là ngôi nhà thờ gọt từ đá lớn nhất trên thế giới.

Tháp Ziggurat của người Sumer tại Ur

(Ảnh: Wikipedia)

Những người Sumer thuộc về một trong những nền văn minh lâu đời nhất được biết đến trên thế giới. Vào khoảng năm 2000 trước CN, các thành phố của người Sumer đã phát triển mạnh thành các trung tâm thương mại, ngân hàng, cơ sở xây dựng luật pháp, văn học, và kiến trúc đền đài, với những con đường lát gạch, cổng vòm hoành tráng và các khu đền rộng lớn. Rất ít bằng chứng khảo cổ từ nền văn minh của họ vẫn còn tồn tại, và chắc chắn trong số đó không có công trình nào ấn tượng như tháp Ziggurat tại Ur.

(Ảnh: Wikipedia)

Tháp Ziggurat tại Ur là một cấu trúc lớn, gần giống như kim tự tháp, là một phần của quần thể đền thờ khổng lồ dành riêng cho vị chúa Nanna. Trên đỉnh tháp Ziggurat là một ngôi đền nhỏ dành cho việc cúng tế vị chúa này; ở đó có đặt một chiếc ghế dài bằng vàng, nơi mỗi đêm sẽ có một người phụ nữ khác nhau trong làng tới ngủ. Tháp Ziggurat đã sụp đổ thành một đống đổ nát từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên nhưng một phần của nó đã được người hiện đại tái tạo lại.

Những chiếc cầu dẫn nước thời La Mã cổ đại – Italy

(Ảnh: shutterstock.com)

Hệ thống cầu dẫn nước được xây dựng bởi người La Mã cổ đại vào khoảng năm 145 trước CN để cung cấp nước cho Đế chế La Mã. Các cây cầu dẫn nước này chỉ hoạt động dựa trên nguyên lý trọng lực, có nghĩa là được thiết kế sao cho nước tự chảy nhờ hệ thống xi-phông. Đây là một trong những ví dụ sớm nhất về ứng dụng kỹ thuật và khá ấn tượng nhờ điều này, đặc biệt là trong điều kiện thiếu thốn tài nguyên tại thời điểm đó.

(Ảnh: shutterstock.com)

Các cây cầu dẫn nước này vẫn còn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Nhiều cái đã bị vùi lấp và bị lãng quên từ lâu, bị cây bụi và dây leo trùm lên, nhưng một số vẫn còn nhìn thấy được ở dạng tương tự như hàng ngàn năm trước.

Hòa Bình biên dịch và TH 

Video được xem nhiều:

videoinfo__video2.dkn.tv||8d5a9c0d1__

Đường đời muôn nẻo, ít nhiều đều có chông gai. Cuộc sống muôn vị, cay đắng ngọt bùi, không có nỗi buồn thì chẳng có niềm vui.