Chúng ta quan sát thế giới bằng cách nào? Làm thế nào chúng ta có thể diễn giải thế giới khó đoán này theo quan điểm của chính ta? Những bức tranh của Parmigianino thực sự cho chúng ta thấy Sự độc thoại sâu sắc trong thế giới nội tâm tác giả được thể hiện qua từng nét vẽ

Sơ lược về cuộc đời Parmigianino

Parmigianino, tên thật là Francesco Mazzola, được sinh ra ở Parma vì thế mà được mọi người gọi là “Parmigianino”, với ý nghĩa “Cậu bé Parma”. Người cha ông – Filippo Mazzola cũng là một họa sĩ đã chết vì bệnh dịch hạch khi Parmigianino mới lên hai. Do đó, ông được nuôi dưỡng bởi hai người chú là Michele và Pier Ilario, cả hai đều là họa sĩ, cũng theo đó mà ông bước vào sự nghiệp nghệ thuật. Vào năm 12 tuổi, Parmigianino đã từng trợ giúp chú mình việc hoàn thành trang trí Nhà thờ Tin lành St. Giovanni. Ông là một họa sĩ trưởng thành khá sớm ở Ý và được biết đến với những nét vẽ tinh tế ưu mỹ.

Năm 1521, Parmigianino được gửi đến Viadana để thoát khỏi cuộc chiến tranh với Pháp, tại đây ông đã hoàn thành hai bức tranh gỗ: “Saint Francis” cho nhà thờ Frati de ‘Zoccoli, và “Cuộc hôn nhân huyền bí của Thánh Catherine” cho Nhà thờ San Pietro

Năm 1522, khi ông đang làm việc trong nhà thờ San Giovanni, ông đã gặp họa sĩ Correggio – người đang vẽ bức bích họa trên mái vòm. Ông rất ngưỡng mộ  và được truyền cảm hứng bởi phong cách của Correggio.

Năm 1524, Parmigianino 21 tuổi, đến Rome với năm tác phẩm của mình, bao gồm bức “Chân dung tự họa trong gương lồi”, dốc sức hỗ trợ cho Giáo hoàng Clement VII. Theo Vasari, Parmigianino được ca ngợi là “sự phục sinh của Raphael” ở Rome. Tại Rome, người họa sĩ trẻ này cũng ngưỡng mộ những tác phẩm kinh điển của các bậc thầy như Michelangelo và Raphael, ảnh hưởng rất lớn đến sự sáng tạo của ông trong tương lai.

Chân dung Parmigianino (Girolamo Francesco Maria Mazzola) (Ảnh: Pinterest)

Vào đầu năm 1526, ông và người chú Pier Ilario, đồng ý với Maria Bufalina vẽ bức “Tầm nhìn Saint Jerome” tại nhà thờ San Salvatore ở Lauro. Sau đó một năm, binh đoàn đế quốc La Mã nổi dậy tấn công, khiến ông và nhiều họa sĩ khác tại Rome phải chạy trốn.

Năm 1531, Parmigianino trở về Parma từ Bologna, người ta tin rằng vào thời điểm này, ông đã trở thành một tín đồ của giả kim thuật. Vasari đưa ra giả thuyết rằng đây là một niềm đam mê ma thuật của ông, Parmigianino là một trong những họa sĩ đầu tiên đã tạo ra các bản in khắc và tranh sơn dầu, sau Albrecht Durer (1471-1528). Các học giả hiện nay đồng ý rằng Parmigianino có thể bị ám ảnh khi cố gắng tìm một phương tiện mới – thông qua khoa học – cho các bản khắc của mình. Do kết quả của các nghiên cứu giả kim, ông đã hoàn thành rất ít công việc cho nhà thờ. Ông thậm chí còn bị cầm tù hai tháng vì vi phạm hợp đồng.

Trong những năm cuối đời, Parmigianino có xu hướng tránh xa thế giới và theo đuổi cuộc sống lưu vong, khao khát một cuộc sống tâm linh ẩn dật. Những tác phẩm như ‘Madonna với chiếc cổ dài” chứa đầy những ý nghĩa bí ẩn như vậy.

Bức phác thảo chân dung bởi Parmigianino (Ảnh: epochtimes)

Trong kỹ thuật thể hiện nghệ thuật, các tác phẩm của Parmigianino phản ánh sở thích cường điệu, biến hình “chủ nghĩa hình thức” trong thế kỷ 16, khác với chủ trương “mô tả tự nhiên” của thời Phục Hưng. Vì để theo đuổi vẻ đẹp, sự thanh lịch tối thượng, các nhân vật của ông từ những ảnh hưởng của nghệ thuật Bắc Âu và Byzantine, cổ và cánh tay của nhân vật thon dài có chủ ý, xu hướng này mang ý nghĩa cố gắng đạt được niềm tin đúng đắn về tôn giáo qua chủ đề hội họa.

Các tác phẩm của ông luôn có kỹ thuật khéo léo, có thể thể hiện sâu sắc tinh thần nội tại và ý nghĩa của bức chân dung, đặc biệt là “Chân dung tự họa trong gương lồi” do ông vẽ ở Vienna. Các tác phẩm của ông, bất luận là những bức tranh truyền thống hay các bản in bằng đồng phổ biến, đều có tác động lớn đến Ý hoặc Bắc Âu. Nhà sử học nghệ thuật Vasari tin rằng cuộc sống của Parmigianino cũng kịch tính và phức tạp như công việc của ông.

Giới thiệu một số tác phẩm của Parmigianino:

“Chân dung tự họa trong gương lồi” (Self-portrait in a Convex Mirror,1524)

Parmigianino không chỉ giỏi trong các tác phẩm với đề tài tôn giáo, mà còn có khả năng tự vẽ chân dung của mình. Toàn bộ sự đặc biệt có thể nhận ra ngay đó là bức tự họa này trong gương lồi. Bức tranh này được lấy cảm hứng từ việc Parmigianino nhìn thấy mình trong gương của một tiệm cắt tóc vào năm 1524, cũng nhờ bức tranh này mà ông nhận được sự chú ý của Giáo hoàng Clement VII.

“Chân dung tự họa trong gương lồi” (Self-portrait in a Convex Mirror), năm 1524, đường kính 24,4cm. Hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật, Vienna, Áo (Ảnh: DailyArt Magazine)

Năm 1975, còn một bài thơ dài có tên “Chân dung tự họa trong gương lồi” của Axbury lấy cảm hứng từ bức tranh của Parmigianino. Vasari nói rằng tác giả tìm kiếm sự kết nối giữa tính chân thực, tính hư cấu và chính mình trong một phương thức biểu đạt nghệ thuật. Trong bức tranh tự họa, họa sĩ cầm một chiếc gương lồi và đặt mình vào gương, rồi vẽ một bản thân bị biến dạng được phản chiếu từ chiếc gương lồi. Trên thực tế, bức tranh sâu sắc này không chỉ cho phép chúng ta thấy một quá trình nghiền ngẫm, mà còn cho thấy sự độc thoại sâu sắc trong thế giới nội tâm của tác giả.

Chủ đề của bức tranh là: chúng ta quan sát thế giới chúng ta đang sống bằng cách nào? Làm thế nào chúng ta có thể diễn giải thế giới khó đoán này theo quan điểm của chính chúng ta? Vượt qua hiệu ứng của gương lồi, tác giả đang thực sự kiểm tra tâm hồn của chính mình.

Vì vậy, cái gọi là “tự phân tích” trong gương không phải là để đối mặt với “chân dung thực tế của ta”, mà là “thực tế không phải là ta”, người ta phản ánh trong hư cấu, biến đổi, méo mó trong bức ảnh với gương cầu lồi. Ví như trong bức “Madona với chiếc cổ dài”, cổ của nàng được kéo dài ra, làm loãng đi ấn tượng trần tục của Trinh nữ. Parmigianino đưa tay nàng ra phía trước, khiến tay lớn hơn đầu, mặt sau của căn phòng cũng bị vẽ xoắn lại thành một hình cầu. Toàn bộ bức tranh được đặt trên một tấm gỗ lồi, vì vậy hình thành hiệu ứng “lồi kép”.

“Madona với chiếc cổ dài” – Parmigianino (Ảnh: printerest)

Parmigianino sau này bị mê hoặc bởi thuật giả kim. Nhưng “giả kim” thực chất là một sự tu luyện tâm linh. Mục đích của nó không phải là bất cứ điều gì khác, mà là “sự biến đổi của tinh thần”, giúp nhận ra sự “hư cấu của bản thân”, giải phóng bản chất thiêng liêng khỏi bóng tối của vật chất thực tại, tìm kiếm sự toàn vẹn và cân bằng của đời sống nội tâm.

“Tầm nhìn của Saint Jerome” (Vision of Saint Jerome)

“Tầm nhìn của Saint Jerome”, 1527, KT: 343 x 149 cm. Được lưu giữ tại phòng trưng bày Quốc gia London, Vương quốc Anh (Ảnh: wikipedia)

Từ những bản phác thảo của Parmigianino ở Rome, có thể thấy rằng ông ngày càng trưởng thành và phức tạp hơn trong các kỹ xảo vẽ tranh. Trong thời gian này, ông không những có thể tạo ra một tác phẩm tinh tế tỉ mỉ như trong bức “Cuộc hôn nhân bí ẩn của Thánh Catherine”, mà còn có “Tầm nhìn của Saint Jerome” trên bức tường phòng thờ lớn, mang trong đó sự mịt mờ và độ sâu hàm ý khó lường.

Trong bức họa là Thánh John the Baptist, có ngoại hình luộm thuộm được bao quanh bởi tấm da báo, được đặt trước mặt Thánh Jerome, người hơi nhỏ và đang ngủ. Tay trái John nắm giữ sự cây thánh giá chữ thập dài, tay phải hướng tầm nhìn của chúng ta đến Thánh Mẫu và Thánh Anh ở trên đang cầm Kinh thánh, cũng ngụ ý rằng Thánh Jerome được Thánh John rửa tội trong giấc ngủ, tượng trưng cho sự phục sinh và tái sinh của tâm trí. Trong giấc mơ, thông qua khải tượng, bằng trực giác, thay vì thông qua ngôn ngữ hoặc nhận thức cảm tính, Thánh Jerome sẽ được tiếp xúc gần gũi hơn với Thiên Chúa. Nó cũng đại diện cho việc Jerome một lần nữa được rửa tội. Ngoài ra, ảnh hưởng của Raphael đối với Parmigianino cũng có thể được nhìn thấy từ các bức tranh có hình ảnh Thánh Mẫu và Thánh Anh.

“Cuộc hôn nhân bí ẩn của Thánh Catherine” (The Mystic Marriage of Saint Catherine)

“Cuộc hôn nhân bí ẩn của Thánh Catherine”, 1534 – 1540, 74 x 52 cm,  hiện được cất giữ tại phòng triển lãm Quốc gia London, Vương quốc Anh (Ảnh: epochtimes)

Truyền thuyết kể rằng Catherine được sinh ra trong gia đình quý tộc Alexandria. Cô học rộng hiểu nhiều, thông minh dị thường và được cải đạo sang Thiên Chúa giáo. Cô đã từng mơ thấy Thánh Anh đích thân đeo nhẫn cưới cho mình, vì thế cô thề không xuất giá và sẽ hiến thân cho đức tin Thiên Chúa giáo. Câu chuyện này đã được mô tả trong bức “Cuộc hôn nhân bí ẩn của Thánh Catherine”.

Bố cục của bức tranh được sắp xếp theo ba cấp độ từ gần đến xa. Cận cảnh bao gồm đầu của Thánh Joseph và bánh xe tượng trưng cho Thánh Catherine. Vị trí của ba nhân vật chính gồm Thánh Mẫu, Thánh Anh, và Catherine ở trung tâm. Thánh Anh cầm tay Catherine và đeo nhẫn cưới cho cô. Khuôn mặt của hai người tỏa sáng, dưới sự làm chứng của hai người ở khoảng cách không xác định, thể hiện sự thiêng liêng của sự kiện Catherine muốn trở thành “cô dâu của Thiên Chúa giáo”.

Phía trên bên phải tượng trưng cho sự thụ động, chấp nhận cuộc sống; sự phong phú và tăng trưởng được thể hiện bởi màu xanh lá cây của tấm rèm vải cùng nếp gấp tinh xảo. Mái tóc bóng mượt, chiếc áo màu vàng tượng trưng cho sự nhiệt tình và tín phụng tôn giáo của Catherine. Cơ thể trẻ trung đầy sức sống tôn giáo, những đồ vật được sắp xếp khéo léo này phù hợp với khuôn mặt của Catherine, để các nhân vật được bao bọc trong một bầu không khí tôn giáo bí ẩn, trang trọng và gợi cảm, cũng cho chúng ta biết rằng chúng ta chỉ có thể học cách “nhẫn nhịn, kiên định, dâng hiến và hy sinh” mới có thể chứng thực sức mạnh của lời thề với Chúa.

Theo epochtimes.com