Trong nhiều thế kỷ qua, người dân Trung Hoa đều say mê với những kỳ quan được tái hiện trong tranh phong cảnh; lạc vào trong đó cũng như đi vào cõi tiên, nơi có những vị thần tiên cùng tồn tại với người thường, giữa nơi hư vô mờ ảo, lưu luyến với núi non hùng vĩ mà lưu lại một truyền thuyết lay động lòng người.

Dưới con mắt tinh tường của họa sĩ, người phàm trong các tác phẩm văn chương cổ điển khi được vẽ lên cũng không phải tầm thường. Họ coi những văn chương có nội hàm bí ẩn của cổ nhân là hàm chứa trí tuệ sâu sắc, lặng lẽ theo dõi diễn biến của nhân vật, để họ thoắt ẩn thoắt hiện trong tranh sơn thủy, cũng có thể cách xa nơi hồng trần ồn ào và thế tục, vô minh dục niệm.

Đối với Đạo gia và Nho gia, trong phong cảnh sơn thủy hàm chứa trí huệ vô tận. Khổng Tử từng nói: “Nhân giả nhạc sơn, trí giả nhạc thủy” (Người nhân ái thích sông nước, người trí huệ thích núi cao). Lão Tử có viết: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên“, theo Đại cương triết học Trung Quốc, (tác giả Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê, tr 191) có ý nghĩa là: Đạo là nguyên lý tổng quát từ đó mà muôn vật phát sinh, Đạo là đường lối muôn vật đi theo, là quy luật tổng quát chi phối sự sinh thành biến hóa của trời đất vạn vật.

Tranh “Phảng cổ sơn thủy đồ” – Vương huy (nhà Thanh), hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. (Ảnh: elite-magazine)

Đúng là:

Vấn dư hà ý thê bích sơn

Tiếu nhi bất đáp tâm tự nhàn

Đào hoa lưu thủy yểu nhiên khứ

Biệt hữu thiên địa phi nhân gian.

Tạm dịch:

Hỏi sao ở mãi núi xanh,

Mỉm cười không đáp, thấy mình thảnh thơi.

Hoa đào theo nước lặng trôi

Có riêng trời đất, chẳng là nhân gian.

Sơn trung vấn đáp – Lý Bạch

Trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống Trung Hoa, từ hội họa tới gốm sứ đều không tách khỏi sự hiện hữu muôn hình vạn trạng của sơn thủy. Trong lĩnh vực hội họa, “thanh lục sơn thủy” cùng “thủy mặc sơn thủy” là hai đỉnh cao của tranh phong cảnh. Vì để biểu đạt sự sùng kính và sự nhún nhường của con người trước tạo hóa thiên nhiên vĩ đại, các họa sĩ thường đặt hình tượng nhân vật vào để điểm tô cho cảnh vật, thể hiện so sánh giữa cái vi mô và vĩ mô để làm nổi bật lên cảnh đẹp hoành đại. 

Những màu sắc nhẹ nhàng nhu mỹ với cấu trúc tốt đã được sử dụng; Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York hiện nay đang lưu giữ một loạt các bức tranh phong cảnh truyền thống được đặt tên là “Khê sơn vô tẫn” (Sự vô tận của suối và núi non). Các bức tranh này đang được đem ra triển lãm lần thứ ba tại đây, triển lãm sẽ kéo dài tới ngày 1 tháng 6 năm 2019.

Tranh “Sơn thủy thập lục” – Cung Hiền tự đề thơ, thời nhà Thanh. Hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. (Ảnh: epochtimes)

Hầu hết các bức tranh được đưa ra triển lãm trong lần này là từ kho tàng gồm hơn 2.000 bộ sưu tập tranh và thư pháp Trung Quốc tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, thêm vào đó cũng có một số bộ sưu tập được thu thập riêng từ các cá nhân. Chuyên gia phụ trách triển lãm Sử Diệu Hoa nói: “Ngay cả khi du khách đã đến thăm bảo tàng nhiều lần và họ rất quen thuộc với các bộ sưu tập ở đây, tôi nghĩ họ vẫn có thể tìm thấy rất nhiều điều bất ngờ thông qua triển lãm đặc biệt này“. Những bức họa này đã không được tiết lộ trong một thời gian dài, còn có nhiều kho báu mà bảo tàng đã thu thập được từ hơn 100 năm qua nhưng vẫn chưa đem ra triển lãm. Cơ hội lần này thực sự hiếm thấy.

Vào cuối triều đại nhà Đường, các bức tranh phong cảnh đã được tách dần ra khỏi các nhân vật và trở thành chủ đề trọng yếu về chuyên môn. Trải qua sự thay đổi và diễn biến qua các thời đại, tranh sơn thủy từng bước từng bước tiến về phía trước, thành thục và nở rộ.

Tranh “Chủng cúc đồ” – Lục Trì (thời đại nhà Minh). (Ảnh: epochtimes)

Tác phẩm tranh phong cảnh thường có hình cuốn cơ bản theo trục đứng, cuộn tay, tranh tờ hay mặt quạt. Trục dọc (trục treo) được treo lên bằng dây thừng hoặc dải lụa, cuộn tay thường được cuộn lại để phù hợp với việc cất giữ trong hòm rương, khi cần thiết mới mở ra giám định.

Chiều dài của cuộn tay đôi khi có thể đạt tới chiều dài của phòng thất; nhưng thông thường, người xem chỉ có một khoảng thời gian không nhiều để xem tranh, vì thế khó có thể xem được hết cuộn. Cuộn tay có thể tạo cho người xem cảm giác như đang ở trong khung cảnh đó; so với khung hình, những ngọn núi thường được khắc họa rất cao lớn, hình tượng nhân vật trong đó chỉ rất nhỏ bé để có tác dụng điểm tô cho khung hình.

Cuộn “Kim Lăng tứ thời đồ” của Ngụy Chi Khắc thời nhà Minh là một kiệt tác hùng vĩ với chiều dài lên đến hơn 11 mét; bút pháp của họa gia dẫn người xem vào thắng cảnh Kim Lăng bốn mùa trong thời cổ đại.

Cuộn tranh “Kim Lăng tứ thời đồ” của Ngụy Chi Khắc thời nhà Minh, KT: 32,1×1.183,6 cm. (Ảnh: elite-magazine)

Các bức tranh phong cảnh Trung Hoa truyền thống khi mới nhìn có thể thấy rất bình đạm, nhạt nhòa, nhưng thực tế là chúng chứa đựng nhiều điển cố và ý nghĩa biểu tượng, điều mà chỉ có những người am tường văn hóa lịch sử cổ đại phương Đông hay những chuyên gia quen thuộc với truyền thống này mới có thể phân biệt và hiểu rõ được nội hàm của chúng.

Ví dụ, các bức tranh với chủ đề “Lan đình nhã tập”, trong tranh sẽ thường xuất hiện một nhóm văn nhân ngồi bên khe suối, nói về điển cổ từ thế kỷ thứ 4 trong thời nhà Tấn, lúc ấy văn hào Vương Hy Chi và bạn bè thường hay gặp gỡ nhau ở Lan đình vào một ngày nhàn rỗi, cùng nhau ngắm nước chảy khe suối, ngâm thơ tụng văn, cảm ngộ đời người.

Tranh “Lan đình nhã tập” – Lục Hán, thời nhà Thanh, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. (Ảnh: metmuseum)

Ẩn sĩ (người ở ẩn) cũng là một trong những đề tài quen thuộc của tranh phong thủy. Trong những bức họa theo đề tài này, họa gia thường đặt các ẩn sĩ vào trong bối cảnh rừng núi, đang chèo thuyền trên hồ hoặc một mình đọc kinh thư, ngắm thác nước.

Hầu hết các quan chức triều đình cổ đại khi về già đều cáo lão về quê, ẩn cư trong những vùng núi sâu rừng thẳm. Loại hiện tượng ẩn cư này xuất hiện rất phổ biến, văn nhân ẩn cư đã tạo ra rất nhiều dấu ấn trong lĩnh vực nghệ thuật.

Tranh “Sơn thủy” – Khang Hy, thời nhà Thanh, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. (Ảnh: elite-magazine)

Các họa gia cổ đại không chỉ có kỹ năng hội họa tuyệt vời, họ còn rất thông thạo thi ca, âm nhạc và thư pháp. Triều đại nhà Tống (960-1279) có tầng lớp “Văn nhân họa” phát triển mạnh mẽ. Hội họa của những văn nhân trong thời nhà Tống tìm cách thể hiện đạo đức bên trong cùng sự tu dưỡng bên ngoài.

Tranh “Chuyết chính viên đồ thi” – Văn Trưng Minh, thời nhà Minh. (Ảnh: epochtimes)

Giống như những môn nghệ thuật khác, hội họa thời cổ cũng nhấn mạnh đến quy luật hoạt động của vũ trụ, đó là thiên nhiên (đại lộ), đồng thời nhấn mạnh về mặt “Thần”; biểu hiện trong tác phẩm thì coi trọng việc tả ý – thông qua hình ảnh mà nói lên khí vận.

Ngòi bút và khí vận của họa gia thể hiện nội tâm, tình cảm và thế giới quan của họ; mà người phụ trách các tác phẩm triển lãm Sử Diệu Hoa gọi đó là “tâm ấn” (dấu ấn của tâm trí). Ông nói: “Giống như thư pháp, bức tranh phong cảnh thực sự có thể làm cho bạn hiểu người sáng tạo ra nó; nó có một sức mạnh biểu cảm sâu sắc“. Cảnh quan thiên nhiên được vẽ lại trên giấy đã trở thành phương tiện mà qua đó họa sĩ mang đến cho khán giả tầng cấp cảm thụ của chính mình.

Khi liếc nhìn một bức tranh sơn thủy truyền thống, người xem có thể chỉ thấy có vài ngọn núi, rừng cây cùng tổ hợp nham thạch; nhưng ẩn giấu đằng sau hình ảnh đó là một sự sâu sắc và tinh tế, là trình độ khắc sâu và tinh xảo của tác giả. Sử Diệu Hoa nói: “Đây cũng là điểm thú vị của nghệ thuật truyền thống, bạn có thể ngắm nhìn nó trong những thời đại sau mà lĩnh ngộ được chút chuyện thú vị thâm sâu trong thời đại trước“.

Tranh sơn thủy trên Bình Xích Bích trận, sứ Thanh Hoa, thời Khang Hy (nhà Thanh). (Ảnh: epochtimes)

Theo elite-magazine.com và epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch