Tiếng hát như vó ngựa. Nơi thảo nguyên du mục, có một kĩ thuật hát được coi là tuyệt đỉnh trong nghệ thuật. Đó là kĩ thuật hát song thanh của người Mông Cổ, người nghe như rơi vào cảm giác du dương mênh mông vô tận của chốn thiên đường.

Nhắc tới dân tộc Mông Cổ, người ta liền nhớ đến mệnh danh dân tộc của thơ ca, dân tộc của những vùng đất thảo nguyên bao la rộng lớn với những điệu múa say mê lòng người. Người Mông Cổ với những tâm hồn nồng hậu, giọng ca vang vọng khắp chốn núi rừng, vang xa trải rộng thảo nguyên xanh.

Mông Cổ nổi tiếng với những giọng hát cao trong vang xa, những giọng ca du mục đánh thức chim muông, đủ làm mây trời ngừng trôi mà dừng lại lắng nghe.

Bên cạnh giọng hát chắc khỏe, thanh cao là một lối hát mà qua đó chạm tới tận sâu những xúc cảm trong tim người nghe. Hát song thanh, một kĩ thuật hát được biết đến trên thế giới với cái tên Tuvan Throat Singing, Khoomei (Khơ mây), Hooliin Chor.  Là một biến thể đặc biệt của hòa âm giọng hát, được hình thành và phát triển từ Mông Cổ, Nội Mông, Tuva và Siberia. Nó được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2009 dưới cái tên Nghệ thuật hát Mông Cổ, Khơ mây.

Nghệ thuật hát song thanh (Ảnh: dulichthegioi.edu)

Nét đặc sắc của kĩ thuật hát song thanh chạm sâu tới từng góc nhỏ trong tim người nghe

Hát song thanh là một kĩ thuật hát đặc biệt mà âm giọng được tạo ra bởi sự phối hợp nhịp nhàng giữa lưỡi, răng, vòng miệng và thanh quản. Hay nói cách khác thì lối hát này không cần tới nhạc cụ biểu diễn hỗ trợ, nó hoàn toàn được thay thế bởi các hình thái âm sắc do chính con người tạo ra.

Trong kĩ thuật hát này người trình diễn sẽ tạo ra một cao độ cơ bản và đồng thời tạo ra thêm một cao độ khác cao hơn cùng lúc. Kỹ thuật này đã có từ thời xa xưa, nhiều người đàn ông du mục chăn nuôi ở khu vực này biết hát Khơ mây, nhưng nữ thì có thể tập luyện và tiếp cận kỹ thuật này tốt hơn.

Ở Mông cổ, bạn dễ dàng được thưởng thức giọng hát với kĩ thuật hát song thanh này, bởi chính văn hóa du mục, sinh sống trên dẻo cao sườn núi, nơi núi rừng vang vọng, người Mông cổ lại muốn gửi gắm lời ca tâm tình của mình với rừng núi, muốn âm thanh mang đi tự sự của họ, nên những nơi hẻo lánh, hay trên thảm cỏ mênh mông của thảo nguyên hay những sườn núi là nơi tuyệt vời để họ rèn luyện biểu diễn kĩ thuật hát ảo diệu này.

Âm họng và âm vực trầm từ sâu trong cổ họng là kĩ thuật được sử dụng chủ đạo trong lối hát đồng song thanh. Thông thường, giai điệu được tạo ra bằng cách cô lập bậc 6, 7, 8, 9, 10 và 12 phù hợp với dòng hòa âm (nếu cơ bản tần số là C3, các âm bội sẽ là: G5, B ♭ 5, C6, D6, E6, G6), mặc dù nó có thể đạt đến mức thấp thứ 2 và cao đến bậc 24. Các cao độ  cơ bản thường nằm ở khoảng G dưới middle C, và điều này ảnh hưởng đến phạm vi của quãng giọng các ca sĩ có thể đạt được.

Khoomei là phong cách truyền thống, phong cách âm nhẹ nhàng hơn, với các âm cơ bản (hay drone) thường ở tần trung thấp đến tầm trung của giọng nói bình thường của ca sĩ. (Ảnh: Facebook)

Có 3 phong cách hát đồng song thanh cơ bản là  Khoomei, Kargyraa and Sygyt, Ezengileer, Borbannadyr

Khoomei là phong cách truyền thống, phong cách âm nhẹ nhàng hơn, với các âm cơ bản (hay drone) thường ở tần trung thấp đến tầm trung của giọng nói bình thường của ca sĩ. Trong phong cách này, thường là 2 hoặc 3 giai điệu có thể được nghe từ một đến hai quãng tám trên. Trong Khoomei, bụng khá thoải mái, và có ít căng thẳng về thanh quản hơn trong các phong cách khác.

Cao độ được hình thành bằng thao tác thông qua một sự kết hợp của đôi môi, cổ họng, lưỡi hoặc hàm.

Bằng cách tạo ra âm thanh ở tầm trung cơ bản và các bồi âm ở tần cao nghe giống tiếng huýt sáo,  tiếng chim, người biểu diễn giọng hát này có thể tự tạo tiếng chim. Khiến người nghe cảm thụ được âm hưởng của thiên nhiên chim muông nơi núi rừng rộng lớn, âm thanh trở nên sống động lạ kì.

Có một số quan điểm cho rằng, âm thanh tạo ra ở tầm trung Kargyraa là kỹ thuật có liên quan đến Phật giáo Tây Tạng và có sự tương đồng với vocal fry trong thanh nhạc hiện đại và cũng là cách đã hình thành nên giọng nói của nhân vật hoạt hình Popeye’s. Tức cách họ tạo ra nhiều giọng khác nhau, nhiều kiểu khuôn hình ngữ điệu.

Ngày nay hát đồng song thanh đã có những bước phát triển sáng tạo khi được sử dụng vào cả nhạc dance, rap hiphop để cho ra các thể loại độc đáo và rất lạ.

Khởi nguyên của kĩ thuật hát đặc biệt này xuất phát từ tâm linh và lối sống coi trọng thiên nhiên của người Mông Cổ

Người Mông cổ luôn coi trọng và tin tưởng rằng, thế giới thần linh là hiện hữu đồng thời tồn tại với họ. Do vậy họ cho rằng, tạo hóa ban tặng cho họ mọi thứ như đất đá cỏ cây, là để giúp họ sinh sống. Nên phải sống hòa thuận và coi trọng thiên nhiên.

Trong lời dân ca của người Mông Cổ luôn mang theo sắc thái của hơi thở thiên nhiên, để người nghe có thể cảm nhận tiếng chim hót đâu đó, hay tiếng vó ngựa vang vọng trên thảo nguyên, hay tiếng cánh chim vỗ cánh mạnh bay liệng trên bầu trời, họ đã tạo ra kĩ thuật hát này để thể hiện thiên nhiên trong cuộc sống và tâm hồn họ là sự hòa hợp.

Mây trắng bồng bềnh trên trời xanh
Đàn ngựa cất vó dưới mây trắng
Tiếng roi vụt mạnh vang bốn phương
Đàn chim tung cánh bay lên cao
Nếu có ai đến hỏi tôi rằng
Bạn ơi đây là thuộc nơi nao?
Tôi kiêu hãnh trả lời họ rằng
Đây chính là quê hương tôi đó.

Bài dân ca Mông Cổ du dương đã dẫn chúng ta đến với thảo nguyên bao la, đến với khung cảnh từng đàn cừu đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ trên đồng cỏ mênh mông. Người Mông cổ chẳng hổ danh với những mệnh danh là “dân tộc âm nhạc”, “dân tộc thơ ca”.

Bầu trời xanh lam
Nước hồ trong vắt
Đồng cỏ xanh rờn
Quê hương tôi đó
Tuấn mã phi nhanh
Đàn cừu trắng muốt
Và cả người đẹp
Quê hương tôi đó
Tôi yêu quê hương
Thiên đường của tôi…

(Ảnh: migolatravel.com)

Lắng nghe giọng hát của người Mông Cổ khi sử dụng kĩ thuật hát song thanh, người nghe như đang thưởng thức giọng hót của chim sơn ca trên thảo nguyên xanh đầy sức sống. Giọng hát của họ rạo rực nhiệt tình của dân tộc nổi tiếng hiếu khách nhưng lại có sức hút nghệ thuật mãnh liệt. Giữa chốn thiên nhiên mơ mộng, con người tìm được chốn yên bình hòa hợp thiên nhân. Đây chính là thiên đường giữa chốn phồn hoa ồn ào náo nhiệt.

Giai điệu dân ca Mông Cổ nổi tiếng bởi khúc điệu âm thanh ngân cao và du dương. Nội dung dân ca rất phong phú, có những bài dân ca hát về tình yêu lứa đôi, đón dâu gả chồng, có những bài ca ngợi tuấn mã, đồng cỏ, núi non, sông hồ, cũng có những bài ca ngợi các nhân vật anh hùng, những bài dân ca như vậy đã phản ánh phong tục tập quán, nhân tình thế thái của xã hội Mông Cổ.

Dân tộc Mông Cô từ già, trẻ, gái, trai đều đam mê ca hát, họ rất tôn sùng và kính nể những ai giỏi hát và hát hay. Dân tộc Mông Cổ Trung Quốc chủ yếu tập trung sinh sống trên cao nguyên Nội Mông, cuộc sống chăn nuôi gia súc trên đồng cỏ đã tạo nên cho dân tộc Mông Cổ có đức tính dũng cảm, nhiệt tình, hào phóng, ngay thẳng.

Lấy sự tôn kính với thế giới tâm linh và coi trọng thiên nhiên làm gốc, người Mông Cổ đã tạo ra một bản sắc nghệ thuật riêng biệt của dân tộc mình, tạo nên rất nhiều giọng ca dân tộc Mông Cổ xuất sắc.

Đến với vùng đất Mông Cổ, chính là nơi con người trở về với thiên đường của chính mình, thả hồn giữa triền núi thảm cỏ xa xăm, lắng nghe tiếng chim trời vỗ cánh, được lắng nghe tiếng hát ngân vang như tiếng vọng ra của núi rừng, tiếng hát của người dân du mục, tiếng đàn mã đầu cầm, sự đa dạng trong nghệ thuật biểu diễn tạo nên bản sắc không dân tộc nào có được của người Mông Cổ.

Tịnh Tâm