Eric Armusik rất thích vẽ từ khi còn là một cậu bé lớn lên ở vùng Đông Bắc Pennsylvania. Vào mỗi chủ nhật, anh thường say sưa nhìn ngắm vào các bức tường và trần nhà thờ địa phương, trang trí công phu, chứa đầy những bức tranh tường phức tạp và cửa sổ kính màu đầy màu sắc.

Khi đó anh không thể biết rằng đó chính là sự gieo mầm cảm hứng cho anh trong sự nghiệp sau này – sáng tác tranh ẩn dụ, đặc biệt là từ các tác phẩm nghệ thuật truyền thống và rất kịch tính, như các chủ đề thần thoại, tôn giáo và lịch sử.

Định hướng trong mây mờ

Khi Armusik bắt đầu theo đuổi định hướng này, nhiều người cho rằng anh sẽ không bao giờ thành công với loại hình nghệ thuật đã lỗi thời mà anh chọn lựa.

‘Agony-in-the-garden’, Denis Calvaert (khoảng 1540-1619). (Ảnh: commons.wikimedia.org)

Không nản lòng, Armusik đã hoàn thành một bằng Cử nhân Mỹ thuật, cộng thêm một bằng cấp phụ tại Ý về lịch sử nghệ thuật. Khi được đối diện với tác phẩm của các bậc thầy cổ điển như Michaelangelo, Caravaggio và Bernini, anh biết rằng mọi thứ đã bắt đầu đi đúng quỹ đạo. Anh nói:

Tôi muốn tiếp nối nghệ thuật truyền thống bằng những tác phẩm mới của mình. Nhiều năm qua tôi đã tập trung vào việc này và tạo dựng được một sự nghiệp cho bản thân, thậm chí nhờ nó mà tôi đã trở nên nổi tiếng”.

Cảm hứng được nuôi dưỡng từ nghệ thuật truyền thống

Ngay trong khóa học lịch sử nghệ thuật đầu tiên của mình, Armusik đã choáng ngợp khi lần đầu tiên được chiêm ngưỡng bức tranh ‘Tiếng gọi của Thánh Matthew’ của danh họa Caravaggio. Anh nói:

Có một thứ gì trong đó làm tôi khao khát. Bức tranh thực sự làm tôi cảm động

Một bản tái tạo bức tranh ‘The Calling of Saint Matthew’ (Tiếng gọi của Thánh Matthew) của Michelangelo; Merisi da Caravaggio hoàn thành vào năm 1599-1600. (Ảnh: Miền công cộng)

Khi còn ở Ý, anh có thể ngồi ngắm hàng giờ tác phẩm gốc của Caravaggio, để một lần nữa cảm thấy mình là một cậu bé trong nhà thờ năm xưa.

Nhớ lại có một thời gian khi đang theo học tại trường đại học, sự thăng hoa của Armusik đã bị làm tắt ngấm bởi nghệ thuật đương đại, dường như khiến anh có phần bê tha và trưởng giả: ‘Nếu ai đó không cảm động trước một tác phẩm nghệ thuật đương đại, thì sẽ bị cho rằng không hiểu gì về nó’. Anh nhớ lại:

Trường đại học nơi tôi học giảng dạy trên cơ sở chủ nghĩa hiện đại, nơi các họa sĩ đều đang làm nghệ thuật trình diễn và nghệ thuật sắp đặt, và khẳng định rằng phải làm nghệ thuật với bất cứ thứ gì trong tay”, Tôi bắt đầu tự hỏi bản thân mình: ‘Khi nào thì sự điên rồ này mới chấm dứt?

Nhiều người bình thường không thể phân biệt được nghệ thuật đương đại với các đồ vật bình thường của thế giới trần tục. Các bảo tàng đã đem ra trưng bày các bức tranh đơn điệu, động vật chết ngâm trong formaldehyd, hoặc các vật thể ngẫu nhiên được chất thành đống ở một góc phòng trưng bày. Armusik muốn có một sự thay đổi; anh nói:

Tôi thực sự chỉ muốn vẽ những thứ đẹp đẽ. Tôi muốn vẽ lên vẻ đẹp và tình yêu – một cái gì đó thực sự có thể chạm tới tâm hồn của bất cứ ai. Không quan trọng nếu họ là một nhà sưu tập đã có kinh nghiệm, hay là một người mới vào nghề. Tôi muốn tạo được sự giao tiếp thực sự với khán giả”.

Helen và Paris, Eric Armusik, dầu trên gỗ bạch dương, 2016. (Bản quyền ảnh: Eric Armusik)
Helene & Paris_Jacques Louis David (1748-1825). (Ảnh: commons.wikimedia,org)

Armusik nhận ra anh ta muốn vẽ từ đời thực, muốn dùng những người thực làm mẫu – những người có thể tạo cho anh cảm giác hoặc cảm xúc như những nhân vật trong những câu chuyện cổ điển. Anh coi trọng ngôn ngữ cơ thể và cảm xúc bên trong của họ, truyền đạt điều đó đến người xem, tạo cảm giác chân thực và dễ tiếp cận. Anh chia sẻ:

Một số là những câu chuyện tôn giáo hoặc thần thoại phức tạp, nhưng về cơ bản, tôi muốn nói rằng các trải nghiệm là tương tự”.

Trên thực tế những bức tranh lớn về đề tài tôn giáo dành cho các nhà thờ và các địa điểm khác mà anh đã vẽ trong 22 năm sự nghiệp của mình đã khiến mọi người cảm động. Anh chia sẻ:

Tôi nghĩ rằng nghệ thuật chỉ tuyệt vời khi có sức truyền đạt đến công chúng. Tác phẩm nghệ thuật phải giúp nâng cao tinh thần, như cách nghệ thuật thời xưa đã làm. Nghệ thuật thời xưa đã từng siêu việt cuộc sống, giúp con người quên đi những khó khăn và nghĩ về một điều gì đó đẹp đẽ và cao cả hơn”.

Sự nghiệp nghệ thuật đã chín muồi

Các kỹ năng của Armusik được tiếp tục hoàn thiện trên nền tảng kỹ thuật của các nghệ sĩ cổ điển. Năm 2003 anh đã được chọn đại diện cho Hoa Kỳ tham gia triển lãm tranh tại Florence, Ý. Năm 2015, trong số 1700 bài dự thi từ hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới, tác phẩm của anh đã được chọn vào chung kết cuộc thi Vẽ tranh ẩn dụ Quốc tế tại Barcelona, ​​Tây Ban Nha. Các hội thảo về hội họa truyền thống do anh thường xuyên tổ chức đã thu hút sinh viên từ khắp nơi trên thế giới.

‘Ariadne’, dầu trên gỗ bạch dương, 2016, Eric Armusik. (Bản quyền ảnh: Eric Armusik)

Các tác phẩm của anh được trưng bày ở nhiều nơi, bao gồm Câu lạc bộ Nghệ thuật Quốc gia New York, Bảo tàng Nghệ thuật Allentown, Bảo tàng bang Pennsylvania, Thời báo New York, Nhà sưu tập Nghệ thuật Mỹ, và Fine Art Connoisseur, cùng với nhiều nhà thờ và bộ sưu tập tư nhân trên toàn thế giới.

Armusik cho rằng anh là người may mắn trong sự nghiệp, nhưng không phải như vậy mà thành công dễ dàng. Anh nói:

Tôi đã luôn khao khát được sống theo lời dạy của nhà hiền triết Aristotle, rằng: “Trong những thời khắc tối tăm nhất, chúng ta vẫn phải giữ tập trung để tìm ra nguồn ánh sáng”. Đối với tôi, lời nói đó thực sự là động lực cho rất nhiều công việc của bản thân, khi phải đối phó với các hoàn cảnh khó khăn. Tôi đã trải qua đủ các thử thách để thực sự có thể chia sẻ với bạn rằng: Đừng nắm chặt lấy thất bại đó, khoảnh khắc buồn phiền đó, mà hãy tìm ra trong đó một điều gì đó làm thắng lợi”.

Anh chia sẻ quan điểm của mình về cái đẹp trong nghệ thuật:

Tôi yêu cái đẹp và luôn muốn làm nó sống dậy. Tôi cho rằng hiện có rất nhiều điều xấu xa và quỷ quái trên thế giới này, và không nghĩ rằng việc tôn vinh những thứ đó trong nghệ thuật là điều mọi người thực sự mong muốn. Tôi nghĩ rằng nghệ thuật loại đó đã bỏ qua tiêu chuẩn trở thành nghệ thuật vĩ đại”.

Một dự án nghệ thuật để đời

Armusik gần đây đã bắt đầu dự án lớn nhất trong sự nghiệp của mình: vẽ các cảnh cho toàn bộ phần đầu tiên của sử thi ‘The Divine Comedy’ của Dante – Inferno.

Triển lãm khi hoàn thành sẽ bao gồm 40 tấm tranh panel có chiều rộng 1,32m, cao 1,65m và sẽ phải mất từ 2 đến 3 năm để hoàn thành. Anh nói:

Đây là một việc mà chưa từng có ai làm, là việc mà tôi đã nghiền ngẫm trong suốt 20 năm. Bây giờ tôi nghĩ rằng cuối cùng mình đã sẵn sàng để cho nó ra lò”.

Họa sĩ ẩn dụ phong cách cổ điển Eric Armusik (2015)

Họa sĩ hy vọng dự án này sẽ được trưng bày với quy mô đầy đủ ở Hoa Kỳ và có thể cả ở châu Âu vào dịp kỷ niệm 700 năm ngày mất của Dante – năm 2021.

Anh tiết lộ dự định của mình trong dự án này:

Tôi thực sự muốn tạo ra sự minh họa chân thực cho câu chuyện của Dante và có thể được các thế hệ giảng viên tương lai đánh giá cao. Tác phẩm này được dạy trong các trường phổ thông và đại học trên toàn thế giới. Vì vậy việc có thể tạo ra hình ảnh chính xác về mặt lịch sử là rất quan trọng đối với tôi, và khiến nó trở thành một công cụ giảng dạy hữu ích”.

Anh chia sẻ rằng dự án này dựa trên sự can đảm của bản thân anh qua nhiều năm, khi luôn vẽ những gì anh muốn chứ không phải những gì người khác bảo anh vẽ. Hiện giờ anh rất tin tưởng:

Rất nhiều người ủng hộ dự án này. Vì vậy nó chắc chắn sẽ rất tuyệt vời”.

Tấm tranh số 3 của Dante’s Inferno, họa sĩ Eric Armusik (Ảnh: linkedin.com)

Anh nói, thay cho lời kết luận:

Tôi nghĩ rằng tình yêu và cái đẹp là những thứ vĩnh cửu trong nghệ thuật. Dù ai quay lưng lại với những thứ đó, do sợ hãi, thiếu can đảm hoặc tránh bị tổn thương, chúng vẫn là những thứ mà mọi người đều khao khát tìm về, để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi còn nghĩ rằng, đó là nơi mà các nghệ sĩ có thể thực sự đóng góp nhiều hơn, và tôi rất vui được làm một người trong số đó”.

Theo SARAH LE, EPOCH TIMES

Hòa Bình biên dịch

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||cbafd04ea__