Bậc trí thức thời xưa, khi gặp thời thế, gặp vua sáng thì ra làm quan giúp vua giúp nước, giáo hóa bách tính, coi việc “lo trước cái lo của thiên hạ” là trách nhiệm của bản thân, thuận theo thiên mệnh, sống chân thật với bản tính tự nhiên của trời đất. Còn khi thế sự rối ren, đạo đức suy đồi, xã hội tranh giành, a dua xu nịnh, khom lưng luồn cúi, thì bậc chí nhân quân tử hành xử ra sao?

Chúng ta cùng tìm hiểu về tâm cảnh người xưa qua kiệt tác Đường thi “Quy viên điền cư” của Đào Uyên Minh… 

Đào Tiềm (465 – 427), tự Nguyên Lượng, hiệu Uyên Minh, là nhà thơ, nhà văn cuối thời Tấn đầu thời Nam Triều, người Sài Tang, Tầm Dương (Cửu Giang, Giang Tây ngày nay), từng làm chức quan nhỏ, không muốn khom lưng thờ quyền quý, bèn từ quan về nhà, ẩn cư núi Nam Sơn, tự khai khẩn, cày cuốc sinh sống. Cuộc sống điền viên là chủ đề chính của thơ Đào Uyên Minh, loạt bài Quy viên điền cư là tiêu biểu, trong đó nổi bật hơn cả là Quy viên điền cư – kỳ 3.

Đào Tiềm. (Ảnh: naver.com)

Chữ Hán

歸園田居其三
種豆南山下,
草盛豆苗稀。
晨興理荒穢,
帶月荷鋤歸。
道狹草木長,
夕露沾我衣。
衣沾不足惜,
但使願無違。

Âm Hán Việt

Quy viên điền cư kỳ 3

Chủng đậu Nam Sơn hạ,
Thảo thịnh đậu miêu hy.
Thần hưng lý hoang uế,
Đới nguyệt hà sừ quy.
Đạo hiệp thảo mộc trường,
Tịch lộ triêm ngã y.
Y triêm bất túc tích,
Đãn sử nguyện vô vi.

Dịch nghĩa: Về nhà sống với điền viên – kỳ 3

Trồng đậu ở dưới chân núi Nam Sơn,
Cỏ dại rậm rạp mầm đậu lưa thưa.
Sáng sớm đi cắt trừ cỏ hoang,
Tối đội trăng vác cuốc về.
Đường mòn nhở hẹp, cây cỏ um tùm che lối,
Sương đêm ướt hết áo.
Áo ướt không đáng tiếc,
Chỉ để cho không trái với nguyện ước của mình.

Trồng đậu ở dưới chân núi Nam Sơn. Cỏ dại rậm rạp mầm đậu lưa thưa. (Ảnh: Pinterest.com)

Dịch thơ

Dưới núi Nam trồng đậu,
Cỏ rậm  đậu thưa giăng.
Sáng sớm đi cắt cỏ,
Về vác cuốc đội trăng.
Đường hẹp cây cỏ chắn,
Đêm về áo đẫm sương.
Áo pha sương chẳng tiếc,
Cốt không trái với lòng.

Đây là bài thơ điền viên được mọi người ưa chuộng, biểu đạt tình yêu nồng nàn của nhà thơ đối với thiên nhiên, và truy cầu trở về với bản tính. Cuộc sống điền viên với người nông dân vốn đã vất vả khổ cực, nhưng với Đào Uyên Minh, người xuất thân từ gia đình quý tộc, trước nay chỉ quen với bút mực, nhiều năm chốn quan trường, thì về ẩn cư cày cấy, tự nuôi mình còn khó hơn nữa. Lại còn phải lo cái ăn cho đồng bộc và môn sinh, có thể nói đó sẽ là khó khăn chồng chất, khổ nhọc trùng trùng.

Bài thơ này xem ra rất bình dị, dể hiểu, giống như một phần của cuộc sống thường nhật, thực ra có rất nhiều nội hàm cần đi sâu vào thể hội. Bài thơ này có phảng phất ý tứ  bài thơ của Dương Uẩn đời Hán:

Chủng đậu ca

Điền bỉ Nam Sơn,
Vu uế bất trị.
Chủng nhất khoảnh đậu,
Lạc nhi vi ki.
Nhân sinh hành lac nhĩ,
Tu phú quý hà thì.

(Ảnh: tinhhoa.net)

Dịch thơ: Bài ca trồng đậu

Núi Nam Sơn làm ruộng
Cỏ dại khó trừ thay
Trồng đậu có một mẫu,
Gieo xuống nảy mầm ngay.
Nhân sinh ưa lạc thú,
Phú quý bao giờ đầy.

Núi Nam Sơn làm ruộng, Cỏ dại khó trừ thay” biểu thị thái độ nhân sinh: trong xã hội hỗn loạn thế gian ô trọc, thanh khiết bản thân, cày cuốc ruộng vườn sinh sống, vui thú điền viên, hòa với thiên nhiên cũng là một sự lựa chọn đầy trí tuệ. Tự mình cày cuốc để sinh sống, không truy cầu phú quý vinh hoa, chẳng truy cầu hư danh, vứt bỏ cuộc sống tranh đấu chốn quan trường, hài lòng với cuộc sống cần kiệm chất phác, đó cũng chính là phương thức sống tự nhiên.

Thơ Dương Uẩn, cỏ dại không trừ được ngụ ý triều đình hỗn loạn. Còn trong thơ Đào Uyên Minh, cỏ dại um tùm là chỉ xã hội hỗn loạn, do quá nhiều người đã rời phương thức sống tự nhiên, xa bản tính chân thành, thiện lương tự nhiên, dùng cơ trí, mưu lược tranh giành địa vị, tranh đoạt danh lợi, mưu hại lẫn nhau, khiến cho thiên hạ chiến loạn, máu đổ không ngừng.

Hai câu đầu miêu tả sinh động cảnh thú vị, một văn nhân chưa quen nghề cày quốc, mới bỡ ngỡ làm ruộng: Do nhà thơ mới từ quan về cày ruộng, chưa có kinh nghiệm, nên các mầm đậu trồng bị cỏ dại mọc um tùm che kín. Thấy vậy, ông thức khuya dậy sớm cuốc trừ cỏ, đến khi trời tối mới theo ánh trăng trở về.

(Ảnh: pinterest.com)

Về vác cuốc đội trăng”, câu thơ này vô cùng tinh tế, không những cho thấy cuộc sống cuốc cày vất vả, mà cũng thể hiện ra nhà thơ ung dung, du nhàn vui với thiên nhiên, hiểu về mệnh Trời.

Hai câu cuối thấy rõ tâm trạng của nhà thơ, cũng là câu đặc sắc của cả bài: “Áo pha sương chẳng tiếc, Cốt không trái với lòng”.  Con đường nhỏ chật hẹp lại càng chật hẹp hơn khi cây cỏ um tùm che kín lối, sương đêm ướt hết áo, nhưng ngụ ý sâu xa là trên con đường công danh hoạn lộ, những việc ngang tai trái mắt, trái với lòng mình nhiều như cây cỏ chắn đường, khiến ông phải lựa chọn giữa làm quan và ẩn cư, rồi cuối cùng lựa chọn từ quan quy điền, chỉ vì không muốn khom lưng quỳ gối, trái với bản tính chất phác chân thực và tâm nguyện của mình. Hàm ý hai câu cuối là “ở lâu trong lồng cũi, được trở lại với tự nhiên”, tức là trở lại với cảnh quan thiên nhiên điền viên, và cũng chính là nói trở lại với bản tính tự nhiên của mình.

Dùng lời nông cạn bình dị, ngữ khí nhẹ nhàng, ôn hòa để diễn tả tư tưởng sâu xa là sở trường độc đáo của Đào Uyên Minh, nhẹ nhàng, bất tri bấc giác truyền hàm ý sâu sắc đó đến với trái tim người đọc. Bài thơ không gọt rũa, tự nhiên mà cao nhã thoát tục, bộc lộ đầy đủ cái “Chân” của nhà thơ: “Cảnh chân, vị chân, ý chân, như nguyên khí của tạo hóa, tự nhiên sáng tỏa”.

Con đường công danh hoạn lộ, những việc ngang tai trái mắt, trái với lòng mình nhiều như cây cỏ chắn đường, khiến ông phải lựa chọn giữa làm quan và ẩn cư. (Ảnh: pinterest.com)

Trí thức thời xưa – bậc quân tử tinh thông kinh điển Nho gia và Đạo gia, khi gặp thời thế, gặp vua sáng thì ra làm quan giúp vua giúp nước, giáo hóa bách tính, coi việc “lo trước cái lo của thiên hạ” là trách nhiệm của bản thân, thuận theo thiên mệnh, theo thời thế mà hành sự, sống chân thật với bản tính tự nhiên của trời đất.

Khi thế sự rối ren, đạo đức suy đồi, xã hội tranh giành, cướp đoạt, thế tục a dua xu nịnh, khom lưng cúi đầu để truy cầu vinh hoa, phú quý, quan trường hiểm ác, kẻ lừa người dối, kéo bè kết đảng, cấu kết làm việc gian tà, thì bậc quân tử lại từ quan quy ẩn, tự mình cày cuốc nuôi thân, sống tự do tự tại, cốt giữ được cái Đạo: tu chân, nói lời chân, làm việc chân, hòa mình với Đạo của Trời Đất. 

Người ngoài nhìn sao thấy rất khổ cực, nhưng họ lại thấy niềm vui ở trong Đạo “An bần lạc Đạo”, hoàn thiện bản thân, cảnh giới thăng tiến, trí huệ khai sáng – niềm vui nằm chính ở chỗ đó, khó mà nói cho người thường hiểu được.

Triêu Lộ