“Forever” là bản ballad nổi tiếng của ban nhạc Stratovarius. Bài hát được đông đảo thế hệ trẻ Việt biết đến qua bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng những thập niên 90 của thế kỷ trước “Mối tình đầu”. Âm hưởng sâu lắng, nhẹ nhàng và ca từ sâu sắc của bài hát, đã đưa bộ phim lên một tầm cao mới. Có những người không biết tới bộ phim “Mối tình đầu”, nhưng họ vẫn nghe “Forever”.

Một điều đặc biệt là Stratovarius là một ban nhạc chuyên về thể loại âm nhạc sôi động, cuồng nhiệt, nhưng Forever, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Stratovarius, lại thuộc thể loại ballad, một thể loại nhẹ nhàng bắt nguồn từ dòng nhạc đồng quê và dân ca.

Vì sao lại có một tác phẩm “lạc loài” xuất sắc đến vậy? Điều này có thể bắt nguồn từ vấn đề cá nhân của người sáng tác ra nó, Timo Tolkki.

Bài hát khai thác góc nhìn đặc biệt: Góc nhìn của người đã khuất

Có thông tin cho rằng, Timo Tolkki – một thành viên trong ban nhạc – đã viết bài “Forever” này cho người cha đã khuất của anh. Chính điều đau buồn đó đã tạo lên một tác phẩm bất hủ.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Một điều rất thú vị là điểm nhìn của nhân vật trữ tình trong Forever. Nếu chúng ta không biết được hoàn cảnh ra đời của bài hát thì không thể biết được đó là điểm nhìn của một linh hồn hồi tưởng lại kiếp sống trần gian. Dĩ nhiên qua cái chết của cha mình mà Timo Tolkki đã tưởng tượng ra điều đó.

(Ảnh: yexmore.com)

Chính vì bối cảnh và điểm nhìn đặc biệt như vậy mà Forever vừa thấm đẫm tính triết lý và cũng đầy ắp cảm xúc tình yêu về cuộc sống.

Mở đầu bài hát tiếng Anh, tác giả viết:

I stand alone in the darkness
The winter of my life came so fast
Memories go back to childhood
To days I still recall

Dịch là:

Tôi đứng cô độc trong màn đêm lạnh lẽo
Những năm tháng tuổi già sao đến quá nhanh
Những kí ức thời thơ ấu lại hiện về trong tôi
Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ

Rất nhiều người có thể hình dung ra cảnh một người đàn ông già nua, cô đơn, tóc bạc đang ngồi chiêm nghiệm lại quá khứ. Chỉ hình dung vậy thôi mà cũng khiến tâm trạng của ta chùng xuống, đầy xót xa. Tuy nhiên, như đã nói ở đoạn trước, điểm nhìn của bài hát này là linh hồn của một người đã qua đời. Ta có thể nhận thấy dấu hiệu này qua câu đầu của bài hát:

Tôi đứng cô độc trong màn đêm lạnh lẽo

Một người đàn ông già nua, cô đơn ngồi chiêm nghiệm lại quá khứ. Chỉ có điều ông ấy đã chết. Quá khứ của ông là một kiếp sống mà ông đã trải qua và không bao giờ có thể trở lại.

Nếu một người còn sống, dù không trở lại được quá khứ, nhưng họ vẫn có cơ hội trở về nơi mình sống ngày xưa, hòa mình vào thế giới mà họ đã từng trải qua. Còn nhân vật trữ tình trong bài hát là một người đã chết, ông không thể trở về được nữa.

Chính vì thế, sự cô độc của nhân vật là sự cô độc ở mức tuyệt đối.

Khi người ta cô đơn, thì thường hay hoài niệm về những ngày tháng hạnh phúc. Và hầu như với bất kỳ ai trong số chúng ta, những tháng ngày hạnh phúc nhất thường là tuổi thơ, bởi:

Oh how happy i was then
There was no sorrow there was no pain

(Khoảng thời gian đó hạnh phúc biết bao
Không có phiền muộn cũng như nỗi đau)

Nhân vật trữ tình cũng có cảm nhận đó:

The winter of my life came so fast
Memories go back to my childhood
Today i still recall

(Những năm tháng tuổi già sao đến quá nhanh
Những kí ức thời thơ ấu lại hiện về trong tôi
Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ)

Những kí ức thời thơ ấu lại hiện về trong tôi. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ. (Ảnh: Pinterest)

Với một âm hưởng nhẹ nhàng, chậm rãi của thể loại Ballad, ngay từ khổ đầu của bài hát đã gây thổn thức tâm hồn của bất kỳ ai nghe nó. Trong mỗi chúng ta, ai mà không sợ cái chết? Ai mà không lưu luyến những kỷ niệm thời ấu thơ?

Mới ngày nào ta là một cô bé, cậu bé còn vui tươi hồn nhiên, ngoảnh đi, ngoảnh lại đã trăm năm trôi qua, cái chết và cuối cùng là cô độc trong màn đêm lạnh lẽo. Đời người thật ngắn ngủi. Ta nghe có gì đó xót xa hiện lên trong từng câu chữ.

Điều gì ý nghĩa nhất đối với cuộc đời của một con người? Đó là tình yêu. Có thể nói con người vì tình yêu mà sống.

Và tình yêu cũng là điều không thể thiếu trong nỗi nhớ của nhân vật trữ tình trong bài hát. Đó là một hình ảnh tuyệt đẹp và lãng mạn về tình yêu:

Walking through the green fields
Sunshine in my eyes

(Cùng em đi dạo trên những thảo nguyên
Những tia nắng lấp lánh trong đôi mắt tôi)

Không gian mà nhân vật trữ tình đề cập đến khi nhớ về “em” là đi dạo trên những thảo nguyên. Từ “những thảo nguyên” cho ta thấy sự lặp đi lặp lại của “đi dạo”, tức là nhân vật trữ tình cùng “em” thường đi dạo trên những thảo nguyên. Qua hình ảnh này ta có thể cảm nhận được tình cảm của hai người, họ là những người tri âm tri kỷ, có sự đồng cảm trong cảm xúc, nên mới có thể cùng nhau đi dạo trên những thảo nguyên và trong hành trình của cuộc đời.

Nếu câu hát trên cho ta biết về thời gian và địa điểm. Thì câu hát dưới cung cấp cho ta cảm xúc của nhân vật trữ tình:

Sunshine in my eyes

(Những tia nắng lấp lánh trong đôi mắt tôi)

Tia nắng” trong cảm xúc của con người thường mang lại sự ấm áp, bình yên và hạnh phúc. Dân gian thường có câu “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, chính vì vậy, những tia nắng lấp lánh trong đôi mắt kia cũng chính là cách nói hình tượng về cảm xúc của nhân vật trữ tình lúc ấy: một cảm xúc ấm áp, bình yên như những tia nắng lấp lánh.

Trong nỗi nhớ của nhân vật trữ tình, đó là một tình yêu đẹp không tì vết. Chính vì tình yêu đẹp như thế, nên nhân vật trữ tình vô cùng lưu luyến với “em”, ngay cả khi đã chết:

I’m still there everywhere

(Tôi vẫn ở bên em dù bất cứ nơi đâu)

Dù em ở bất cứ nơi đâu, tôi vẫn luôn ở bên em. Nhưng tôi là một người đã chết rồi, không còn thân xác thịt nữa, làm sao em có thể nhận ra được? Dường như hiểu ra được điều này, nhân vật trữ tình đã nói tiếp:

I’m the dust in the wind
I’m the star in the northern sky
I never stayed anywhere
I’m the wind in the trees… 

(Tôi là hạt bụi bay theo gió
Tôi là ngôi sao trên bầu trời phương Bắc
Tôi không bao giờ dừng chân ở một nơi nào
Tôi sẽ là ngọn gió thổi qua các nhành cây)

Trong văn hóa truyền thống, con người tin vào sự tồn tại của linh hồn, và tin rằng linh hồn người đã khuất vẫn luôn ở bên những người thân của mình. Chúng ta không thể thấy được sự tồn tại của họ, nhưng có thể cảm nhận được thông qua những “điểm hóa”. Và nhân vật trữ tình kia đã nói cho người em biết về những “điểm hóa” như thế, cho thấy rằng tôi đang ở bên em: “tôi là hạt bụi”, “tôi là ngôi sao”, “tôi sẽ là ngọn gió”…

(Ảnh: Twitter)

Nhưng hơn hết, tại sao nhân vật trữ tình lại phải nói ra những điều đó? Điều này ta sẽ thấy ở câu kết của bài hát:

Would you wait for me forever?

(Em sẽ mãi mãi đợi tôi chứ?)

Ở đây có một điều khiến ta không khỏi băn khoăn nhân vật trữ tình đã qua đời, thì tại sao lại hỏi một câu như vậy? Ai lại đi chờ đợi một người đã chết?

Có 2 điều đáng sợ trên cuộc đời này: một là chết, hai là bị lãng quên. Cái sau thậm chí còn đáng sợ hơn cái trước. Nên câu hỏi kia thực chất ý nghĩ chính là: em sẽ mãi mãi đợi tôi thì cũng là vẫn còn nhớ đến tôi. Chính vì vậy, câu hỏi trên thực chất là một câu hỏi tu từ, thể hiện một nỗi sợ hãi: sợ bị quên lãng. “Em” chính là người thân yêu nhất, nếu “em” quên tôi thì trên đời này còn ai nhớ đến tôi nữa?

Và mở rộng hơn, câu hỏi đó cũng chính là câu hỏi của mỗi người trước cuộc đời này: Chừng nào ta sẽ bị lãng quên?

Trong Kinh Phật có ghi rằng: “Đời là bể khổ”. Bài hát Forever mang triết lý sâu sắc bởi đã cho chúng ta thấy ba cái cái khổ lớn nhất của đời người: cái chết, sự chia li và sự quên lãng.

“Sinh, lão, bệnh, tử”, đó là quy luật đầy khắc nghiệt của kiếp người.

Phải chăng, đó chính là điều khiến bài hát Forever còn sống mãi?

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Thiện Minh