Vào đầu thế kỷ 18, đồ sứ Trung Quốc tiến bước vào châu Âu, đem đến sự phát triển mang tính thời đại của nghệ thuật sứ cho châu lục này. Thông qua hội họa theo phong cách thời kỳ Phục Hưng, cùng với văn hóa rực rỡ thời vua Louis XIV, đồ sứ được tích hợp những hình vẽ, hoa văn đẹp, khảm nạm đá quý, mạ vàng v.v.., tái tạo phong tục dân gian, tạo ra một thời kỳ huy hoàng cho sứ thủ công châu Âu.

Nước Anh và những tác phẩm điêu khắc

Năm 1745, nhà máy gốm sứ Chelsea và nhà máy gốm sứ Derby ở Anh đã sánh ngang hàng với nhà máy gốm sứ ở Đức – Meissen và Pháp – Sèvres, làm nên bốn nhà máy sản xuất gốm sứ lớn nhất tại Châu Âu. Trong các tác phẩm như đôi bình hoa lớn được sản xuất bởi nhà máy gốm sứ Chelsea, những bức tranh lan tỏa không khí trìu mến và thân thiện, mô tả cuộc sống ấm áp của nước Anh thời kỳ đó.

Một cặp bình hoa lớn của Anh, với quai lớn được mạ vàng, hoa văn hình hoa mận trên thân bình, có vẻ đẹp trung tâm là hình ảnh cặp vợ chồng ngồi dưới gốc cây, còn chiếc bình kia là hình ảnh một đôi nam nữ thanh niên ngồi dưới gốc cây. Người đàn ông đang thổi sáo và người phụ nữ đang cầm bản nhạc cho anh ta. Gia đình và tình bạn tồn tại đồng thời, cùng nhau thưởng thức âm thanh nhã nhạc gợi cảm.

Một chiếc trong cặp bình lớn được sản xuất bởi nhà máy gốm sứ Chelsea ở Anh, (Ảnh: Juliet Zhu/ Epochtimes)
Một chiếc trong một cặp bình lớn do Nhà máy gốm sứ Chelsea ở Anh sản xuất, với những hoa văn hình hoa mận, nổi bật hình ảnh cặp vợ chồng và con gái của họ đang ngồi trong khung cảnh tuyệt đẹp. (Ảnh: Juliet Zhu/ Epochtimes)

Một đôi bình hoa lớn khác bằng bảo thạch lam mạ vàng hiện lên hình ảnh một đôi tình nhân, người đàn ông mang một giỏ nho tới cho người yêu; trên bình kia là một đôi tình nhân khác đang ôm nhau, có bầy dê vây quanh, ý cảnh rất ấm áp. Cũng có những hình ảnh về màn cầu hôn lãng mạn và thành công, cũng có cảnh gia đình quý tộc đi chơi trong tiết thanh minh. Tất cả đều như tái tạo lối sống của người dân Châu Âu chất phác, nhàn nhã, đầy đủ sung túc.

Chiếc bình lớn xanh bằng sapphire mạ vàng trong nhà máy gốm sứ Chelsea ở Anh. Người đàn ông mang một giỏ nho đến cho người yêu. (Ảnh: Juliet Zhu/ Epochtimes)
Chiếc bình lớn xanh bằng sapphire mạ vàng trong nhà máy gốm sứ Chelsea ở Anh với hình ảnh đôi tình nhân ôm nhau. (Ảnh: Juliet Zhu/ Epochtimes)
Chiếc bình lớn được sản xuất bởi Nhà máy gốm sứ Chelsea ở Vương quốc Anh, thể hiện lời cầu hôn bằng một bông hồng. (Ảnh: Juliet Zhu/ Epochtimes)
Chiếc bình lớn được sản xuất bởi Nhà máy gốm sứ Chelsea ở Anh – cảnh một gia đình quý tộc. (Ảnh: Juliet Zhu/ Epochtimes)

Năm 1769, công ty gốm sứ Chelsea được mua lại bởi công ty gốm sứ Derby. Những dấu vết của Chelsea vẫn còn có thể được nhìn thấy cho tới trước năm 1784. Nhà máy Gốm sứ Royal Crown thuộc công ty Derby ra đời vào khoảng năm 1748, được hoàng gia Anh công nhận về chất lượng. Năm 1755, Vua George III của Vương quốc Anh đã trao cho công ty một vinh dự lớn: cho phép sử dụng ký hiệu “Crown” trên những vật phẩm trong hoàng thất.

Cửa hàng đồ sứ Pháp Severe (Sèvres)

Sau khi Louis XIV đi tiên phong trong sự hồi sinh nghệ thuật của Pháp, con cháu của vua đã tiếp nối sự phồn vinh đó và tài trợ cho nhà máy sứ Sèvres. Đồ sứ của nhà máy sứ Hoàng gia Sèvres ở Pháp có kiểu dáng mới lạ, màu sắc tươi sáng, mạ vàng tinh xảo cùng với những bức tranh tuyệt đẹp của các nghệ sĩ đa tài làm cho đồ sứ trở thành vật kế thừa một nền văn hóa phong phú.

Chiến thắng của anh hùng

Nhà máy sứ hoàng gia Sèvres ở Pháp đã mời rất nhiều nghệ sĩ cùng nghệ thuật gia tới cùng làm việc để cho ra đời một tác phẩm. Chiếc bình sứ màu hồng trong bức tranh đã từng được Vương hậu cất giữ. Chiếc bình này được trang trí bằng sứ nhiều màu sắc, điêu khắc nổi vàng bạc, trang trí bằng men “đá quý” và mạ vàng tinh tế. Trong đó có bối cảnh được vẽ bởi họa sĩ Edme-Francois Bouillat; Pierre-Andre Le Guay chịu trách nhiệm tái hiện cảnh tượng người anh hùng chiến thắng; Genevieve Taillandier thì nhận phần việc trang trí xung quanh chiếc bình; Etienne-Henry Le Guay phụ trách phần mạ vàng và Philippe Parpette đảm nhận phần đá quý. Quá trình sản xuất này cũng bao gồm tạo cho chiếc bình một lớp men trong suốt, khiến cho những viên đá quý càng trở nên lấp lánh.

Chiếc bình do nhà máy sứ Sèvres của hoàng gia Pháp sản xuất vào năm 1762. Bức tranh mô tả chiến thắng hào hùng của người anh hùng, với trang trí bằng sứ đầy màu sắc, chạm nổi vàng bạc, trang trí men “đá quý” tinh tế. (Ảnh: Juliet Zhu /Epochtimes)

Trang trí đồng mạ vàng

Hình vẽ người mẹ ôm đứa con nhỏ; anh trai của cậu đang đùa giỡn bên cạnh; bên cửa là bà quản gia đang mỉm cười; bức hình ấm áp tình cảm gia đình, nét vẽ nhẵn nhụi, sắc thái xinh đẹp. Trang trí bên ngoài chiếc bình sứ là tượng hai đứa trẻ được đúc bằng đồng mạ vàng, có thần thái và hình dáng được khắc họa rất chi tiết và tỉ mỉ. Có thể thấy tác phẩm này là sự kết hợp và chế tác rất cẩn thận giữa nhà điều khắc và thợ kim loại thủ công tinh xảo.

Đồ sứ được sản xuất bởi nhà máy sứ Sèvres của hoàng gia Pháp vào năm 1781. (Ảnh: Juliet Zhu/Epochtimes)

Hội họa tinh tế trên mặt sứ

Trên một chiếc bình tròn, với diện tích nhỏ hơn lòng bàn tay hiện lên một cây xanh tươi tốt sum xuê lá, cùng khung cảnh rộng lớn của một dòng sông uốn khúc; và ấn tượng hơn nữa là cảnh tượng săn chim nước trên sông của những người đàn ông. Chỉ trong một vài centimet vuông, năm người lính mỗi người cầm một khẩu súng dài với tư thế, thần thái khác nhau; qua đó có thể thấy được kỹ năng hội họa tinh tế tuyệt vời của họa sĩ.

Đồ sứ được sản xuất bởi Nhà máy Gốm sứ Hoàng gia Pháp Sèvres. Hình những người lính săn bắn chim nước trên sông. (Ảnh: Juliet Zhu/Epochtimes)

Những pho tượng điêu khắc bằng sứ độc đáo của Đức

Đồ sứ được sản xuất bởi nhà máy gốm sứ Meissen ở Đức ngoài việc bắt chước đồ sứ Trung Quốc về công nghệ và hoa văn trang trí, họ cũng có những sáng chế mới về tạo hình. Cuộc sống giải trí và kịch nghệ phong phú của người châu Âu đã làm tăng rất nhiều cảm hứng nghệ thuật và gợi ý cho các nghệ nhân điêu khắc thể hiện tác phẩm trên chất liệu sứ.

Tượng người phụ nữ trẻ được tạo hình bởi Johann Joachim Kändler ở Đức vào năm 1745 với hình dáng như nhảy múa vui tươi, thần thái ưu nhã, trang phục phiêu bồng, với những đường cong rất lưu loát tự nhiên. Chiếc váy rất thanh lịch với màu hồng bay bổng, đường nét mượt mà; ngoài ra còn phải nói đến màu sứ trong suốt cùng với những điểm nhấn được tô điểm bằng vàng.

Hay như tượng người đàn ông trong tiệm giặt ủi trên tay cầm chiếc bàn là, đội một chiếc mũ đặc biệt trên đầu, đi giày da sáng bóng, nhịp bước nhanh nhẹn, tái hiện lại cuộc sống thường nhật của người Đức vào giữa thế kỷ 18.

Tượng thiếu nữ, được sản xuất vào năm 1745. (Ảnh: Juliet Zhu/ Epochtimes)
Tượng người đàn ông trong tiệm giặt ủi. (Ảnh: Juliet Zhu/ Epochtimes)

Johann Joachim Kändler được thuê làm thợ điêu khắc trong hoàng cung vào năm 1730. Sau một năm ở Đức, công ty Meissen đã mời ông làm nghệ nhân chính trong việc chế tạo mô hình cho đồ sứ. Sau đó, ông không chỉ hướng dẫn cho các nhà điêu khắc khác mà còn chế tác ra rất nhiều các mô hình sứ. Những nghệ nhân tại đây đã làm tượng chim và động vật để cung cấp cho hoàng cung, một số tượng cao tới ba mét, thường thường cao khoảng một mét. Tuy nhiên, những đồ sứ dạng chạm khắc sang trọng này rất khó thực hiện, nên chúng cực kỳ đắt đỏ và có số lượng không nhiều; Trong khoảng 40 năm, Kändler chỉ tạo tác được gần một nghìn nhân vật khác nhau, gồm các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật cùng với những pho tượng động vật.

Khi đồ sứ Trung Quốc được đưa vào Pháp, phong cách tân cổ điển của thế kỷ thứ 18 đã có ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, bao gồm gốm, vẽ tranh, điêu khắc, đồ nội thất, dệt may và các lĩnh vực khác. Nhưng các nghệ sĩ châu Âu theo trường phái vẽ tranh và điêu khắc chính thống vẫn luôn sử dụng kiến thức và kỹ năng của riêng họ, sử dụng các hình thức mềm mại, màu sắc tươi sáng và bố cục mượt mà, để lại các tác phẩm bằng sứ dạng điêu khắc quý giá cho thế hệ tương lai, tái hiện sự giản dị và nhân văn của nền văn minh châu Âu thời bấy giờ.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch