Italia (nước Ý) là một đất nước có một nền nghệ thuật vững chắc và nổi bật nhất trong một khoảng thời gian dài. Không nơi nào có thể thay đổi được vị trí của nó; đó là đất nước đã khai sáng, dẫn dắt con người vượt qua những ham mê vật chất đơn thuần để hướng đến những lý tưởng cao quý từ thời kỳ trước đó, thông qua hội họa mà mang đến cho con người một quan điểm mới về thế giới xung quanh.

Dưới đây điểm qua cảnh giới nghệ thuật cùng với những thủ pháp kỹ thuật tầm cao của 7 nhà nghệ thuật gia nổi tiếng nhất người Ý.

  1. Fra Angelico (1395–1455)

Vị họa sĩ này cũng đồng thời là một tu sĩ; cả đời ông chỉ vẽ các chủ đề về tôn giáo, ông được gọi là “tu sĩ thiên sứ”. Người ta cho rằng Angelico đã thúc đẩy việc chuyển đổi ý tưởng hội họa thời kỳ cuối thành phong cách vẽ kinh điển của Hy Lạp cổ điển. Những bức bích họa (tranh tường) của ông tại tu viện San Marcos cho thấy một tính cách khiêm tốn và sự thành kính đối với bậc thánh thần của ông.

Chân dung Fra Angelico – (1395–1455). (Ảnh: zh.wikipedia)

Những hình tượng ông khắc họa không có chút tương đồng nào với những họa sĩ khác thời bấy giờ. Những bức vẽ về Đức mẹ Maria cùng thánh đồ là những hình tượng cao quý. Ông sử dụng sắc thái nhu hòa ung dung để vẽ hình tượng nhân vật, thể hiện được một tôn giáo yêu thương, hòa nhã, thành kính. Vì thế mà những bức họa của ông luôn làm lay động lòng người.

Bức “Lễ tế Annalena”, sáng tác từ năm 1437 đến 1440, 70,87 inch, dài 79,53 inch. Bảo tàng St. Mark (Florence, Ý) (Ảnh: epochtimes)

2. Da Vinci (1452-1519)

Leonardo da Vinci gây sốc cho thế giới nghệ thuật khi vẽ “Thiên thần nhỏ màu xanh” của mình. Trong bức tranh sơn dầu của Verrocchio – “Chúa Kitô rửa tội”, Leonardo da Vinci được giao vẽ một thiên thần nhỏ xinh đẹp ở góc bên trái. Thiên thần nhỏ màu xanh quyến rũ của Da Vinci đã thể hiện sự thanh lịch, khôn ngoan, bình tĩnh và gợi cảm, trở thành sự khởi đầu của ông với tư cách là một nhà nghệ thuật gia.

Leonardo da Vinci(1452-1519) (Ảnh:biliminsanlarii.blogspot)
Bức “Chúa Kito rửa tội”, vẽ năm 1475, 69,69 × 59,45 inch. Galleria degli Uffizi (Florence, Ý). (Ảnh: epochtimes)

Phong cách và khả năng của ông khác với tất cả các nghệ sĩ khác thuộc thế hệ bấy giờ. Da Vinci đã phát triển kỹ thuật phân lớp tinh xảo trong hội họa, sử dụng một lớp nước sơn trên cùng để tạo một hiệu ứng sống động, khiến bức tranh trở nên có hồn và thật hơn. Ông còn là người phát triển kỹ thuật “sfumato”, khiến những đường nét của đối tượng chính trong bức tranh có tông màu nhu hòa, sử dụng sắc tối trên khuôn mặt các nhân vật, ánh sáng và bóng tối hòa quyện mềm mại tinh tế. Da Vinci cũng là người thích phá vỡ các giới hạn, phát triển các kỹ thuật mới và thúc đẩy những họa sĩ đương thời, do đó mà mang lại một thời đại hoàng kim cho nghệ thuật của nước Ý.

3. Michelangelo (1475-1564)

Điều làm nên sự phi thường của Michelangelo chính là pho tượng điêu khắc của ông. Nghiên cứu cho thấy rằng người điêu khắc bức tượng cổ điển của Hy Lạp không phải là một nhà sử học, mà là Michelangelo. Michelangelo thời trẻ đã từng tiến hành mô phỏng pho tượng này, nắm giữ những nguyên tắc về hình dáng cũng như nhìn thấu các quy luật ánh sáng. Ông nói rằng ông luôn bị cuốn hút bởi những bức tượng đá cẩm thạch tinh khiết.

Chân dung Michelangelo (1475-1564). (Ảnh; en.wikipedia)
“The Pieta” – Điêu khắc đá cẩm thạch, 1499, 68,5 x 76,77 inch. Thánh đường Thánh Phêrô (Vatican). (Ảnh: epochtimes)

Pho tượng đẹp đẽ nhất mà ông tạo nên là “The Pieta” – “Thánh mẫu thương xót”, cho thấy khí chất cổ điển của tượng trong thế kỷ 16. Trong tác phẩm này, Michelangelo không phóng đại nỗi đau của cơ thể Chúa; nỗi buồn của Thánh Mẫu cũng không quá bi thương. Tư thế bàn tay của Thánh Mẫu đủ để truyền tải được nỗi buồn thương xót từ sâu bên trong, một sự bi thương bị ức chế nhưng vẫn toát lên vẻ thánh khiết cao quý, trầm tĩnh, và vẫn giữ nguyên được sự tôn nghiêm.

4. Raphael (1483-1520)

Bằng việc đột phá các đề tài truyền thống về Cơ Đốc giáo và du nhập chủ nghĩa cổ điển, Raphael đã thành công trong việc thúc đẩy mở rộng biên giới của nghệ thuật. Ông là một trong ba bậc thầy văn nghệ trong thời kỳ Phục Hưng. Cách vẽ của ông chịu ảnh hưởng bởi Leonardo da Vinci và Michelangelo. Raphael là một họa sĩ của hoàng gia; những sáng tác của ông rất phù hợp với những người có sự cảm thụ sâu sắc từ thị giác. Ông đã thể hiện được sự dung hợp giữa tinh thần Cơ Đốc giáo và tinh thần cổ điển.

Chân dung Raphael(1483-1520). (Ảnh: phaidon)
Bức “Học viện Athens”. Tranh bích họa, sáng tác năm 1509. (Ảnh: epochtimes)

Phong cách vẽ của Raphael rất lôi cuốn; ông tin rằng nhân vật trong tác phẩm nắm vị trí trọng yếu. Ông rất giỏi trong việc tổ chức sắp xếp nhân vật trong tranh, kết cấu không gian biểu hiện ba chiều rất hiệu quả, khiến người xem có cảm giác như cùng nhập vai với nhân vật trong bức tranh.

5. Tiziano Vecellio (1485–1576)

Tiziano là bậc thầy về màu sắc, nổi tiếng nhất ở Venice, giúp mở cánh cửa lớn cho hội họa phương Tây hiện đại. Đến giữa thế kỷ 16, ông đã thực hiện rất nhiều tác phẩm với một sự nỗ lực và thành thục về phương pháp màu sắc. Tiziano giống như đã đưa khán giả vào bức tranh của mình, cách vẽ kết hợp giữa bố cục truyền thống và hiện đại khiến ông trở nên khác biệt.

Chân dung Tiziano Vecellio (1485 –1576). (Ảnh: dorotheum)
Bức “Thánh mẫu của gia tộc Pirsaro”  – Tranh dầu trên vải, sáng tác từ năm 1519 đến 1526. (Ảnh: epochtimes)

Trong bức “Bữa tối cuối cùng” và “Thánh mẫu của gia tộc Pirsaro” có một sức sống mới chưa bao giờ được thấy trong các bức họa trước đây. Các nhân vật có vẻ mặt ưu tư, thấm đẫm trong mối quan hệ giữa ánh sáng và bóng tối huyền bí.

6. Guido Reni 1575–1642)

Reni được cho là bị ảnh hưởng phong cách vẽ từ Raphael, hình ảnh phổ biến trong những bức tranh của ông thường là một nhân vật ngửa đầu nhìn lên trời, điểm nhấn này nhận được sự mô phỏng rất nhiều từ những họa sĩ khác. Ông thể hiện phong cách ấn tượng của các nghệ sĩ hí kịch Baroque, tông màu sử dụng chất phác, tập trung vào các thủ pháp kỹ thuật. Reni không hứng thú vẽ những đề tài về nữ giới, bất quá ông chỉ vẽ Thánh Mẫu nổi tiếng Maria. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “The Archangel Michael Defeating Satan” (Thiên sứ Michael đánh bại quỷ Satan).

Chân dung Guido Reni 1575–1642. (Ảnh: en.wikipedia)
Bức “The Archangel Michael Defeating Satan” (Thiên sứ Michael đánh bại quỷ Satan) – sáng tác năm 1635. (Ảnh: epochtimes)

7. Antonio Canova (1757–1822)

Canova đạt đến đỉnh cao của lý tưởng tân cổ điển, tác phẩm của ông đánh dấu sự khởi đầu của các tác phẩm điêu khắc từ thời kỳ Baroque đầy kịch tính đến sự hồi sinh của thời kỳ Phục hưng với phong cách chủ nghĩa tân cổ điển. Các tác phẩm của ông là sự đánh bóng hoàn hảo nghệ thuật của Hy Lạp cổ đại; ông trở thành một trong những nhà điêu khắc nổi tiếng nhất thời đại bấy giờ. Các hình dáng tượng đá cẩm thạch được điêu khắc bởi Canova thể hiện đầy đủ cả phần xương lẫn phần thịt của nhân vật, cực kỳ sinh động. Pho tượng nổi tiếng nhất của ông là “Cupid and Psyche” (Thần tình yêu và tâm hồn).

Chân dung Antonio Canova (1757–1822). (Ảnh: djibnet)
Tác phẩm điêu khắc “Cupid and Psyche” (Ảnh: epochtimes)

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch