Từ xưa tới nay, vẻ đẹp của nữ nhân là một đề tài không thể thiếu dưới bàn tay của các nghệ thuật gia. Chủ đề “Nữ nhân hương” do Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan tổ chức, nơi triển lãm giao lưu hình tượng người phụ nữ phương Đông và phương Tây, triển lãm cũng là nơi tôn vinh vẻ đẹp và hương sắc ý vị của người phụ nữ.

Để vượt qua các triển lãm nghệ thuật của Trung Quốc cổ đại, hiện đại và nước ngoài, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan ngoài việc sưu tầm lưu giữ được 37 tác phẩm, còn mượn 33 tác phẩm từ Bảo Tàng Kỳ Mỹ. Triển lãm là nơi tập hợp những tác phẩm kinh điển của ba bảo tàng lớn, những bút tích thực đến từ Bảo tàng Cố cung, nghệ thuật Tây phương thế kỉ 19 đến từ Bảo tàng Kỳ Mỹ và những tác phẩm tinh tế của các nghệ thuật gia cận đại có tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan.

Nội dung của triển lãm kéo dài từ Đông sang Tây, cô đọng trong thời gian mấy ngàn năm, vô số những hình tượng thanh nhã của phái nữ được triển lãm ở đây. Trong thời gian triển lãm 3 tháng, đã có khoảng 200.000 người đã đến thăm quan. Để người xem có thể dễ dàng theo dõi, Bảo tàng đã chia các tác phẩm làm 4 phần như sau:

1. Thần thoại

Về cơ bản, tất cả các tác phẩm trong khu vực thần thoại đều được mượn từ bộ sưu tập của Bảo tàng Kỳ Mỹ. Để bày tỏ sự kính ngưỡng với Thần Thánh, người ta sử dụng đủ loại hình từ những bức tranh hay các pho tượng điêu khắc tới ca vịnh, nhấn mạnh loại nghệ thuật nguyên khởi cho con người. Thần thoại Hy Lạp là kho báu mà các nghệ sĩ Âu Mỹ không thể dừng việc khai quật. Họ sử dụng kỹ xảo tả thực tinh xảo, cho đến việc tạo nên một ranh giới duy mỹ lãng mạn, luôn để người xem phỉa luyến tiếc khi rời mắt.

Pho tượng “Hebe” – năm 200 TCN, được phát hiện vào đầu thế kỷ 19 (Ảnh: epochtimes)

“Hebe” là vị nữ thần tuổi trẻ trong thần thoại Hy Lạp, đảm nhiệm việc cung cấp thực phẩm cho các vị thần trên đỉnh Olympus, nàng cũng là con gái của thần Zeus. Bộ phận thân thể của pho tượng này là một cổ vật thuộc về năm 200 TCN, được phát hiện vào thế kỷ 19. Vào thời điểm đó, phần đầu của pho tượng không được lành lặn, vì vậy trải qua nhiều nghiên cứu về thời đại La Mã cổ, bối cảnh, văn hóa v.v. nghệ thuật gia cuối cùng cũng tạo được phần đầu mới cho pho tượng này. Giờ đây tác phẩm này là một thể hoàn chỉnh, cũng không cảm thấy có sự bất đồng nào về niên đại giữa phần đầu và phần thân của bức tượng.

Từ pho tượng “Hebe mới” này, ngoài việc ca ngợi sự khéo léo tuyệt vời của tác giả, hai ngàn năm sau, nghệ thuật gia đã đem nàng tu bổ lại cũng là một điểm khiến chúng ta ngỡ ngàng, cũng là một sự cảm kích tới nghệ thuật gia cận đại.

Bức tượng đá cẩm thạch Psyche và Cupid. (Ảnh: epochtimes)

Còn tác phẩm này là một pho tượng đá cẩm thạch “Thần tình yêu và tâm hồn” (Cupid and Psyche). Như mọi người đều biết, nữ thần xinh đẹp nhất trong thần thoại Hy Lạp là Venus, Cupid là con trai của bà. Psyche lại là người phụ nữ đẹp nhất nơi nhân gian, Cupid tuấn tú cùng Psyche xinh đẹp đã tiến vào tình yêu, sau rất nhiều trắc trở, họ cũng kết thành vợ chồng và lên thiên đàng, đây cũng là đề tài được những bộ phim về thần thoại Hy Lạp khai thác.

2. Cung điện

Hàng loạt các “cung viện” mô tả về cuộc sống nguy nga lộng lẫy tuyệt đẹp trong nội viện của Cung điện Hoàng gia, ngoại trừ một bức tranh sơn dầu nước Anh của thế kỷ 19, hầu hết tác phẩm trong cuộc triển lãm đến từ Bảo tàng Cố cung, được thu thập từ thời Đường, Tống, Minh và Thanh. Từ trong các triều đại, các văn vật nguyên thủy đã tồn tại qua hơn một nghìn năm lại một lần nữa được hiển thị.

Bức tranh “Lady for the Evening and Thin Make up” (Phu nhân trong buổi trang điểm nhẹ vào buổi tối) – John Persdock. (Ảnh: epochtimes)

“Lady for the Evening and Thin Make up” là một bức tranh sơn dầu từ thế kỷ 19 của Anh. Trong quá khứ, các vị quý tộc châu Âu thường đi dự tiệc; lúc đó thắt lưng rất phổ biến đến nỗi nó còn được thể hiện trên pho tượng điêu khắc. Vì vậy, khi chuẩn bị quần áo khi đến tham dự bữa tiệc, cần có rất nhiều thị nữ giúp nàng. Có thể thấy từ bức tranh này, mặc dù khung cảnh đằng sau nó bị mờ, nhưng chất liệu của quần áo vẫn có thể nhìn ra, chẳng hạn như chất liệu quần áo là satin, họa sĩ cho thấy kết cấu của satin, thảm là thảm dệt, ông cũng thể hiện được cảm giác của chiếc thảm, vật liệu của tất cả các đồ vật đều được thể hiện rõ ràng từng chút một.

“Ban Cơ đoàn phiến” – Đường Dần, triều Minh. (Ảnh: epochtimes)

Phương thức biểu đạt của hội họa Tây phương là khá đơn giản. Những người nhìn thấy đều dễ dàng biết rất rõ những gì họa sĩ muốn thể hiện. Mà phương thức biểu đạt của hội họa phương Đông thì ẩn dụ hơn, bào hàm nhiều ý nghĩa sau đó. Vì vậy, nội hàm trong văn hóa phương Đông cũng càng sâu sắc hơn. Hội họa Trung Hoa rất trang nhã, càng nhìn càng có ý vị, càng xem càng yêu thích không muốn rời.

Bức phú “Ban Cơ đoàn phiến” của họa gia Đường Dần, hay danh xưng quen thuộc mà chúng ta biết tới về ông chính là Đường Bá Hổ. Trong triều nhà Minh, thời điểm nghệ sĩ bán tranh rất nhiều, tập trung rất lớn ở Giang Nam, có rất nhiều thương nhân giàu có thích thú với những bức tranh tại đây, nhất là tranh của Đường Dần.

Ban Cơ là em gái của Ban Chiêu, có tài văn chương, nàng được Hán Thành Đế phong làm tiệp dư (tên nữ quan thời xưa, là phi tần của vua chúa). Sau khi hoàng đế sủng ái Triệu Phi Yến, ông đã dần dần bỏ quên Ban Cơ. Đường Bá Hổ lại đem tình cảnh cuộc sống của Ban Cơ tới để bộc lộ tâm tư ẩn giấu của mình. Hội họa phương Đông không tập trung vào vẻ đẹp và tính chính xác trên bề mặt, mà chủ yếu nhấn mạnh câu chuyện trong tranh và ý nghĩa độc đáo của nó.

” Sĩ nữ đồ” – Chu Văn Cự, ngũ đại Nam Đường. (Bộ sưu tập Bảo tàng Cung điện Quốc gia Đài Bắc) (Ảnh: epochtimes)

Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, có hai kiểu phụ nữ có thể được đi học; đầu tiên là nữ nhi trong cung, hoặc là con gái của gia đình quan lại, ví như thiên kim tiểu tư của gia tộc, còn lại là những ca kỹ trong kỹ viện; họ phải phát triển các tài nghệ âm nhạc, thơ, thư, họa, vũ để mua vui cho những người đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu mà họ dựa vào để kiếm sống.

Như có thể thấy từ bức “Sĩ nữ đồ”, thư sách được cầm trong tay phụ nữ trở nên phổ biến, từ thời nhà Tống đến thời nhà Minh, nên trên tay của các cô gái trong tranh sẽ thường xuất hiện hình ảnh này.

3. Khuê các

“Triêu lương” – Lâm Chi Trợ. (Ảnh: epochtimes)

“Triêu lương” là tác phẩm của Lâm Chi Trợ, từng là một du học sinh tại Nhật Bản, là họa sĩ ở miền trung Đài Loan. Trong thời kỳ  Nhật Bản chiếm đóng, đây có thể được coi là thời điểm hội tụ văn chương. Tác phẩm này cũng là tác phẩm đoạt giải thưởng của “Triển lãm Phước lành” 2.600 năm tuổi của Nhật Bản, bức tranh thể hiện sự nhút nhát của cô gái và bầu không khí có đôi chút lúng túng.

Vào tháng 8 năm 1959, có một trận lụt lớn, Đài Trung bị ngập nước rất nhiều, toàn bộ phần dưới của bức tranh cũng bị ngâm qua nước. Bức tranh đã bị hư hỏng và cần phải được tu bổ, vì vậy Lâm Chi Trợ đã bán bức tranh cho phòng trưng bày nghệ thuật và sau đó gửi đến Nhật Bản để sửa chữa mất khoảng 2 đến 3 triệu yên, từ đó bức họa này đã trở thành bảo vật. Trong thực tế, các họa sĩ của thế hệ trước đều là kho báu của nghệ thuật Đài Loan.

4. Huyền đường (Người mẹ)

Một tác phẩm được tạo ra bởi một sức sống chân thành, ẩn chứa những câu chuyện nhân văn phong phú thường dễ gây ấn tượng với mọi người, khi nghệ thuật thể loại này phát triển theo thời gian, sẽ trở nên ngày càng tỏa hương. Từ loạt tranh “Huyền đường” cũng có thể thấy những cảm xúc thật sự được tiết lộ từ các tác phẩm. Người mẹ là hình tượng dễ truyền cảm hứng nhất trong số những hình ảnh về phụ nữ, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt trong ngoài nước, tất cả là vì ở trong trí nhớ của mỗi người, đều có một diện mạo từ ái của người mẹ.

Bức tranh “Mẹ và con” là một bức tranh giữa thế kỷ 19, có lẽ cách đây khoảng 185 năm. Thời kỳ mà chủ nghĩa lãng mạn cùng với chủ nghĩa cổ điển đem dấu vết những điều trong quá khứ – những câu chuyện trước đó – tới thời hiện đại. Về mặt cổ điển, loại sơn được sử dụng trong trường phái kinh điển này rất mỏng, với cấu đồ tam giác rõ ràng.

Trong bức tranh này, có thể cảm giác có một sự đàn hồi mềm mại từ kết cấu của làn da trẻ con sáng sủa; toàn bộ bức tranh đầy tình yêu của người mẹ, với tính cổ điển, màu sắc, mọi khía cạnh đều rất ổn định, ấm áp.

“Từ ái” – Jacques Blanchard, 1630, Pháp (Ảnh: epochtimes)

Được tạo ra vào năm 1630, bức “Từ ái” xuất thân từ bàn tay của Jacques Blanchard, người được biết đến với danh xưng Titian của nước Pháp. Hình ảnh người mẹ được khắc họa khá đẫy đà, cường tráng. Bức tranh này thuộc về phong cách Baroque.

Baroque có nghĩa là “trân châu biến hình”. Người trong tranh thời kỳ Baroque thường bị bóp méo, các tòa nhà của nó cũng không đối xứng. Phong cách Baroque thể hiện sớm nhất ở bức tranh cuối cùng của Michelangelo, bức “Sự phán xét cuối cùng”, với tất cả mọi người trong bức tranh đều không mặc quần áo và toàn bộ bức tranh đều làm lóa mắt bởi phương thức phi thăng, toàn bộ hình vẽ là một đường xoắn ốc chuyển động. Đôi khi chúng ta đi đến các viện bảo tàng hoặc thăm viếng các nhà thờ, chúng ta sẽ thấy nhiều thiên quốc, mọi người luôn có xu hướng bay lên cao; tất cả đều là phong cách Baroque.

“Tình yêu của mẹ” (Ảnh: epochtimes)
“Tình thương của mẹ” (Ảnh: epochtimes)

Ngoài ra còn có các tác phẩm của các nghệ sĩ trong nước đã đoạt giải thưởng tại Bảo tàng Nghệ thuật Đài Loan, chẳng hạn như “Tình thương của mẹ” của nghệ sĩ Kim. Tình yêu của người mẹ là không bao giờ thay đổi, nhưng khi thời đại thay đổi, bầu không khí và văn hóa của toàn xã hội thay đổi, thì sự thể hiện tình cảm của người mẹ là không giống nhau.

Cuộc triển lãm với nhiều những nội dung khác biệt, đến từ bộ sưu tập của các bảo tàng khác nhau, sáng tạo từ những quốc gia khác nhau, có nền văn hóa lịch sử khác nhau, niên đại khác nhau v.v. nhưng điểm giống nhau là trong mỗi tác phẩm đều ẩn chứa câu chuyện và thông điệp nhân văn; hơn nữa chúng đều vô cùng ưu mỹ tao nhã. Mỗi một tác phẩm nghệ thuật không chỉ nhìn vào giá trị về tiền bạc, mà còn phải hiểu hàm ý trong đó, không những có thể kiểm chứng được quỹ đạo lịch sử mà còn có thể đối thoại với những nhân vật trong tranh.

Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch