Bản nhạc khiến tâm hồn được giải thoát khỏi cái tù túng chật chội của những lo toan muộn phiền, để trải lòng với âm thanh của đồi núi mênh mang vùng Trung Âu, với tiếng gió rít khi xuyên qua các hẻm núi làm cho không gian nhuốm màu sắc linh thiêng huyền bí. Tiếng chim cu ríu rít gọi nhau mang âm hưởng của tình yêu đôi lứa.

Nhạc phẩm không lời rất nổi tiếng của Đức: Der Einsame Hirte, dịch sang tiếng Việt là Người chăn cừu cô đơn, được thể hiện xuất sắc qua tiếng sáo thần Pan của nghệ sĩ người Ecuador sống tại Berlin, Leo Rojas.

Tiếng sáo thần Pan gắn liền với một câu chuyện thần thoại Hy Lạp

Trong thần thoại Hy Lạp có một vị thần tên là Pan, con trai của thần Hermes và nữ thần Driope. Khi sinh con ra, nữ thần Driope thấy đứa bé có hình thù quái dị, nửa người nửa dê, bèn bỏ chạy. Tuy nhiên, Hermes lại vui mừng vì có đứa con trai; nên thần bế đứa bé lên Olympia nhờ các thần khác nuôi giúp. Lớn lên, thần Pan quay xuống trần, giúp bảo vệ những đàn gia súc của những người mục đồng và hộ vệ những tay thợ săn. Tuy có bộ dạng khó coi nhưng tính tình của thần Pan rất vui vẻ, cởi mở.

Nhưng rồi một ngày kia, trái tim của thần Pan đã bị mũi tên của thần ái tình – Eros làm cho rớm máu. Sống trong cảnh thơ mộng của núi rừng, thần Pan đã thầm nhớ trộm yêu một tiên nữ tên Syrinx. Vì là tiên nữ tuỳ tùng của nữ thần Artemis nên Syrinx rất thích săn bắn; nàng có tính cách kiêu kỳ và luôn từ chối mọi lời tỏ tình của các nam thần.

Thần Pan và Thần ái tình. (Ảnh: Wikimedia.org)

Một hôm, thần Pan đang dạo chơi trong rừng chợt thấy nàng Syrinx liền bám theo. Sợ hãi vì dáng nửa người nửa dê của thần Pan, nàng Syrinx quay đầu bỏ chạy, nhưng thần Pan quyết đuổi cho bằng được. Đang chạy, Syrinx gặp con sông chắn trước mặt, nàng liền quỳ xuống khẩn cầu thần Sông cứu giúp. Chấp nhận lời cầu cứu của Syrinx, thần Sông liền biến nàng thành một cây sậy ở ven bờ.

Khi thần Pan lao vào Syrinx, tưởng chừng như đã ôm được nàng vào lòng, thì cũng là lúc Syrinx chỉ còn là một cây sậy mềm mại đang run bần bật. Buồn bã và thất vọng, thần Pan đã cắt cây sậy để làm thành một cây sáo. Từ đó trở đi, những người mục đồng thường nghe vang lên những tiếng sáo, khi thì nỉ non thánh thót, khi thì rộn rã tưng bừng. Đó chính là tiếng sáo của thần Pan.

Thần Pan và nàng Syrinx. (Ảnh: pinterest.com)

Có rất nhiều dị bản truyện về thần Pan, nhưng có một chi tiết trùng lặp nhiều nhất; đó là trên tay thần Pan luôn mang theo cây sáo, như vật bất li thân, nên cây sáo đó mới có tên là Panflute – Sáo thần Pan.

‘Der einsame Hirte’ – bản nhạc vang vọng âm thanh của núi rừng bạt ngàn và âm hưởng của tình yêu đôi lứa

‘Der einsame Hirte’, dưới sự thể hiện của sáo thần Pan, đã tạo lên sự hoàn hảo tuyệt vời nhất. Âm thanh trong trẻo của nó khiến người nghe như đang được tắm mát tâm hồn của mình bằng những giọt sương của núi rừng sớm mai. Tiếng sáo ngân vang nơi núi rừng trùng điệp, bao la rộng lớn. Từng tiếng gió rít qua khe núi, cùng tiếng chim ríu rít, tạo lên một bản hòa tấu thiên nhiên tuyệt đẹp. Đâu đó trải dài giữa thung lũng xanh tươi của đồng cỏ là bóng hình của một chàng trai chăn cừu cô đơn, cùng tiếng sáo cất lên buồn bã, khiến khoảng không trở lên vút ngàn. Có những lúc, tiếng sáo như sự vui tươi, nhưng có khi lại da diết thiết tha, hay như tiếng dội vào núi sâu vang vọng.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Người ta cho rằng, khi tiếng sáo biểu hiện niềm vui tưng bừng cũng chính là lúc thần Pan được nhìn thấy bóng dáng người con gái mà mình thương mến. Tiếng sáo có lúc như tiếng thần Pan gọi người yêu, vang vọng, thiết tha, sâu lắng, và rồi lại buồn bã bởi tình yêu của chàng không được hồi đáp.

Lắng nghe giai điệu du dương của bản nhạc này, ta như bị mê hoặc trong tiếng sáo thần Pan. Hiện lên sự hùng vĩ của núi rừng, cảnh đàn cừu nhởn nhơ gặm cỏ dưới bầu trời xanh ngắt. Âm thanh của nó ngân vang, sâu thăm thẳm. Trong không gian của núi rừng càng trùng điệp, càng rộng lớn, thì nỗi cô đơn kia dường như càng trở lên cô quạnh.

(Ảnh: Pinterest)

Trong một ngày khi tâm hồn ta như bị tù túng và bế tắc, nghe bản nhạc này sẽ đưa ta về với sự hùng vĩ, bao la của núi rừng vùng Trung Âu. Hãy hình dung ta được nằm trên đồng cỏ bao la ấy, nhắm hờ đôi mắt, trong âm thanh du dương của thiên nhiên vang vọng. Chợt nghe tiếng chim cu gáy tha thiết gọi mời tình yêu đôi lứa, tâm hồn ta như dịu lại. Trở về với mẹ thiên nhiên hiền hòa, lòng ta bớt hẳn cô đơn. Đắm mình vào hương sắc của núi rừng, ta như nhỏ lại giữa thiên nhiên rộng lớn.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Tiếng chim cu gáy gọi nhau, như tiếng gọi của yêu thương, tiếng gọi của sự sống; để ta nhận ra rằng, ta trân quý cuộc đời này biết bao; được hít thở và được vỗ về bởi thiên nhiên hiền hòa thanh dịu là một niềm hạnh phúc khó tả. Người ta nói, bản nhạc này thể hiện nỗi buồn bã cô đơn, nhưng ta thấy dường như điều đó chỉ thoáng ẩn hiện trong sự hùng vĩ của núi rừng và đồng cỏ. Ta nhận thấy nó chỉ là một cảm xúc thoáng qua ngắn ngủi, còn lại là dư âm của những tiếng vọng, của thiên nhiên kì vĩ, và của những trải lòng đầy tha thiết, đắm say.

(Ảnh: YouTube)

Bản phối của ‘Der einsame Hirte- Người chăn cừu cô đơn’, dưới sự biểu diễn của Leo Rojas, người từng là một quán quân trong cuộc thi tài năng của Đức năm 2011. Với phong cách thổ dân độc đáo, cùng cây sáo Thần Pan, anh đã cống hiến một sự kết hợp hoàn hảo của hiệu ứng âm thanh với phong cách biểu diễn tuyệt vời. Những giai điệu của anh như một dòng suối mát cho tâm hồn người nghe, nhất là sau những mệt nhọc bã bời của một ngày bươn chải.

Trí Lực