Bức tranh ngụ ngôn này của nghệ sĩ Ý thế kỷ 18 – Pompeo Batoni – phản ánh sự hiểu biết rất cần thiết về mối quan hệ giữa hòa bình và chiến tranh cho khán giả đương đại. Trong “Câu chuyện ngụ ngôn về Hòa bình và Chiến tranh”, Batoni mô tả những biểu tượng của Hòa bình như nữ tính, mềm mại và duyên dáng; và của Chiến tranh như nam tính, mạnh mẽ và khốc liệt. 

Chiến tranh được thể hiện trong bộ giáp đầy đủ như thể sẵn sàng chiến đấu. Áo giáp của anh ta mô tả một con rồng, cừu đực và sư tử, đôi khi được gắn với quái vật Chimera, một sinh vật thần thoại là điềm báo cho sự bất hạnh. Thanh kiếm của chiến tranh đã rút khỏi bao và chiếc khiên của anh ta đã được trang bị đầy đủ. Sự tăm tối nhấn chìm những hình ảnh, khiến cho cảnh này trở nên rùng rợn với cảm giác sắp bị tàn phá.

Quái vật Chimera trên một chiếc đĩa Apulian, khoảng 350-340 trước CN (Bảo tàng Louvre)

Hòa bình, thể hiện sự duyên dáng mềm mại của cô, tương phản với biểu hiện cứng rắn của Chiến tranh. Cô ta thư thái và bình tĩnh đón nhận sự khốc liệt trong ánh nhìn của Chiến tranh, như với một người yêu thương của chính mình. Cô nhẹ nhàng đặt tay lên thanh kiếm của Chiến tranh, một cái chạm tưởng chừng rất nhẹ nhàng nhưng sức nặng của nó đã đẩy cánh tay Chiến tranh trở lại. Cô tặng cho anh ta một nhành ô liu, là biểu tượng cho hòa bình. Chiến tranh đã bị phân tâm bởi Hòa bình: Anh ta đã quên đi xung đột mà đã khiến anh hành động theo bản năng, và bảo vệ cô ấy bằng chính tấm khiên của anh ta dùng để bảo vệ mình.

Điều đó có nghĩa là gì? Hòa bình và chiến tranh dường như có thể xảy ra theo một chu kỳ không dừng, giống như câu nói “lịch sử thường lặp lại”. Là con người, tất cả chúng ta đều mong muốn có hòa bình. Tất cả chúng ta đều muốn tận hưởng cuộc sống của mình. Chúng ta có thiên hướng truyền thống là tôn trọng tính thần thánh của cuộc sống, bắt đầu với chính chúng ta và sau đó mở rộng sự tôn trọng đó tới những người khác. Chúng ta trân quý và mong ước hòa bình.

Tuy nhiên, xung đột tìm cách ngóc đầu dậy sau khi hòa bình không còn đủ sức khiến nó xa rời các mục tiêu của nó. Hòa bình khi đó trở thành nạn nhân của bài hát ru của chính mình, rơi vào giấc ngủ dưới vỏ bọc tự mãn của chính mình. Điều đó có nghĩa là, chúng ta có thể là nạn nhân của sự thoải mái của chính mình trong thời gian hòa bình và dư thừa, và sau đó chúng ta lại dính líu vào một trò chơi đổ lỗi và tiêu cực mà chắc chắn dẫn đến bạo lực. Sau đó chúng ta sẽ thấy có xung đột ở những nơi mà xung đột có thể không tồn tại.

Chiến tranh và xung đột, giống như những chiếc rễ cây cần có sự cản trở của mặt đất để phát triển mạnh mẽ và vươn lên hướng tới mặt trời, dường như là điều cần thiết trong lịch sử: Xung đột xuất hiện tạo cho con người một cách để tiến về phía trước, thông qua thỏa hiệp và giải pháp. Nhưng xung đột sẽ trở nên nguy hiểm khi nó trở thành một cách thực hành vì lợi ích riêng của nó; bởi vì, điều tất nhiên là, chúng ta sẽ ngày càng thành thạo bất cứ điều gì chúng ta đem ra thực hành.

Xung đột trong thời kỳ hậu hiện đại

Oái oăm thay, trò chơi đổ lỗi này có vẻ lại là một đặc điểm phổ biến của sự tồn tại của chúng ta trong thời hậu hiện đại.

Cái chạm nhẹ nhàng của Hòa bình đã cản được bàn tay của Chiến tranh. (Miền công cộng)

Thật không may, khuynh hướng này cho phép chúng ta tránh phải chịu trách nhiệm về những thiếu sót của chính chúng ta, với tư cách là cá nhân và thành viên của một cộng đồng lớn hơn: Nhưng nó sẽ làm còi cọc sự tăng trưởng của chúng ta trong cả hai tư cách đó. Nó trở thành một trò chơi nguy hiểm khi hòa bình không hiện hữu để cân bằng bản chất xung đột của chiến tranh.

Trong giai đoạn lịch sử gần đây, xung đột và tiêu cực đã và đang được coi như phương tiện để giữ hòa bình. Các hình thức xã hội truyền thống thường xuyên bị đập, phê bình và chỉ trích, trong hy vọng mở rộng ranh giới của tự do cá nhân. Tuy nhiên, đây chỉ là một cách thực hành và bài tập để phá bỏ sự hạn chế. Nó còn thắt chặt thêm các chuỗi tiêu cực xung quanh các thành viên của nó trên con đường đến một cái đích mà không bao giờ được biết rõ. Nói cách khác, sự tồn tại trong thời hậu hiện đại của chúng ta khuyến khích việc thực hành xung đột như một phương tiện để tự do khám phá bản sắc cá nhân, mà chưa bao giờ đưa ra lời giải thích làm sao mà cách thức thực hành xung đột này có thể dẫn đến hòa bình.

Batoni đã mô tả bản chất của Hòa bình theo một cách khác: Hòa bình được ông mô tả là không bị động trước xung đột gắn liền với Chiến tranh. Hòa bình không phải là phản ứng lại. Hòa bình đối diện với Chiến tranh bằng những gì có trong bản chất của mình: nhẹ nhàng và duyên dáng hướng tới hòa giải và giải pháp. Ngược lại, đối diện chiến tranh bằng xung đột và tiêu cực chỉ làm trì hoãn những điều cần được giải quyết. Thay vào đó, cô ta không chỉ tặng cho Chiến tranh một thứ ngẫu nhiên mà là một món quà đầy ý nghĩa – nhành ô liu đúng là đại diện của Hòa bình, và như vậy, nó là một món quà đại biểu cho chính cô. Cô không đổ lỗi cho chiến tranh đã gây ra bóng tối bao quanh họ, hoặc cho thực tế là thanh kiếm và lá chắn của anh ta đang chuẩn bị lao vào chiến đấu. Thay vào đó, cô chia sẻ bản thân mình theo một cách tích cực. Chiến tranh do đó không thể tránh bị phân tâm khỏi mục tiêu ban đầu của anh ta.

Hòa bình tặng cho Chiến tranh món quà đại diện cho bản thân cô là nhành ô liu. Một chi tiết từ “Câu chuyện ngụ ngôn về hòa bình và chiến tranh” (Ảnh: pinterest.com)

Làm thế nào hòa bình có thể được thực hành để cân bằng và làm mềm đi các hành động xung đột? Thực hành hòa bình đòi hỏi giải pháp và tích cực khi đối mặt với sự tiêu cực và xung đột. Nó đòi hỏi tìm ra những gì có thể là nền tảng chung của cả hai bên để bắt đầu hòa giải và tìm ra giải pháp. Nó còn đòi hỏi phải dâng tặng điều của chính mình, cả về khía cạnh trình bày quan điểm riêng và lắng nghe quan điểm của người khác. Nó đòi hỏi cả sự tôn trọng, yêu thương và hài hòa như là một sự thực hành vì lợi ích của chính mình. Những người thực hành tích cực và hòa bình khi phải đối mặt với tiêu cực và xung đột, sau đó có thể thấy rằng những người đã từng tiêu cực với họ bây giờ đang bảo vệ họ khỏi sự đe dọa.

Nghệ thuật có một khả năng đáng kinh ngạc trong việc chỉ ra những gì không thể nhìn thấy được, để cho chúng ta có thể hỏi: “Bức tranh này có ý nghĩa gì đối với tôi và cho tất cả những ai xem nó?” hoặc: “Nó ảnh hưởng như thế nào tới quá khứ và có thể ảnh hưởng đến tương lai như thế nào?” và “Nó muốn nói gì về trải nghiệm của con người? Nghệ thuật truyền thống mang lại điều gì cho trái tim?

Theo Eric Bess (The Epoch Times)

Hạo Nhiên biên dịch