Bình minh có vô vàn sắc thái của ánh sáng phối hợp với tạo vật mà mọi nhiếp ảnh gia đều mong muốn chộp bắt được. Để có được những bức ảnh bình minh đẹp, lấp lánh tỏa sáng, nhiếp ảnh gia cũng cần bỏ ra một chút công phu và rèn luyện các kỹ thuật phù hợp.

Hầu hết mọi người làm gì vào lúc một giờ trước khi mặt trời mọc? Trong khi nhiều người còn đang say giấc thì các nhiếp ảnh gia đã chờ đợi để ngắm mặt trời lan tỏa ánh sáng rực rỡ. Một số màu sắc tinh tế và đẹp nhất trong ngày xuất hiện trước khi mặt trời mọc và ngay sau khi mặt trời lặn. Trong giờ xanh này, Bầu trời có một sắc thái xanh thẫm. Các màu sắc phong phú, bão hòa tràn ngập phong cảnh và bầu trời.

Sau đó sự chuyển đổi từ ‘giờ xanh’ sang ‘giờ vàng’ diễn ra nhanh chóng. Một loạt các màu xuất hiện từ xanh lam, xanh nhạt pha đỏ, hồng, đỏ đến cam.

Nguồn ảnh: Photoargus

Khi mặt trời đã ló ra trên đường chân trời, nó là một màn trình diễn màu khác vì ’giờ vàng’ đã xuất hiện. Khoảng thời gian huyền diệu này kéo dài không lâu sau khi mặt trời mọc hoặc trước khi mặt trời lặn. Ánh sáng giờ vàng chuyển đổi từ màu đỏ và cam mềm mại sang các tông màu vàng kim. Bóng đổ trở nên mềm hơn với độ tương phản thấp hơn, phù hợp cho chụp ảnh phong cảnh.

Cây Joshua mùa động. Ảnh: Rennett Stowe / CC BY 2.0

Có ba cách để bắt được ánh sáng rực rỡ đó của mặt trời, bao gồm: 1) Trước khi mặt trời chính thức mọc, trong giờ xanh, 2) Vượt qua đường chân trời bước vào giờ vàng, và 3) Đóng khung mặt trời mọc. Cần nhấn mạnh rằng hãy sử dụng cả thiết lập Khẩu độThủ công để tối đa hóa lợi ích mà các khoảnh khắc mang lại.

Chụp vào sáng sớm và phong cảnh, cần có chân máy vì tốc độ màn trập yêu cầu đặt chậm hơn, do ánh sáng mềm yếu và cài đặt khẩu độ nhỏ hơn (trị số f/stop lớn hơn). Một nút điều khiển mở-đóng màn trập từ xa để loại bỏ việc làm rung máy khi nhấn nút chụp cũng là một lựa chọn khôn ngoan.

Ảnh: Sheen’s Nature Photography

Sau đây ta sẽ đi cụ thể vào các kỹ thuật áp dụng cho từng loại hiện tượng của bình minh.

Trước khi mặt trời mọc: Giờ xanh

Trước khi mặt trời mọc, hãy cân nhắc chuyển đổi qua lại giữa Chế độ ưu tiên khẩu độ và Chế độ thủ công, tùy thuộc vào điều kiện ánh sáng xung quanh. Nếu trời vẫn còn tối, hãy bắt đầu với chế độ Thủ công để kiểm soát hiệu quả hơn tốc độ màn trập, ISO và khẩu độ. Nếu đã có sẵn một chút ánh sáng le lói, chẳng hạn như ánh đèn trên bến tàu, bạn có thể chuyển sang chế độ Ưu tiên khẩu độ (chọn khẩu độ và để cho máy tự động quyết định các thông số khác).

Dưới gầm cầu. Ảnh: Sheen’s Nature Photography

Việc liên tục điều chỉnh các thiết lập khi ánh sáng thay đổi sẽ giúp kiểm soát sự cân bằng phù hợp để cung cấp đủ ánh sáng mà không làm mất cường độ màu sắc.

Hãy chuyển đổi qua lại giữa kính ngắm và màn hình nhìn trực tiếp khi tạo bố cục ảnh. Kính ngắm giúp gạt bỏ phần còn lại của thế giới ra khỏi mắt bạn, đồng thời khoanh vùng khu vực, hình ảnh và cảm xúc mà bạn muốn hình ảnh truyền tải.

Ảnh: Pixabay

Sau khi xác định cảnh tượng trong kính ngắm, là lúc hãy nhìn vào màn hình trực tiếp. Làm điều này sẽ cung cấp một cái nhìn vào hình ảnh lớn hơn của bố cục và đường chân trời. Ví dụ, khi nhấn nút INFO hai lần (để thao tác chính xác hãy đọc hướng dẫn sử dụng dành cho kiểu máy ảnh cụ thể của bạn), một chân trời ảo của máy ảnh sẽ xuất hiện và có các chuyển động nhỏ để lấy mặt bằng cho máy ảnh. Nhấn nút “INFO” một vài lần nữa thì bạn có thể xem màn hình với các thiết lập và điểm lấy nét.

Vì hình ảnh mặt trời mọc có xu hướng được chụp ở những cảnh quan rộng, nên độ sâu trường ảnh lớn – từ f/11 đến f/22 sẽ làm cho mọi thứ nét hơn. Trước khi mặt trời mọc cần để phơi sáng lâu hơn, ví dụ, có thể dao động từ 1/10 giây đến vài giây, tùy thuộc vào điều kiện ánh sáng cụ thể. Thiết lập ISO nên bắt đầu ở 100. Sau khi chụp một vài bức ảnh, hãy đánh giá ngay kết quả. Nếu cần nhiều ánh sáng hơn, hãy sử dụng tốc độ màn trập chậm hơn hoặc số f/stop lớn hơn. Nếu muốn giảm lượng ánh sáng, hãy đặt tốc độ nhanh hơn, khẩu độ lớn hơn / trị số f/stop thấp hơn.

Bình minh rực cháy. Ảnh: Sheen’s Nature Photography

Một công cụ khác là bù phơi sáng. Bằng cách hạ nó xuống 1/3 điểm dừng, màu sắc có thể bão hòa hơn một chút. Điều này cũng dẫn đến tăng tốc độ màn trập. Ngược lại, để có nhiều ánh sáng hơn, hãy điều chỉnh bù phơi sáng bằng +1/3 thì ảnh sẽ sáng lên do tốc độ màn trập bị làm chậm.

Băng qua đường chân trời: Giờ vàng

Giờ xanh sẽ nhạt dần khi giờ vàng xuất hiện. Các cơ hội sáng tạo với mặt trời mọc là vô tận và thay đổi mỗi ngày. Các chùm tia nắng, tia sáng dạng sao bùng nổ và phản chiếu ánh sáng bóng loáng và màu sắc rực rỡ sẽ lấp đầy khung hình.

Miền đất kỳ diệu. Ảnh: lowapproach

Sử dụng chế độ khẩu độ với độ sâu trường ảnh lớn (bằng cách điều chỉnh trị số f/stop lớn hơn), sẽ cho hình ảnh đầy màu sắc. Khi có nhiều ánh sáng hơn và với tốc độ màn trập nhanh lên cho phép sử dụng cả chân máy và chụp cầm tay. Chân máy sẽ tạo ra sự tự do hơn trong lập kế hoạch bố cục và đạt độ chính xác như được bàn tới ở phần trên. Cầm máy trên tay chỉ phù hợp với tốc độ màn trập nhanh hơn.

Mặt trời đang mọc, tia nắng dạng ánh sao, phản xạ ánh nắng mặt trời và các chùm tia sẽ tạo điểm nhấn đặc biệt cho hình ảnh của bạn.

Bình minh vàng. Ảnh: Sheen’s Nature Photography

Ví dụ, tia nắng dạng ánh sao được tạo ra khi sử dụng f/16 và f/stop lớn hơn trong điều kiện mặt trời chiếu xuyên qua các cành lá cây, xung quanh các cầu tàu hoặc lên trên các đám mây. “Ngôi sao” ở bức ảnh trên được chụp khi máy ảnh được cầm trên tay ở bìa rừng, ngay khi mặt trời mọc và ánh sáng xuyên qua tán cây, giữ lại được một khoảnh khắc thực sự kỳ diệu.

Đóng khung mặt trời mọc

Mặt trời mọc cùng với các hình dạng khác nhau của đám mây, sự phản chiếu và màu sắc rực rỡ có thể đã đủ cho một bức ảnh bình minh đẹp. Tuy nhiên bạn vẫn còn một kỹ thuật khác, gọi là ‘đóng khung mặt trời’. Từ các cành cây, đến các cầu tàu, và sử dụng bóng đổ, việc thêm vào ảnh một “khung mặt trời”, sẽ giúp tăng thêm không gian và chiều sâu cho bức ảnh.

Ảnh: Sheen’s Nature Photography

Lời khuyên cho các bạn muốn chụp ảnh bình minh: Hãy xác định nơi đỗ xe/ gửi xe và địa điểm chụp ảnh của bạn muộn nhất là từ buổi chiều tối hôm trước, để tránh đánh mất cơ hội chụp những tia nắng đầu tiên quý giá. Những người chuyên chụp ảnh bình minh thường tới nơi chụp ít nhất 30 phút trước khi mặt trời mọc.

Theo Sheen Watkins (Loaded Landscapes)

Bạn đang đọc bài viết: “Bí quyết chụp bảnh bình minh để có những bức ảnh tuyệt đẹp” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||c30198093__