Ca nương Phạm Thị Huệ nổi tiếng không chỉ vì chị là một ca nương tài sắc vẹn toàn, vừa hát hay vừa đàn giỏi, mà chị còn là người có công gìn giữ bản sắc nghệ thuật ca trù, một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Chị đã được công nhận như “báu vật nhân văn” của nền nghệ thuật truyền thống nước nhà…

Đó là một đêm đáng nhớ năm 2007, cách nay đã hơn mười năm, khi khúc tì bà “Thục nữ du xuân” ngẫu hứng của đào nương Phạm Thị Huệ vang lên hoà nhịp trống cổ của cố GS Trần Văn Khê. Khán giả có dịp thưởng thức một đêm ca trù sống như vậy với tâm trạng “Đàn ai nghe vẳng bên sông/ Chủ khuây khoả lại, khách dùng dằng xuôi”… (Tì bà hành).

Người nghe như bị thôi miên. Đào nương Phạm Thị Huệ trong chiếc áo dài nhung đen đẹp như tố nữ trong tranh bước ra, lúc đàn tì bà, lúc gảy đàn đáy – thứ nhạc cụ trước đây thường chỉ nghệ nhân nam sử dụng.

Cô là học trò cưng của cố GS Khê, ông đã kể lại, rằng khi Huệ vào nhạc viện, lúc mới có 8 tuổi, cha cô dặn chọn thứ nhạc cụ nào rẻ thôi, chứ chơi violon hay piano thì nhà nghèo không kham nổi. Thế là Huệ vào khoa nhạc cụ dân tộc với cây đàn tì bà.

Cho đến bây giờ, Huệ biết chơi sáo, đàn tranh, đàn bầu, nguyệt, bộ gõ…Cô là giảng viên khoa nhạc cụ truyền thống của Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam.

Phạm Thị Huệ từng đi dạy ở Thụy Điển, Mỹ… Đi xa, có tiền, có danh, nhưng rồi ý muốn về nước để dạy học trò lại trỗi dậy. Và rồi khi trở thành đào nương ca trù, cô đã thực sự thấy trách nhiệm phục dựng và bảo tồn môn nghệ thuật truyền thống mà UNESCO đã đánh giá là cần bảo vệ khẩn cấp này.

Theo lời cố Giáo sư Trần Văn Khê, Huệ là môn sinh lý tưởng, chí thú học hết những ngón đàn ở khắp ba miền. Ông mừng vì có người trẻ mà say mê ca trù hết mình, khiến một người “truyền đạo” như ông có được niềm tin về sức sống của âm nhạc dân tộc.

Vừa thưởng thức các điệu đàn, lời ca của Huệ, vừa lắng nghe GS Khê giảng giải về phách, nhịp, trống cổ, trống chầu, người nghe càng thấm thía cái hay của ca trù.

Lần gặp gỡ ở tuổi 17

Tiếp xúc với ca trù lần đầu tiên vào năm 1992 khi nghe cuốn băng cassette thu âm giọng hát nghệ nhân Quách Thị Hồ, Phạm Thị Huệ tâm sự, cô bị cuốn hút bởi những thanh âm đặc biệt của ca trù.

Tôi thấy ca trù rất đặc biệt” – cô nói – “Những âm thanh của nó như đang từ đâu đó vọng về mà mình không thể nắm bắt được”.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Phạm Thị Huệ chưa từng nghĩ rằng hát ca trù sẽ trở thành sự nghiệp của mình.

Cô chia sẻ: “17 tuổi – khi còn là cô sinh viên Nhạc viện Hà Nội, một cô bạn cùng phòng hỏi tôi: Định theo ca trù đấy à?. Lúc ấy, tôi chỉ đáp: Có nằm mơ mình cũng không học được đâu. Nó đòi hỏi kỹ thuật cao quá, lại phức tạp nữa. Nghe chơi thôi”.

Cơ duyên đã chín

“Thế nhưng, 15 năm sau, tôi đã hoàn toàn gục ngã trước loại hình nghệ thuật này. Với tôi, ca trù không chỉ là cái nghiệp, nó còn là nghệ thuật âm nhạc dân tộc đỉnh cao. Đây là môn nghệ thuật mà tôi quyết tâm gìn giữ và phát triển”, ca nương Phạm Thị Huệ tâm sự.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc cùng học trò của mình Ca nương Phạm Thị Huệ trong một chương trình biểu diễn ca trù

Con đường đến với ca trù của Phạm Thị Huệ xem ra cũng khá đặc biệt, ấy là vào năm 2000, trong một lần đang dạo chơi trên phố Bích Câu (Hà Nội) chị đã có cơ duyên được gặp cụ Nguyễn Thị Chúc, một nghệ nhân nổi tiếng của làng ca trù Việt Nam, rồi trở thành học trò của cụ.

Bên cạnh đó, Phạm Thị Huệ còn được thọ giáo những ngón đàn điêu luyện của đệ nhất danh cầm đất Bắc Nguyễn Phú Đệ, kĩ thuật thanh nhạc truyền thống của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức…những bậc kì tài trong làng ca trù Việt Nam hiện nay.

Ca trù là thứ nghệ thuật nổi tiếng rất kén chọn người chơi. Có người theo học từ lúc 5-6 tuổi nhưng mãi đến tận 17-18 tuổi mới tạm gọi là thành nghề.

Tư chất trời phú: con học ba tháng bằng người ta học ba năm!

Trong khi ấy, gần 30 tuổi Huệ mới tập tõm theo các cụ học ca trù nhưng có lẽ do nhờ trời phú cho cái tư chất thông minh nên Huệ học một biết mười.

Chẳng thế mà sau ba tháng truyền nghề cách ngắt hơi, nhả chữ, nghệ nhân Kim Đức đã bảo: “Con học ba tháng bằng người ta học ba năm. Ta không còn gì để dạy con nữa.”

Huệ nhớ lại, sau một thời gian bái sư học ca trù với lão nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, vào một ngày cuối tháng 6/2006 cụ gọi cô đến và bảo: “Lá vàng lơ lửng trên cây chẳng biết khi nào rụng. Con cũng đã thành nghề, đến lúc làm lễ mở xiêm y rồi đấy con ạ!.”

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, ca nương Phạm Thị Huệ và nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ.

Từ lễ mở xiêm y tới danh hiệu nghệ nhân ưu tú

Nghe thầy bảo, chị mừng đến muốn khóc. Vậy là sau bao lâu gian lao tầm sư học đạo, chị cũng đã được công nhận là một nghệ sĩ ca trù.

Hôm ấy cụ Chúc cũng cảm động không kém, cụ bảo: “Đã 60 năm nay làng ca trù ta mới có một buổi lễ như thế này.”

Buổi lễ mở xiêm y của chị có cả các thầy như giáo sư Trần Văn Khê, phó giáo sư Vũ Nhật Thăng đến dự. Hôm ấy chị hát bài “Thề non nước,” “Tỳ bà hành”… Các thầy nghe xong ai cũng khen hay và cầu chúc cho chị luôn giữ được nghề.

Sau buổi lễ chị xin phép các thầy thành lập Câu lạc bộ ca trù Thăng Long để góp phần gìn giữ những tinh hoa ca trù mà cha ông ta để lại và cũng làm nơi truyền dạy ca trù cho lớp trẻ để môn nghệ thuật này không bị thất truyền.

Thoắt thời gian, vào tháng 11/2015, chị đã được Nhà nước công nhận là “nghệ nhân ưu tú” vinh danh ở lĩnh vực văn hóa phi vật thể, được công nhận như “báu vật nhân văn” của nền nghệ thuật truyền thống nước nhà.

Hai mẹ con ca nương Phạm Thị Huệ và đào nhí Nguyễn Huệ Phương

Nghệ nhân được tôn vinh phải là những người có đủ phẩm chất đạo đức, tài năng, nghề nghiệp xuất sắc và đang nắm giữ, truyền dạy, có cống hiến to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Các nghệ nhân được nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú này cũng phải có ít nhất 15 năm hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian (ca trù, xẩm, cồng chiêng, chèo tàu, hát Dô…) hoặc tri thức dân gian (ẩm thực, làm diều sáo, nặn tò he, nhạc cụ truyền thống…).

Và cô Tấm xinh đẹp Phạm Thị Huệ tài sắc vẹn toàn đã được nhận danh hiệu ấy.

Từ đó đến nay câu lạc bộ ca trù Thăng Long đều đặn có các buổi biểu diễn vào thứ 5 và thứ 7 hàng tuần tại Đền Quan Đế 28 Hàng Buồm Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây đã trở thành nơi lui tới thường xuyên của những người yêu ca trù đất Thăng Long và bạn bè quốc tế, và cũng tại đây chị đã đào tạo được khoảng gần chục ca nương trẻ.

Người ca nương xinh đẹp có khuôn mặt sáng tựa trăng rằm chia sẻ khát vọng được gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống của cha ông, gìn giữ những giá trị âm nhạc truyền thống được coi là “quốc bảo” của dân tộc Việt Nam:

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Ca trù có nhiều tên gọi khác nhau như hát cửa quyền, hát cửa đình, hát nhà tơ, hát ả đào với nhiều hình thức diễn xướng.

Theo thư tịch cổ, ca trù có hơn 100 làn điệu, nhưng nay chỉ còn lại khoảng 20-40 làn điệu chính.

Ngày 1/10/2009, ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại

Hoàng Lâm  – Hà Phương Linh (Tổng hợp)

 

Từ Khóa: