Những năm gần đây, một lô bức họa cổ của Trung Hoa được cho là báu vật trân quý của hoàng cung đã được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (MET), New York, đem đến cho khán giả cơ hội thưởng lãm nền văn minh phương Đông cổ xưa  huy hoàng. Trong đó, bức tranh quý giá nhất được cho là của họa gia Hàn Cán nhà Đường – “Chiếu dạ bạch đồ”.

Nhà sưu tầm các bức tranh cổ đại và các di tích văn hóa Tony Dai nói: “Tôi tin rằng “Chiếu dạ bạch đồ” là một trong những bức tranh quan trọng nhất của lịch sử Trung Hoa, cũng là bức tranh cổ phương Đông quý giá nhất trên thế giới“.

“Triển lãm những bức tranh cổ trân quý của MET” là một điểm nổi bật trong sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày thành lập bộ phận Châu Á của MET. Đã có 110 bức tranh từ thời nhà Đường đến thời nhà Thanh được trưng bày ở đây. Các bức họa cổ này đang thu hút rất nhiều nhà sưu tầm và những người yêu thích nghệ thuật cổ đại tới xem. Tony Dai là một nhà giám định cổ vật và cố vấn đầu tư. Trong một phỏng vấn với báo The Epoch Times, ông đã giới thiệu về một số tranh thuộc hàng báu vật và các giá trị văn hóa nghệ thuật của chúng.

Bức tranh “Chiếu dạ bạch đồ” – Hàn Cán (nhà Đường). (Ảnh: epochtimes)

Bút tích thật để lại từ 1.300 trăm trước

Tony Dai cho biết, bộ sưu tập quý hiếm này rất ít khi được đưa ra triển lãm, một số bức tranh trong đó chưa từng được trưng bày trước đây. Chúng đã cung cấp cho khán giả một cơ hội tuyệt vời để chiêm ngưỡng hội họa cung đình từ thời Đường đến thời Thanh. Trong đó, bức “Chiếu dạ bạch đồ” đã có 1.300 năm lịch sử, cũng là bức tranh có giá trị nhất trên thế giới còn tồn tại đến ngày nay.

Bức họa này được vẽ trên giấy Tuyên Thành, là một bức tranh thủy mặc, bên trên có vẽ hình con ngựa từ bàn tay nổi tiếng tài hoa của Hàn Can (742-756). Tác phẩm này được sáng tác vào năm 750, vào thời vua Đường Huyền Tông (712-756); con ngựa trên bức họa là con Thất Hồ yêu thích của hoàng đế Đường Huyền Tông. Tony Dai nói rằng, rất nhiều người nghĩ bức họa là bản sao chép lại bởi người thời Tống, nhưng khi quan sát kỹ, các chuyên gia đều đồng ý rằng đấy đích thực là bản gốc của Hàn Cán.

Từ những dấu ấn đỏ và những lời đề tự trên bức họa có thể thấy, đây là một tác phẩm đã lưu truyền qua nhiều thời đại: góc bên trên bên phải có ghi sáu chữ “Hàn Cán họa chiếu dạ bạch”; căn cứ theo số lượng bút tích của Lý Dục, Nam Đường cho thấy đây chính là tác phẩm trân quý thực sự. Trên bức họa còn có ấn tín của Càn Long đế: “Kỷ hạ di tình”, “Càn Long thần hàn”; ngoài ra còn có ngự đề:

於古聞空翼,而今果識韓。
獨嘶霜月白,特立朔風寒。
有志凌金絡,無心憶錦鞍。
丹青曹霸老,畫肉也應難。

Phiên âm Hán Việt:

Ư cổ văn không dực, nhi kim quả thức Hàn.
Độc tê sương nguyệt bạch, đặc lập sóc phong hàn.
Hữu chí lăng kim lạc, vô tâm ức cẩm an.
Đan thanh Tào Bá lão, họa nhục dã ưng nan.

Dịch nghĩa là:

Vốn nghe xưa kia chỉ là người phụ tá, đến nay quả thật mới thấy tài năng của Hàn Cán
Một mình hý vang trong sương và ánh trăng trắng bạch, đứng nghênh cơn gió bắc giá lạnh thổi tới.
Hùng chí coi thường dây cương vàng, chẳng lòng dạ nào nhớ tới yên gấm
Vẽ tranh giỏi như bậc thầy Tào Bá, mà vẽ được như thế này cũng khó.

Ngoài ra, còn có nhiều con dấu của những nhà sưu tầm nổi tiếng của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, xác nhận bức tranh là tác phẩm nguyên gốc từ triều đại nhà Đường. Tony Dai nói: Khi các nhà họa gia của Trung Hoa cổ đại học cách vẽ, thầy của họ sẽ giáo dục về đạo đức trước khi dạy họ các kỹ thuật hội họa“. 

Ngoài ra trong triển lãm còn có ba bức tranh khác cũng lấy ngựa làm chủ đề, được vẽ trên một cuộn tranh dài có tên là “Ngô Hưng Triệu Thị tam thế nhân mã đồ” của Triệu Mạnh Phủ (1254—1322); Triệu Ung và Triệu Lân là con trai và cháu của Triệu Mạnh Phủ .

Một phần của “Ngô Hưng Triệu Thị tam thế nhân mã đồ” của Triệu Mạnh Phủ (1254—1322). (Ảnh: epochtimes)

Những bức họa trân quý của triều đại nhà Minh trong cuộc triển lãm bao gồm “Hạnh viên nhã tập đồ” của họa sĩ cung đình Tạ Hoàn triều đại nhà Minh; mọi nhân vật và đối tượng trong bức tranh đều là một sự ghi chép cẩn thận và chân thực về cảnh tượng cuộc sống của văn nhân nhà Minh, là một mô tả điển hình, có tác dụng chỉ dẫn đề tài cho những họa gia đời sau.

“Hạnh viên nhã tập đồ” – Tạ Hoàn. (Ảnh: epochtimes)

Ẩn ý thâm sâu trong bức tranh “Thủy tiên”

Vào cuối triều đại Nam Tống, Triệu Mạnh Kiên (1199-1264) đã tạo ra một phương pháp vẽ tranh thủy mặc hoa thủy tiên; việc làm nổi bật cây thủy tiên bằng cách nhuộm mực và vẽ hai nét cong đã tạo nên một dáng vẻ vô cùng truyền thần của loài cây này. Triệu Mạnh Kiên là cháu trai thứ 11 của Tống Thái Tổ; tác phẩm của ông gửi vào đó nỗi đau mất nước, được hậu nhân vô cùng yêu thích; rất nhiều người đã sao chép lại tác phẩm này của ông. Trong bức “Thủy tiên đồ”, những chiếc lá chập chờn giao qua nhau xinh đẹp và duyên dáng, hoa lá không được sắp xếp theo trật tự nhưng ẩn chứa ngụ ý sâu xa.

“Thủy tiên đồ” – Triệu Mạnh Kiên. (Ảnh: epochtimes)

Tony Dai giới thiệu rằng, trên phương diện văn học, thủy tiên không chỉ được yêu mến vì nét đạo đức cao thượng mà nó hàm chứa, mà còn chứa đựng ngụ ý về sự bất diệt; “Thủy tiên” trong Hán ngữ có ý nói “Thủy trung tiên nhân”, tức là những nàng tiên trong nước

Trong số các bức tranh của triều đại nhà Thanh được trưng bày, có hai cuộn lớn được cất giữ bởi nội phu triều đại nhà Thanh, miêu tả những phong cảnh tuyệt đẹp của chuyến tuần du phía Nam của hoàng đế Khang Hy và hoàng đế Càn Long.

Tác phẩm “Khang Hy nam tuần đồ” có tổng cộng 12 cuộn, là bản vẽ ghi chép lại chuyến tuần du miền Nam thứ hai của Khang Hy vào năm 1689, do Vương Huy – một trong bốn tứ Vương đầu nhà Thanh chỉ đạo thực hiện và hơn một nghìn họa gia cung đình tập trung hoàn thành trong vòng 7 năm. Sau khi hoàn thành bức họa, cũng là cơ hội Vương Huy được gặp mặt hoàng đế, ông được ngự ban danh hiệu “Sơn thủy Thanh Huy”. Sưu tầm của triển lãm chủ yếu thuộc phần thứ ba của cuộn tranh, miêu tả toàn cảnh vùng núi Thái Sơn.

Một phần “Khang Hy nam tuần đồ” – Vương Huy. (Ảnh: wikiwand)

“Di sản thị giác” quý giá do Hoàng đế Khang Hy để lại

Hoàng đế Khang Hy được biết là vị hoàng đế hiếu học và bác học nhất trong những vị đế vương trong lịch sử Trung Hoa. Lịch sử ghi chép rằng Khang Hy khi 5 tuổi đã bắt đầu đi học, thường học đến tận nửa đêm mới chịu đi ngủ, 8 tuổi đã lên ngôi. Trong thời gian trị vì, ông đã có sáu lần tới phía Nam thị sát dân tình, đồng thời xem xét việc xây dựng đê điều chống lũ lụt.

Khang Hy chấp chính trong 61 năm, là khoảng thời gian mà văn hóa nghệ thuật chưa bao giờ phồn vinh đến thế. Ông cũng rất chú trọng đến việc biên viết thư tịch cùng lịch sử, đã từng biên soạn các cuốn sách như “Cổ kim đồ thư tập thành”; “Toàn đường văn”; “Khang Hy tự điển”; “Luật lịch uyên nguyên”. Trong đó “Khang Hy tự điển” là cuốn sách đầu tiên trong lịch sử được đặt theo tên của một vị hoàng đế.

Cuốn ba: từ Tế Nam tới Thái Sơn. “Khang Hy nam tuần đồ” – Vương Huy. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Mặc dù triển lãm này chỉ có thể trưng bày phần nửa đầu của cuộn tranh dài này, nhưng khán giả vẫn có thể thưởng thức và nhận biết sâu sắc về một thời kỳ thịnh thế quốc thái dân an này của hoàng đế Khang Hy. Bức họa tạo một cảm giác yên bình, thanh minh, đưa người xem vào một thế giới nhiều màu sắc và tinh tế; màu sắc sống động hơn nếu so với các triều đại khác.

Một phần cuốn “Càn Long nam tuần đồ”- Từ Dương. (Ảnh: epochtimes)
Một phần cuốn “Càn Long nam tuần đồ”- Từ Dương. (Ảnh: epochtimes)

Nhìn chung, đối với khán giả muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống Trung Hoa, triển lãm này là một lời mời khó từ chối, như Tony Dai nói: “Để hiểu được những bức tranh cổ Trung Quốc, chúng ta phải hiểu văn hóa cổ đại Trung Hoa”.

Người Trung Hoa cổ đại tin rằng sự thể hiện của bức tranh là hiện thân của nhân phẩm. Khi bạn nhìn vào một bức tranh Trung Quốc, đó không chỉ là ấn tượng từ các kỹ năng hội họa, mà còn là lịch sử đằng sau những bức tranh đó, và những giá trị văn hóa và đạo đức truyền thống của Trung Hoa đi kèm.

“Tuy Dương ngũ lão” – ẩn danh (Bắc Tống). (Ảnh: epochtimes)
“Nhị ưng đồ” – Chu Đạp (Bát đại sơn nhân) (nhà Thanh). (Ảnh: epochtimes)
“Hiếu kính đồ” – Lý Công Lân (Bắc Tống). (Ảnh: epochtimes)

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch