Một bố cục tốt là rất quan trọng cho bất kỳ bức ảnh thành công nào. Mỗi nhiếp ảnh gia, từ chuyên gia hàng đầu thế giới đến một người mới sử dụng điện thoại thông minh, phải đưa ra quyết định lựa chọn bố cục khi chụp ảnh.

Dưới đây là danh sách các cách để giúp nhanh chóng cải thiện khả năng tạo bố cục cho ảnh của bạn.

1. Chủ đề

Có lẽ yếu tố quan trọng nhất của một bức ảnh là chủ đề. Một chủ đề có thể có nhiều hình thức, nhưng cuối cùng nó là những gì bạn muốn cho người xem thấy. Một bức ảnh không có chủ đề sẽ thiếu sự quan tâm và không thể truyền tải bất cứ điều gì có ý nghĩa. Mặc dù có vẻ hiển nhiên rằng mỗi bức ảnh sẽ chụp về một thứ gì đó, nhưng trên thực tế nhiều nhiếp ảnh gia chụp ảnh mà không có chủ đề rõ ràng.

Một người, địa điểm hoặc đồ vật là những chủ đề rõ ràng, nhưng một chủ đề cũng có thể trừu tượng hơn như tâm trạng hoặc hoa văn. Khi chụp ảnh, điều quan trọng là hãy tự hỏi bạn muốn làm nên tấm hình này từ điều gì? Nếu bạn có thể dễ dàng trả lời câu hỏi đó thì có khả năng bạn đã có một chủ đề rõ ràng.

Cây keo cô đơn. (Ảnh: Grant Ordelheide)

Cây keo trong hình ảnh này trở thành một chủ đề rõ ràng do vị trí của nó, ánh sáng và hậu cảnh. Điều thu hút tác giả chụp cái cây này là có những đám mây bão đen dường như cuộn xoáy trên khung cảnh. Bằng cách đặt cái cây ở tầm thấp giữa bức ảnh, tác giả nhấn mạnh nó trong khi làm nổi bật cơn bão sắp xảy ra phía trên.

2. Quy tắc một phần ba

Nếu bạn đã từng tham gia một lớp học về nhiếp ảnh, bạn có thể đã nghe nói về quy tắc một phần ba. Đây là một trong những cách nhanh nhất để đưa nhiếp ảnh của bạn đi đúng hướng. Phương pháp này bao gồm việc chia khung ảnh – theo các đường thẳng tưởng tượng – thành ba phần theo cả chiều dọc và chiều ngang. Những đường này tạo một cơ sở về nơi đặt các điểm ảnh cần quan tâm và các đường khác trong khung. Ví dụ, đường chân trời tạo hiệu ứng tốt khi được đặt ở phần ba trên hoặc phần ba dưới của khung. Mặc dù cũng không nên quá bó buộc vào quy tắc một phần ba này, nó vẫn là nơi khởi đầu tuyệt vời để thiết lập một bố cục.

Chụp chú chim theo quy tắc một phần ba. (Ảnh: Grant Ordelheide)

Quy tắc một phần ba chia nhỏ khung ảnh thành phần ba dọc và ngang. Trong ví dụ trên, bạn có thể nhận thấy ô lưới và cách tác giả đặt tiêu điểm của hình ảnh – mắt của con chim – tại giao điểm của các đường. Những giao điểm này là vị trí tự nhiên cho các điểm ảnh cần quan tâm.

3. Các đường

Các đường có thể là một trong những công cụ tạo bố cục mạnh mẽ nhất có sẵn cho một nhiếp ảnh gia. Các đường dọc và ngang có thể mang lại cho hình ảnh của bạn cảm giác lặp lại và giúp tăng cường một hình khối. Các đường xuất phát từ đáy của khung hình lên trên đỉnh khung hình, còn được gọi là các đường dẫn, có thể giúp thu hút người xem vào ảnh và hướng đến đối tượng của bạn. Vì các đường mang lại cho hình ảnh của bạn một cảm giác hình học, hãy nhớ giữ chúng càng thẳng càng tốt. Các đường thẳng đứng và ngang nếu để hơi lệch sẽ làm mất tập trung vào bố cục, dẫn đến làm tổn hại bức ảnh.

Đụn cát và đường chân trời. (Ảnh: Grant Ordelheide)

Các đường là một trong những cách tốt nhất để thu hút người xem vào bức ảnh của bạn. Hình ảnh cồn ở cát trên có nhiều đường khác nhau dẫn đến đỉnh cao trong hậu cảnh. Một số đường rõ ràng hơn những đường khác. Bạn có thể thấy trong ví dụ này, với các đường màu đỏ, bức ảnh đã được bố cục rất cẩn thận, với các đường chéo dẫn mắt người xem đi qua cồn cát và cuối cùng tới khối núi phía xa.

4. Đơn giản

Sự đơn giản là một công cụ cực kỳ giá trị để tạo ra những bức ảnh nổi bật. Hãy xét xem các yếu tố của một bức ảnh liên quan với nhau như thế nào. Mặc dù việc thu hình tất cả mọi thứ hiện ra trước mặt bạn có thể hấp dẫn, nhưng đôi khi có càng nhiều yếu tố trong một bức ảnh có nghĩa là càng nhiều nhiễu loạn hơn. Tất cả mọi thứ đưa vào trong khung ảnh của bạn nên có lý do xác đáng; nếu một yếu tố nào đó không làm tăng giá trị cho bố cục, thì nó sẽ làm giảm. Các tác phẩm sạch sẽ và đơn giản thường lại là thành công nhất.

Trăng liềm vùng Yosemite (Ảnh: Grant Ordelheide)

Bức ảnh trên đây về cơ bản chỉ có hai thành phần: trăng lưỡi liềm và bóng đen của một đám thân cây. Sự đơn giản của bố cục và ánh sáng như này cho phép các đặc điểm biến các thành hình dạng đồ họa. Nếu bức ảnh này có thêm bất kỳ yếu tố nào, chẳng hạn như một hoặc hai đám mây, nó sẽ làm giảm hiệu ứng đồ họa.

5. Tạo khung

Một cách dễ dàng để tạo thêm sự quan tâm vào bức ảnh của bạn là dùng một cái gì đó để tạo khung cho chủ đề. Tạo khung có thể theo nghĩa đen, trong đó người xem rõ ràng đang nhìn xuyên qua một yếu tố này để xem yếu tố khác. Nhưng nó cũng có thể tinh tế hơn, khi trong đó bản thân các yếu tố của bố cục sẽ tạo ra một khung hình tự nhiên làm nổi bật chủ thể.

Taj Mahal. (Ảnh: Grant Ordelheide)

Trong tấm ảnh trên, bằng cách sử dụng ô cửa của một tòa nhà liền kề để đóng khung công trình Taj Mahal mang tính biểu tượng, tác giả đã có thể tạo chiều sâu và thêm sự thú vị cho một bức ảnh dường như đơn điệu của một tòa nhà rất thường được lên ảnh này.

6. Tỷ lệ

Tỷ lệ là một công cụ sáng tác quan trọng, giúp thêm bối cảnh và kịch tính vào bức ảnh của bạn. Cách dễ dàng nhất để hiển thị tỷ lệ (đặc biệt là khi chụp ở ngoài trời) là thêm yếu tố con người vào ảnh. Việc hiển thị các đối tượng dễ dàng được nhận biết (hình người, lều, xe hơi, nhà) sẽ giúp tạo tỷ lệ cho phần còn lại của hình ảnh của bạn. Khi một hình người được thêm vào trước hình một ngọn núi, người xem sẽ lập tức có ý tưởng tốt hơn về độ lớn của ngọn núi đó.

Núi Cerro Torre Chris. (Ảnh: Grant Ordelheide)

Trong tấm ảnh trên, nếu không có hình người nhỏ xíu ở dưới cùng bên phải, ảnh sẽ bị thiếu đi bối cảnh và cảm giác về tỷ lệ. Bằng cách thêm vào yếu tố con người, người xem đã có cảm giác rõ ràng hơn về quy mô của ngọn núi này.

7. Chiều sâu

Một trong những cách tốt nhất để đạt được bố cục nổi bật là tận dụng chiều sâu trong bức ảnh của bạn. Chiều sâu có thể khiến cho một bức ảnh hai chiều xuất hiện hiệu ứng ba chiều và có thể được thực hiện theo một số cách. Điểm tốt nhất để bắt đầu là tìm kiếm một khung cảnh có tiền cảnh tốt và mạnh mẽ, hậu cảnh tốt và một trung cảnh để kết nối chúng lại với nhau. Sử dụng ống kính góc rộng và đặt gần với tiền cảnh sẽ giúp tấm ảnh đạt được hiệu ứng ba chiều. Chiều sâu cho bức ảnh cũng có thể đạt được bằng một số kỹ thuật khác đã được đề cập ở phần trước, như các đường dẫn và khung.

Cape Royal. (Ảnh: Grant Ordelheide)

Trong bức ảnh trên, tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh đã phối hợp tốt với nhau để giúp truyền đạt cảm giác ba chiều. Trong trường hợp này, ánh sáng quét qua tiền cảnh và hậu cảnh thực sự là yếu tố giúp gắn kết chúng lại với nhau.

8. Các góc

Các góc của khung hình có thể tạo hoặc phá vỡ bố cục bức ảnh của bạn. Vì rất nhiều hành động được bắt đầu từ các góc dưới cùng của bức ảnh, điều quan trọng là phải chú ý xem thứ gì xuất phát ra từ những góc đó. Sử dụng các góc làm điểm neo cho các đường dẫn sẽ tạo ra các bố cục mạnh mẽ và năng động. Các góc có thể là hoạt động hoặc bất động tùy thuộc vào bạn đặt gì ở đó. Hãy cẩn thận đừng để không gian chết và nhiễu loạn lấp đầy các góc ảnh của bạn; điều đó sẽ khiến cho bố cục tổng thể bức ảnh bị tổn hại.

Hồ nước nóng Grand Prismatic. (Ảnh: Grant Ordelheide)

Trong bức ảnh trên, toàn bộ bố cục thực sự được phát triển từ góc dưới bên phải. Bằng cách để các đường xuất phát từ góc ảnh một cách hiệu quả, tác giả có thể hướng dẫn mắt người xem đi qua toàn bức ảnh.

9. Dòng chảy trực quan

Khi bạn đã có một bố cục tốt, bức ảnh đó cũng rất cần để cho mắt người xem có được cảm giác trôi chảy. Bạn muốn người xem dễ dàng điều hướng theo bố cục từ đầu đến cuối mà không có bất kỳ “vật chắn mắt” nào khác. Hãy nghĩ về cảnh tượng định chụp như thể bản thân bạn đang đi bộ qua nó. Bạn sẽ chọn đi theo con đường nào có ít vật cản nhất; và đó cũng chính là cách mà mắt chúng ta áp dụng trong khi xem ảnh. Hãy giúp người xem dễ dàng điều hướng ảnh và nhanh chóng đưa mắt tiến đến chủ đề.

Hoàng hôn trên vỉa Indian. (Ảnh: Grant Ordelheide)

Hãy tưởng tượng bạn đang đứng ở nơi đặt máy ảnh và bạn chuẩn bị đi về phía có mặt trời. Trong bức ảnh trên, tác giả đã tạo bố cục để mắt người xem phải đi luồn lách và xuyên qua những tảng đá để tới hậu cảnh. Mắt người xem có thể dễ dàng lướt qua khu vực phía dưới ở bên phải, lên giữa bức ảnh và tiến đến phía mặt trời.

10. Kiên nhẫn và thực hành

Đào tạo con mắt nhiếp ảnh của bạn không phải là một quá trình ngày một ngày hai. Ngay cả với những người mà con mắt họ đã có khả năng tự nhiên về bố cục, cũng phải mất nhiều năm để hoàn thiện tay nghề. Đừng vội nản lòng khi phải vật lộn với vấn đề bố cục. Các tác phẩm có bố cục tuyệt vời sẽ sử dụng nhiều điểm được đề cập ở trên. Hãy suy nghĩ về từng ý tưởng riêng lẻ và sau đó tìm cách kết hợp chúng trong thực tế.

Người ta nói rằng sẽ phải mất hơn 10 năm để con mắt bố cục của bạn thực sự phát triển. Cũng giống như bất kỳ nghề nghiệp nào khác, thực hành là chìa khóa thành công. Hãy đi ra ngoài thường xuyên cùng với máy ảnh của bạn và thực hành “chụp và chụp và chụp”.

Việt dã vượt núi đá. (Ảnh: Grant Ordelheide)

Không gì có thể cải thiện các tác phẩm của bạn tốt hơn sự thực hành. Hãy xem xét những ý tưởng nói trên và suy nghĩ về cách kết hợp chúng vào một bức ảnh. Hãy thử các cách bố cục khác nhau để giúp bạn thấy được những gì hiệu quả và những gì không nhé!

Theo GRANT ORDELHEIDE (thephotoargus.com)

Thiện Quang biên dịch

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||b99d0edf1__