Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, ngành hàng lắp ráp điện thoại di động Việt Nam có cơ hội hưởng lợi, thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đó tạo thêm nhiều việc làm mới.

Theo Công ty Cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), năm 2017, trong top 10 mặt hàng Trung Quốc có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất thì có đến 8 mặt hàng thuộc nhóm hàng điện thoại di động, đồ điện tử và thiết bị viễn thông. Tổng giá trị xuất khẩu của 8 nhóm hàng này đạt khoảng 256 tỷ USD, bằng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.

Riêng với mặt hàng điện thoại di động, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ năm 2017 là 70 tỷ USD, chiếm 86% tổng giá trị điện thoại di động nhập khẩu vào Mỹ. Top 5 nhãn hàng điện thoại di động được sản xuất ở Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ là Apple, LG, ZTE, Motorola và Samsung.

Nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục mở rộng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, quyết định áp thuế với toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng điện thoại di động rất có thể sẽ nằm trong diện chịu thuế.

Đối với Samsung, Việt Nam đang là nơi sản xuất lớn nhất của doanh nghiệp này với sản lượng khoảng 240 triệu chiếc/năm, theo sau là Trung Quốc với sản lượng 150 triệu chiếc/năm, Ấn Độ với 50 triệu chiếc, Hàn Quốc với 40 triệu chiếc, Brazil với 12 triệu chiếc và Indonesia với 8 triệu chiếc.

BVSC cho biết Samsung đang có kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 40 triệu sản phẩm tại Trung Quốc do giá nhân công cao và do rủi ro của chiến tranh thương mại Mỹ -Trung leo thang.

Trong bối cảnh này, Việt Nam với lợi thế chi phí nhân công rẻ hơn, đương nhiên sẽ có cơ hội thu hút thêm vốn đầu tư của Samsung.

Với việc thu hút thêm nguồn vốn FDI, xuất khẩu ngành hàng điện thoại của Việt Nam sẽ tăng, các khu công nghiệp cũng được hưởng lợi và nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra.

Theo Bloomberg, thời gian gần đây nhiều công ty sản xuất hàng điện tử đang rục rịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á để cắt giảm chi phí và né tác động của cuộc chiến thuế quan giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước đây nhiều công ty sản xuất hàng điện tử nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc vì chi phí nhân công rẻ. Tuy nhiên, tiền lương ở Trung Quốc đang tăng cao, nên một số công ty đã chuyển sản xuất sang Đông Nam Á. Đặc biệt, chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump càng khiến các doanh nghiệp nước ngoài có thêm động lực để di chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Chia sẻ trên CNBC ngày 12/9, ông Bill Stoops, chuyên gia đầu tư của công ty quản lý quỹ Dragon Capital, cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp nước ngoài chuyển hướng đầu tư về Việt Nam nhiều hơn để tránh áp lực chi phí gia tăng mà cuộc chiến thuế quan tạo ra. Thậm chí, ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có thể đẩy mạnh việc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Cũng theo chuyên gia này, tuy có thặng dư thương mại 40 tỷ USD so với Mỹ, Việt Nam ít có khả năng trở thành mục tiêu của cuộc chiến thương mại. Nguyên nhân là bởi hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chưa nhiều bằng các nước khác.

Nguyễn Trang (Tổng hợp)