Theo kết quả khảo sát mới nhất của hãng kiểm toán PwC, Việt Nam tiếp tục được các lãnh đạo doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế thuộc Diễn dàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực APEC.

Tại tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Papua New Guinea ngày 15/11, PwC đã công bố báo cáo Khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC năm 2018. Cuộc khảo sát được thực hiện với 1.189 lãnh đạo doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế thuộc APEC cho thấy 35% người trả lời rất tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng doanh thu và 51% có kế hoạch tăng cường hoạt động đầu tư trong năm tới.

Cũng theo báo cáo, độ lạc quan về triển vọng kinh doanh tại châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục ở mức cao bất chấp căng thẳng thương mại đang gia tăng.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ và Thái Lan thuộc nhóm lạc quan nhất, với tỷ lệ lần lượt là 57% và 56% cho biết rất tự tin về khả năng tăng trưởng doanh thu.

Trong khi đó, doanh nghiệp tại Trung Quốc và Mexico – hai đối tác thương mại lớn của Mỹ, lại có mức độ lạc quan ở dưới mức trung bình là 25% và 21%.

Tại Việt Nam, 33% số người được khảo sát cho biết rất tự tin về triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của doanh nghiệp và 48% khác trả lời là khá tự tin.

Thương mại quốc tế có khả năng tiếp tục là nguồn tăng trưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, 40% doanh nghiệp kỳ vọng tăng doanh thu nhờ vào các hiệp định thương mại song phương mới và 34% dự báo cơ hội phát sinh từ các hiệp định đa phương mới.

Ngoài việc nhìn nhận tích cực về khả năng tăng trưởng doanh thu, 51% lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực APEC đang có kế hoạch nâng mức đầu tư, cao hơn tỷ lệ 43% cách đây hai năm.

Những điểm đến dự kiến thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong khu vực APEC là Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ, Australia và Thái Lan, trong đó Việt Nam giữ vị trí số 1 năm thứ hai liên tiếp.

viet nam tiep tuc la diem dau tu hap dan nhat khu vuc apec
Các nền kinh tế APEC sẽ thu hút thêm vốn đầu tư xuyên biên giới nhiều nhất. (Ảnh: Khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC 2018)

Lãnh đạo Công ty PwC Việt Nam nhận định các hiệp định thương mại lớn như CPTPP, FTA giữa EU và Việt Nam, FTA giữa ASEAN và Hồng Kông… sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng thu hút thêm vốn đầu tư và kiến tạo thêm các cơ hội kinh doanh xuyên biên giới trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, để tối đa hóa được các lợi ích từ những hiệp định thương mại này, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, tăng cường đầu tư trong nước, cũng như cải thiện các tiêu chuẩn sản xuất và lao động.

Cũng theo báo cáo, PwC khẳng định thị trường việc làm ở châu Á-Thái Bình Dương có triển vọng tích cực với 56% lãnh đạo doanh nghiệp tại APEC (tỷ lệ ở Việt Nam là 56%) cho biết họ đang tạo thêm việc làm và chỉ 9% các doanh nghiệp trong khu vực (Việt Nam là 14%) chủ động cắt giảm nhân sự dưới tác động trực tiếp của công nghệ lên lực lượng lao động.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại APEC cũng rất ý thức về yêu cầu đầu tư nhiều hơn vào chuyển đổi kỹ thuật số. Với việc nền kinh tế Internet dự kiến đạt tổng trị giá hơn 200 tỷ USD chỉ riêng trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2025, hai ưu tiên đầu tư hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp là cải thiện khả năng tương tác với khách hàng trên nền tảng kỹ thuật số và nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động của họ.

Vỹ An (Tổng hợp)