Chỉ trong vòng 10 tháng (tính đến tháng 4/2018), Việt Nam đã nhập gần 2 triệu tấn lúa mì từ Nga, tăng 13 lần so với cùng kỳ giai đoạn trước đó.
 

Lúa mì Nga trong 2 năm gần đây giành được khá nhiều thị phần tại châu Á, trong đó có Việt Nam, trong bối cảnh các nước Úc, Mỹ và Canada hứng chịu hậu quả của hạn hán.

Việt Nam đã mua 1,7 triệu tấn lúa mì của Nga chỉ trong vòng 10 tháng (tính đến tháng 4/2018). Con số này đã tăng so với mức 124.000 tấn của mùa vụ trước.

“Việc Việt Nam bãi bỏ thuế thương mại đối với lúa mì Nga từ cuối năm 2016 là yếu tố chính khiến Nga chiếm lĩnh được gần một nửa thị trường lúa mì của Việt Nam”, chuyên gia phân tích UkrAgroConsult Marina Sych cho biết.

Không chỉ chiếm lĩnh thị trường lúa mì Việt Nam, Nga hiện hiện nay còn là nhà cung ứng lúa mì chính của hơn 130 quốc gia.

Ngược lại, Nga lại cố gắng ít phụ thuộc vào nguồn cung sản phẩm nông nghiệp, cấm nhập khẩu một số mặt hàng thực phẩm nhất định từ phương Tây để đáp trả lại các biện pháp trừng phạt.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng lúa mì của Nga sẽ đạt 77,5 triệu tấn, vượt xa nhu cầu tiêu thụ trong nước. USDA cũng dự báo Nga sẽ xuất khẩu 31,5 triệu tấn trong vụ mùa 2017-2018, tăng 13% so với năm ngoái và gần gấp 3 lần so với giai đoạn 2012-2013.

Trước đây, Mỹ là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ liền, nhưng tới năm 2015-2016 thì tạm mất ngôi quán quân vào tay Nga, trước khi quay trở lại vị trí số 1 vào năm ngoái. Tới vụ mùa này, Nga sẽ lại một lần nữa soán ngôi của Mỹ.

Năm nay, các nhà cung cấp lúa mì truyền thống cho Việt Nam đều gặp vấn đề: sản lượng của Úc giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua, sản lượng tại Mỹ đạt mức thấp nhất từ năm 2002 tới nay, còn sản lượng của Canada ghi nhận năm thứ 3 sụt giảm trong vòng 4 năm qua.

Tại Mỹ, lượng lúa mì xuất khẩu được dự báo sẽ giảm 7,6%, còn Úc được dự kiến giảm khoảng 20%.

Trước đó, Việt Nam từng là một trong 5 nước nhập khẩu lúa mì nhiều nhất của Úc, chiếm 10% doanh số bán lúa mì của nước này. Trong vụ mùa 2017-2018, Việt Nam chỉ nhập 1,2 triệu tấn lúa mì từ Úc.

Tom Basnett, giám đốc điều hành của hãng tư vấn Market Check (Úc), cho rằng công nghệ xay xát tại Việt Nam đã đủ tiến bộ để pha trộn nhiều loại lúa mì khác nhau nên lúa mì Nga sẽ dễ có chỗ đứng hơn.

“Công nghệ xay xát là trở ngại chính, tuy nhiên nó đang được liên tục cải thiện, và do đó các nhà máy xay xát tại châu Á sẽ có thể sử dụng được các loại lúa mì rẻ tiền và chất lượng thấp hơn như của Nga”.

Kiều Ngọc