Chính phủ Venezuela bắt đầu phải thanh toán 1,1 tỷ USD trái phiếu đáo hạn và tiền lãi đi kèm từ ngày 15/8. Tuy nhiên, các nhà đầu tư dự đoán quốc gia này sẽ tiếp tục duy trì tình trạng không thể trả nợ.  

Theo Reuters, các trái phiếu có lợi suất cố định đáo hạn trong ngày 15/8 được phát hành vào năm 1998 với 752 triệu USD tiền gốc cùng 51,2 triệu USD tiền lãi và đợt trái phiếu phát hành năm 2001 với 300 triệu USD tiền gốc và 20,4 triệu USD tiền lãi.

Việc không thể thanh toán các trái phiếu đến và tiền lãi đi kèm ngày 15/8 đã khiến Venezuela rơi vào tình trạng không thể thanh toán nợ quốc gia lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Maduro thông báo hồi tháng 11/2017 về kế hoạch tái cơ cấu nợ của nước này.

Ông Siobhan Morden, chiến lược gia thu nhập cố định Mỹ Latinh ở Nomura Securities International, cho hay Venezuela hiện không còn nguồn tài chính nào để trả nợ quốc gia và dòng tiền của nước này cũng đang rơi vào căng thẳng.

Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro đã ngừng hầu hết hoạt động thanh toán nợ vay nước ngoài khiến nước này rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ, đỉnh cao khi vào năm 2017, nước này có một khoản nợ trị giá 60 tỷ USD không thể trả đúng hạn.

Để ổn định đất nước, Venezuela phải thông báo nước này đang nỗ lực tiết kiệm nguồn ngoại tệ khi nền kinh tế trong nước phải đối mặt tình trạng siêu lạm phát. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng trước đã dự báo lạm phát ở Venezuela có thể tăng đến 1 triệu % trong năm 2018.

Ông Zucaro, một người đang cầm giữ trái phiếu của công ty dầu mỏ quốc gia Venezuela PDVSA cho biết ông biết trước rằng PDVSA sẽ không thể trả được khoản trái phiếu vào ngày 15/8.

Kiều Ngọc