Theo Tạp chí Phố Wall, trước những lo ngại về nguy cơ chảy máu chất xám sang Trung Quốc, làm bào mòn thế mạnh công nghệ và làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm cách hạn chế sở hữu của Trung Quốc tại một số công ty công nghệ quan trọng của Mỹ. Song Trung Quốc đang tìm cách khai thác trình độ công nghệ của Mỹ theo cách khác, đó là “câu” các tài năng công nghệ từ thung lũng Silicon.

Săn nhân tài ở Thung lũng Silicon

Chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc đang nỗ lực thu hút các kỹ sư, nhà khoa học hàng đầu của Mỹ cũng như các nhân sự lành nghề khác trong ngành công nghệ, đặc biệt là những chuyên gia người Hoa đang sinh sống và làm việc tại Mỹ.

Sở hữu mạng lưới liên kết khổng lồ giữa các công ty công nghệ, các trung tâm nghiên cứu và các nhà đầu tư mạo hiểm, thung lũng Silicon nghiễm nhiên trở thành mục tiêu chính trong nỗ lực “săn đầu người” của Trung Quốc.

Vào hồi đầu năm nay, Ye Tianchun, một cố vấn hàng đầu về chính sách công nghệ của chính phủ Trung Quốc đã có bài phát biểu tại một trung tâm hội nghị ở Thung lũng Silicon nhằm quảng bá nhu cầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao cũng như ngân sách khổng lồ của Bắc Kinh dành cho các lĩnh vực này.

“Chúng tôi mời tất cả các bạn đến đây để tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới”, Ye ông Tianchun nói.

Hơn 300 người, đa số là người Hoa hoặc người Mỹ gốc Hoa, đã có mặt để nghe Ye Tianchun thuyết trình. Số người tham dự quá đông đến nỗi bữa tiệc khai mạc không có đủ thức ăn và ghế ngồi, khiến ông Tianchun phải yêu cầu mọi người chia sẻ chỗ ngồi.

Trung Quốc đang lên các kế hoạch đầy tham vọng nhằm thống lĩnh nhiều lĩnh vực công nghệ cao trong tương lai, từ trí tuệ nhân tạo cho đến công nghệ sinh học và tự động hóa. Theo lời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc muốn trở thành một quốc gia đứng đầu toàn cầu về sáng tạo.

Tham vọng đó khiến chính phủ Mỹ lo lắng. Chính quyền Tổng thống Trump đã lên kế hoạch cấm các công ty có ít nhất 25% cổ phần của Trung Quốc đầu tư thêm vào các công ty công nghệ có tầm quan trọng chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, hôm 26/6, ông Trump gợi ý rằng các lệnh cấm này có thể bị hủy bỏ, thay vào đó, Mỹ sẽ dùng những công cụ chính sách hiện tại để ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ.

Các báo cáo gần đây từ chính quyền Tổng thống Trump đã chỉ ra rằng những sự kiện giống như hội nghị nơi Ye Tianchun thuyết trình và sự hiện diện đông đảo của các công ty công nghệ Trung Quốc tại Thung lũng Silicon là kênh để “câu” các tài năng và thu hút các công ty khởi nghiệp đến Trung Quốc.

Nhắm vào người Mỹ gốc Hoa

Hiện nay, các công ty công nghệ Trung Quốc đang ráo riết tuyển dụng nhân tài ở Mỹ. Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba, Baidu đã thành lập các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Thung lũng Silicon. Một tòa nhà ba tầng được gọi là Z Park, được một công ty Trung Quốc thành lập nhằm phục vụ như một trung tâm cho các công ty công nghệ cao của Trung Quốc và các công ty đầu tư mạo hiểm.

Trong kỷ nguyên mà máy tính vận hành mọi thứ, nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư công nghệ và các nhà khoa học máy tính đang rất cao và những người này có xu hướng nhảy việc thường xuyên.

Nhân viên ở một số công ty công nghệ lớn của Mỹ nhảy việc trung bình sau 2 năm làm việc hoặc thấp hơn, theo khảo sát của công ty dịch vụ việc làm Paysa chuyên theo dõi mức lương trong ngành công nghệ.

Trung Quốc đang âm thầm 'câu' nhân tài thung lũng Silicon
Nhiều kỹ sư gốc Hoa đang làm việc tại trụ sở Google tại Thung lũng Silicon. (Ảnh: Bloomberg)

Sau khi hoàn tất chương trình đào tạo tiến sĩ kỹ thuật máy tính tại một trường đại học danh giá ở Trung Quốc, Gu Junli đã đến Thung lũng Silicon. Cô xin vào thực tập ở trụ sở của Google, rồi sau đó đầu quân cho hãng sản xuất chip Advanced Micro Devices, nơi cô nghiên cứu các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, trước khi nhảy sang hãng xe điện Tesla để đảm nhân vai trò trưởng nhóm nghiên cứu máy móc thuộc bộ phận lái xe tự động của hãng này.

Vào tháng 10 năm ngoái, Junli nhảy việc một lần nữa. Cô chuyển sang làm việc cho công ty khởi nghiệp xe điện Xiaopeng Motors (Trung Quốc) với tư cách là phó giám đốc bộ phận nghiên cứu tự lái của Xiaopeng Motors, công ty có trụ sở ở thành phố Palo Alto ở Thung lũng Silicon, bang California.

Cô cho biết vốn kinh nghiệm của mình giúp cô trở thành ứng cử viên hấp dẫn đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. “Nếu bạn từng tham gia vào việc phát triển một sản phẩm, bạn sẽ biết các điểm khó khăn và sự phức tạp nằm ở đâu”, cô nói.

Gu Junli cho biết công ty của cô đặt bộ phận nghiên cứu công nghệ tự lái tại Thung lũng Silicon vì đây là trung tâm dẫn đầu thế giới về các công nghệ quan trọng và có nhân tài dồi dào.

Những người như Gu Junli phù hợp với nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc lấp các khoảng trống của nước này trong các lĩnh vực công nghệ hàng đầu.

Nhân sự người Hoa, bao gồm nhiều người tu nghiệp ở các trường đại học hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc, có sự hiện diện lớn trong các lĩnh vực công nghê cao tại Mỹ và họ là nguồn nhân lực kỹ sư lớn cho các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ như Facebook, Google.

Công ty môi giới việc làm Leap.ai được hai cựu kỹ sư Google thành lập cách đây hai năm nhằm phục vụ nhu cầu rộng rãi của cộng đồng công nghệ. Tuy nhiên, điều bất ngờ là người dùng dịch vụ của công ty này chủ yếu là các ứng cử viên người Hoa.

Leap.ai cho biết 70% người dùng dịch vụ của công ty là các kỹ sư công nghệ và 50-55% người dùng là người Hoa. Các công ty công nghệ Trung Quốc tại Mỹ có xu hướng tuyển dụng nhân sự người Hoa hoặc gốc Hoa.

Theo các chuyên gia nhân sự, tại các công ty công nghệ Trung Quốc, có hơn 80% kỹ sư là người nói tiếng Hoa.

Và theo các nhà quản lý nhân sự, tuyển dụng nhân sự tài năng là cách hiệu quả nhất để xóa bỏ khoảng cách giữa các đối thủ cạnh tranh.

Tuệ Minh