Tổng lượng trái phiếu mới được phát hành trong quý III/2018 tại các thị trường mới nổi đã giảm lần đầu tiên trong vòng 3 năm, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nợ chồng nợ.  

Theo Nikkei, tổng lượng trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại các thị trường mới nổi đã giảm 25% trong quý III/2018, xuống còn 358,7 tỷ USD.

Lần giảm gần nhất của hoạt động này diễn ra vào quý III/2015 khi đồng Nhân dân tệ mất giá nghiêm trọng khiến thị trường toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể phát hành trái phiếu mới vì đồng Lira suy yếu mạnh, trong khi đó Brazil cũng giảm 1/2 lượng trái phiếu mới phát hành.

trai phieu thi truong moi noi am dam vi fed tang lai suat
Hoạt động phát hành trái phiếu đã giảm 25% vì FED tăng lãi suất. (Ảnh: Reuters)

Lún sâu vào cuộc chiến thương mại với Mỹ đã khiến lượng trái phiếu mới được phát hành trong quý III/2018 của Trung Quốc giảm 14% so với cùng kỳ năm 2017.

Các nhà điều hành Đài Loan đang thắt chặt các quy định phát hành trái phiếu tại nước này vì đồng Đài tệ đang suy yếu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lên ngưỡng 2–2,25% trong tháng 9 vừa qua. Lượng trái phiếu được phát hành hàng năm tại Đài loan thường rơi vào mức 40 tỷ USD/năm.

Trong vòng 3 năm tới, các quốc gia tại thuộc khối thị trường mới nổi sẽ phải đối mặt với 3,2 nghìn tỷ USD trái phiếu đáo hạn. Nếu những nước này gặp khó khăn trong việc trả nợ, nền kinh tế của họ sẽ chịu những cú sốc lớn, khiến đồng tiền suy yếu và lạm phát gia tăng.

Một báo cáo do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát hành vào đầu tháng 10 cảnh báo các dòng nợ lớn “có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh tế tại các thị trường mới nổi, đặc biệt đối với những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn tài chính bên ngoài”.

Hàng loạt tổ chức tài chính tại thị trường thông báo vỡ nợ trong thời gian gần đây. Tại Ấn Độ, công ty Infrastructure Leasing & Financial Services trong tháng 8 tuyên bố không thể trả được khoản nợ trái phiếu lên tới 12,6 tỷ USD.

Thêm vào đó, 2 công ty tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ và 1 tổ chức tài chính của Nga cũng tuyên bố vỡ nợ hồi đầu tháng này.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng trung ương của các quốc gia chủ chốt đã tiến hành nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn, dẫn đến lãi suất thấp trên toàn thế giới. Điều này đã tạo ra dòng tiền đổ dồn vào các thị trường mới nổi bất chấp rủi ro.

Một khi Mỹ và châu Âu thắt chặt chính sách tiền tệ, dòng vốn của thế giới sẽ xoay chuyển, khiến các thị trường mới nổi rơi vào tình cảnh bấp bênh.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)