Grab cho biết đây là khoản đầu tư kỷ lục vào lĩnh vực gọi xe toàn cầu của một nhà sản xuất ô tô.

Grab ngày 13/6 vừa thông báo đã đạt được thỏa thuận với Toyota Motor Corporation (Toyota) về việc tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác hiện nay và khai thác các chiến lược mới tại Đông Nam Á. Theo đó, Toyota sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Grab, trở thành nhà đầu tư chính trong vòng gọi vốn hiện tại của Grab.

Khoản đầu tư 1 tỷ USD của Toyota là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trên quy mô toàn cầu từ một doanh nghiệp sản xuất ô tô vào lĩnh vực đặt xe công nghệ. Grab tin rằng sẽ có cơ hội mở rộng danh mục dịch vụ. Hiện tại, ngoài đặt xe, Grab còn cung cấp dịch vụ giao đồ ăn và thanh toán điện tử tại Đông Nam Á.

“Là nhà sản xuất hàng đầu thế giới của ngành công nghiệp ô tô, Toyota đầu tư vào Grab dựa trên niềm tin vào khả năng thúc đẩy việc ứng dụng các giải pháp di động mới, cũng như mở rộng loạt dịch vụ di động như GrabFood và GrabPay ở Đông Nam Á”, Ming Maa, Chủ tịch Grab, cho biết.

Trong khi đó, Shigeki Tomoyama, Phó chủ tịch của Toyota, cho hay: “Cùng với Grab, chúng tôi sẽ phát triển các dịch vụ hấp dẫn và an toàn hơn cho các khách hàng của mình ở Đông Nam Á”.

Ngoài ra, đại diện của Toyota còn cho biết thêm với thỏa thuận đầu tư trên, một giám đốc của hãng xe Nhật Bản sẽ được chỉ định vào ban điều hành Grab và một nhân viên Toyota sẽ chuyển đến Grab với vị trí giám đốc. Tuy nhiên, Toyota không tiết lộ chi tiết về tỷ lệ cổ phần tại Grab.

Khoản đầu tư 1 tỷ USD của Toyota là một phần nằm trong vòng gọi vốn trị giá 2,5 tỷ USD năm 2017 của Grab. Trong đợt gọi vốn lớn này, 2 công ty Didi Chuxing và SoftBank Group Corp cũng đã trở thành nhà đầu tư chính của ứng dụng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á. Grab cho biết sau đợt gọi vốn 2,5 tỷ USD, giá trị của công ty sẽ lên tới 6 tỷ USD.

Sau khi củng cố vị thế trên thị trường dịch vụ gọi xe Đông Nam Á với thương vụ mua lại mảng hoạt động kinh doanh của Uber, Grab đang chạy đua để trở thành nền tảng di động online-to-offline (O2O) hàng đầu trong khu vực và là ứng dụng hàng ngày của hàng triệu khách hàng.

Tuy nhiên, Grab đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ đối thủ Go-Jek của Indonesia vốn cũng đang mở rộng dịch vụ gọi xe và các dịch vụ khác tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hồi tháng 2, Go-Jek huy động được 1,5 tỷ USD tiền vốn, vượt xa mục tiêu bán đầu của đợt gọi vốn này là 1,2 tỷ USD. Theo công ty dữ liệu thị trường tài chính PitchBook, hiện Go-Jek đang được định giá ở mức 5 tỷ USD.

Ngày 12/6, ứng dụng gọi xe FastGo được phát triển bởi tập đoàn NextTech (một doanh nghiệp thuần Việt) chính thức ra mắt. Fastgo đặt mục tiêu cạnh tranh trực diện với Grab tại Việt Nam và mong muốn sẽ có 20.000 tài xế trong 2 năm tới.

Phương thức hoạt động của FastGo tương tự với ứng dụng gọi xe của Grab. Để sử dụng FastGo, người dùng điện thoại sẽ vào các kho ứng dụng App Store và Google Store để tải phần mềm về máy rồi sử dụng tương tự như Grab.

FastGo cho biết cung cấp 3 dịch vụ gồm: Fast Car – dịch vụ xe 4 bánh dành cho tài xế cá nhân có nhu cầu kiếm thêm thu nhập từ việc chạy xe; Fast Taxi – dịch vụ liên kết với các hãng taxi để cung cấp giải pháp gọi xe trên ứng dụng FastGo; Fast Luxury – dịch vụ xe hơi sang trọng.

Theo lãnh đạo FastGo Việt Nam, ứng dụng này sẽ giữ giá ổn định, không nhân giá theo nhu cầu vào giờ cao điểm. FastGo sẽ tính giá với dịch vụ Fast Car là 7.900 đồng/km. Mức giá này được cho là thấp hơn giá các dịch vụ đặt xe hiện nay. Trong khi với dịch vụ Fast Luxury, giá tăng thêm khoảng 1,3-1,4 lần.

Nguyễn Trang