Theo đà lao dốc không phanh của đồng Peso của Argentina, nhiều đồng tiền của các quốc gia mới nổi cũng đang mất giá như đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ, Rupiah của Indonesia hay Rupee của Ấn Độ…
 

Riêng trong phiên giao dịch ngày 30/8, đồng Peso đã mất gần 12% giá trị cho dù Ngân hàng trung ương Argentina nâng lãi suất lên mức cao nhất thế giới 60% để hỗ trợ tỷ giá.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng Lira vẫn duy trì xu hướng giảm mạnh từ đầu năm nay, mất gần 3% trong phiên ngày 30/8. Đây cũng là phiên giảm thứ tư liên tiếp của đồng Lira.

Tại khu vực châu Á, đồng Rupee của Ấn Độ chạm mức thấp kỷ lục mới so với đồng USD trong ngày 31/8, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên hơn 11%. Đồng Rupiah hiện đứng ở mức thấp nhất trong gần 3 năm.

Một báo cáo của DBS ngày 31/8 chỉ ra rằng: "Các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục chịu sức ép từ cuộc khủng hoảng của đồng Peso Argentina và đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ". So với đồng USD, đồng Peso đã giảm giá hơn 45% từ đầu năm đến nay.

hieu ung domino tien te cua cac thi truong moi noi mat gia vi khung hoang argentina
Đồng Peso của Argentina đã mất giá 50% so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay. (Ảnh: CNN)

"Argentina đã nâng lãi suất lên mức kỷ lục 60% để đối phó với tình trạng lạm phát hai con số, nhưng mức lãi suất này sẽ khiến suy thoái kinh tế trở nên trầm trọng hơn. Cộng thêm thâm hụt ngân sách/tài khoản vãng lai chiếm khoảng 5% GDP, điều này dẫn đến nguy cơ vỡ nợ của chính phủ Argentina ngày càng lớn", báo cáo viết.

Chỉ số MSCI Emerging Markets Currency Index, một thước đo tỷ giá của đồng tiền các thị trường mới nổi, đã giảm 2,1% trong tháng 8, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên 5,1%.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ có thể dẫn đến những tổn thất tiếp theo cho các thị trường mới nổi tại châu Á. Những đồng tiền yếu nhất tại châu Á như đồng Rupee của Ấn Độ, Rupiah của Indonesia và Peso của Phillippines dự kiến sẽ chịu tổn thương nhiều nhất.

"Tại châu Á, một số đồng tiền đang phải đối mặt với sức nóng từ cuộc khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, dù không phải là quá lớn. Tuy nhiên, tình cảnh này thực sự đòi hỏi các ngân hàng trung ương Indonesia và Philippines phải tăng thêm lãi suất", chuyên gia kinh tế trưởng Robert Carnell thuộc ING nhận định.

Các nhà phân tích của DBS nhấn mạnh rằng "dù không miễn nhiễm hoàn toàn, các nền kinh tế mới nổi châu Á đã vững vàng hơn" trước cuộc khủng hoảng của Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ. So với đồng Peso của Argentina và Lira của Thổ Nhĩ Kỳ, mức giảm giá của các đồng Rupee, Rupiah và Peso Philippines từ đầu năm đến nay khiêm tốn hơn nhiều.

"Mặc dù vậy, châu Á không nên quá tự mãn", DBS khuyến nghị.

Theo DBS, 3 đồng tiền này "vốn đã phải vật lộn với việc Mỹ nâng lãi suất từ đầu năm nay do các nước này thâm hụt tài khóa và tài khoản vãng lai. Thậm chí, khi căng thẳng thương mại gia tăng có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng, khu vực châu Á đang đứng trước nguy cơ thoái vốn mạnh, dẫn tới bất ổn tài chính, nhất là tại các quốc gia có mức nợ nước ngoài cao".

Chiến lược gia Irene Cheung phụ trách khu vực châu Á của ngân hàng ANZ cho rằng giá dầu tăng cũng là một mối lo ngày càng lớn đối với châu Á, nhất là đối với các quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai. Đó sẽ là một yêu tố gây sức ép nặng nề lên đồng tiền của các quốc gia mới nổi.

Giá dầu tăng sẽ làm gia tăng giá trị nhập khẩu đối với những quốc gia nhập khẩu dầu, đồng thời dẫn tới thâm hụt tài khoản vãng lai lớn hơn.

Đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi ở châu Á, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ, cuộc chiến thuế quan cũng là một yếu tố gây áp lực giảm giá.

Tổng Hợp