“Suy nghĩ rằng chỉ những người giàu có mới cần lập kế hoạch tài chính và quản lý tài sản là một trong những sai lầm gây tổn hại nhất của nhiều người Mỹ”, Joe Vietri, Phó chủ tịch và trưởng chi nhánh bán lẻ của Tổng công ty Schwab, nhận định.

Theo chỉ số thịnh vượng hiện đại năm 2018 (Modern Wealth Index) do công ty Charles Schwab thực hiện, cứ 5 người Mỹ thì sẽ có 3 người sống dựa vào các khoản tiền lương cố định, nhưng lại chỉ có 1/4 số người có kế hoạch tài chính rõ ràng cho những khoản thu của mình. Nguyên nhân là bởi rất ít người nghĩ rằng họ cần đến một kế hoạch chi tiêu cho khoản lương cơ bản của mình.

Chỉ số này là kết quả của việc theo dõi 1.000 người Mỹ trong độ tuổi 21-75 quản lý tài sản như thế nào qua bốn tiêu chí: thiết lập mục tiêu và lập kế hoạch tài chính; tiết kiệm và đầu tư; tuân thủ kế hoạch; tự tin đạt được mục tiêu tài chính. Sau đó, họ ghi điểm trên thang điểm từ 1 đến 100 dựa trên mức độ hoạt động của chúng trong các danh mục này trong cuộc sống hàng ngày của người tham gia.

Thói quen quản lý tài chính đơn giản giúp một người trở nên giàu có
Việc lập kế hoạch tài chính rõ ràng sẽ giúp một người đầu tư hiệu quả và nhanh giàu hơn.

Sau khi thực hiện khảo sát, Schwab nhận thấy những người có một kế hoạch tài chính rõ ràng sẽ chi tiêu tốt hơn. Họ cũng thường tiết kiệm hơn, đầu tư nhiều hơn, quản lý nợ hiệu quả và có khả năng trở nên giàu có nhanh hơn.

Terri Kallsen, Phó chủ tịch điều hành kiêm giám đốc của Schwab Investor Services, cho biết: “Khi chúng tôi xem xét những người thuộc top đầu của khảo sát, không ngạc nhiên khi họ là những người có kế hoạch chi tiêu rõ ràng và cẩn thận nhất. Để đạt được mục tiêu thì việc lập kế hoạch rất quan trọng. Nó giống như bạn muốn giảm cân thì phải tập thể dục vậy. Kế hoạch tài chính giúp cho túi tiền của bạn luôn khỏe mạnh và dễ dàng kiểm soát”.

Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng cho thấy thế hệ Millennials (hay còn gọi là thế hệ Y, là những người sinh từ khoảng 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) có kế hoạch quản lý tài chính tốt hơn những người thuộc thế hệ X (1961-1980) hay thế hệ Baby-boomer (1946-1960).

Đây là lý do vì sao có tới 64% người thuộc thế hệ Y tin rằng họ sẽ trở nên giàu có. Trong khi đó, với những người không có kế hoạch chi tiêu, 45% nghĩ rằng họ không có tiền đủ để xứng đáng làm một kế hoạch, 20% nói rằng họ không bao giờ nghĩ đến việc lập kế hoạch còn 20% khác thì thú nhận không biết cách lập một kế hoạch tài chính như thế nào là đúng.

“Khi nói đến kế hoạch tài chính, nhiều người nghĩ ngay đến các con số khổng lồ với những cuộc họp dài trong các căn phòng ngột ngạt. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Bên cạnh các dịch vụ quản lý tài chính thì hiện nay việc tự mình kiểm soát nguồn thu nguồn chi của bản thân mỗi người đã dễ dàng hơn rất nhiều rồi”, ông Vietri chia sẻ.

Cụ thể, bạn có thể sử dụng các tùy chọn kỹ thuật số giúp người dùng dễ dàng tương tác với tài chính của họ trong thời gian thực. Ngoài ra, các ứng dụng dành cho thiết bị di động có thể giúp bạn theo dõi và lập ngân sách cho số tiền của mình.

Bên cạnh đó, chuyên gia tài chính Suze Orman cũng khuyên bạn nên bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ trước khi bước đến những mục tiêu tài chính lớn hơn.

Đơn cử như bạn nên đánh giá lại các hoạt động chi tiêu của bản thân, cần đặt ra các câu hỏi như “Mua thứ này có thực sự cần thiết hay không?”, hay “Tuần này mình có cần kiếm thêm 10 hay 50 USD không?”…

“Mọi người thường nghĩ rằng tiền của họ quá ít nên không muốn mất công lập kế hoạch, tin rằng cái này cái kia ngoài tầm chi tiêu hay thấy việc lập một kế hoạch quá phức tạp. Kết quả là họ chỉ biết chờ đợi, trong khi thành công không bao giờ đến với những người lười”, ông Vietri cảnh báo.

Nguyễn Trang