Mới cách đây vài năm, đinh lăng cao sản được giá khiến người người nhà nhà ở Vĩnh Phúc trồng đinh lăng làm giàu. Bây giờ, đinh lăng rớt giá thảm hại, cho không ai lấy, người dân lại ngậm ngùi chặt bỏ để trồng cây khác.

Mảnh đồi rộng gần 2 ha của ông Trọng ở xã Phương Khoan, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) trước kia trồng bạt ngàn cây đinh lăng cao sản, nay được chia làm hai phần, một bên là những gốc cây đinh lăng già cỗi, một bên là rừng bạch đàn xanh tốt.

Sở dĩ có sự chuyển đổi này là do giống cây đinh lăng cao sản từng một thời giúp ông Trọng kiếm bộn tiền ngày nào nay bị rớt giá thê thảm, thậm chí cho không không ai lấy. Ông Trọng đành chặt bỏ một nửa diện tích đinh lăng để trồng bạch đàn, một nửa diện tích đinh lăng còn lại vẫn để “chờ thời”.

Chia sẻ trên Báo Vĩnh Phúc, ông Trọng cho biết, đầu năm 2014, thấy một số người dân địa phương trồng cây đinh lăng cao sản cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông cũng quyết định canh tác cây dược liệu này trên mảnh đất đồi rộng gần 2 ha.

'Thần dược' đinh lăng giảm sốc còn 2.000 đồng/kg, người dân lại chặt bỏ trồng cây khác
Ông Trọng phá bỏ vườn đinh lăng để trồng bạch đàn. (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)

Theo ông Trọng, thời điểm đinh lăng được giá nhất là vào năm 2015. Khi đó thương lái về địa phương thu mua với giá 40.000-45.000 đồng/kg thân cây, 20.000 đồng/kg củ. Với mức giá trên, gia đình ông Trọng thu lãi khoảng 150 triệu đồng/vụ đinh lăng.

Tuy nhiên, về sau, thương lái về địa phương mua đinh lăng ngày càng ít, giá đinh lăng vì thế ngày càng giảm. Cuối năm 2017, giá đinh lăng giảm còn 2.000 đồng/kg thân cây. Cho đến nay thì cho không ai lấy. Nhiều nhà chặt đinh lăng xong mà không biết vứt đâu.

Cũng từng ào ạt cải tạo vườn trồng đinh lăng cao sản, gia đình bà Lại ở xã Bạch Lựu (Vĩnh Phúc) đã phá bỏ không thương tiếc vườn cây ăn quả để trồng 2.600 gốc đinh lăng từ tháng 5/2016. Thậm chí, gia đình bà còn mạnh tay chi tiền xây dựng hệ thống giàn tưới nước khá hiện đại, theo Dân Việt.

Bà Lại nhẩm tính khi đinh lăng cho thu hoạch, chỉ cần bán với giá 20.000-25.000 đồng/kg lá, thân, rễ là bà đã có thu cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, gia đình bà Lại đã phải chịu “quả đắng” khi giá đinh lăng cao nhanh chóng sản rớt giá chóng mặt.

Chị Vui, một trong những hộ đầu tiên đưa cây đinh lăng cao sản vào trồng ở xã Bạch Lựu, chia sẻ khi còn ít người trồng, giá đinh lăng khá cao, lên đến 50.000-60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau này, khi người dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng đinh lăng cao sản thì giá cũng giảm sốc. Điều quan trọng nữa là, việc tiêu thụ của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái mà chưa xây dựng được mối liên kết tiêu thụ bền vững.

Chục năm về trước, người dân ở một số huyện của Vĩnh Phúc như Sông Lô, Lập Thạch cũng từng phải chịu “quả đắng” khi ồ ạt trồng cây thanh hao hoa vàng mà không tính tới tiêu thụ, dẫn đến cảnh rớt giá tương tự.

Dễ nhận thấy việc làm nông nghiệp tự phát, theo phong trào luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao khi người nông dân bị cuốn vào vòng xoáy của thị trường mà không có tầm nhìn xa, cân nhắc kỹ lưỡng.

Nguyễn Trang