Trong khi lượng sắt thép nhập về Việt Nam từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh thì lượng sắt thép nhập khẩu từ thị trường Nga tăng gấp hơn 1.200 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Sắt thép nhập khẩu về Việt Nam từ thị trường Nga tăng gấp 1.244 lần
Sắt thép nhập khẩu về Việt Nam từ thị trường Nga tăng gấp 1.244 lần

Theo Tổng cục Hải quan, sau khi tăng nhẹ trong tháng 1, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam có xu hướng giảm trong tháng 2.

Cụ thể, lượng sắt thép nhập khẩu giảm 5,7% đạt 1,1 triệu tấn, trị giá giảm 21,8%, tương đương 632,46 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2017, tình hình nhập khẩu sắt thép về Việt Nam giảm 27,6% về lượng và giảm 24% về kim ngạch. Giá sắt thép nhập khẩu trung bình trong tháng 2/2018 đạt 577,2 USD/tấn.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2018, lượng sắt thép nhập khẩu đạt 2,26 triệu tấn, trị giá 1,44 tỷ USD, giảm 17,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, giá nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt trung bình khoảng 637,9 USD/tấn, tăng trên 17% so với cùng kỳ.

Sắt thép nhập khẩu về Việt Nam từ thị trường Nga tăng gấp 1.244 lần

Dù giảm 52,9% về lượng và 32,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp sắt thép vào Việt Nam với 722.710 tấn, trị giá 533,02 triệu USD. Giá sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh 44%, đạt mức trung bình 737,5 USD/tấn.

Đứng thứ 2 là thị trường Nhật Bản với 509.442 tấn, trị giá 221,01 triệu USD, tăng 44% về lượng và tăng 7,2% về trị giá so với cùng kỳ. Giá sắt thép nhập khẩu từ thị trường này sụt giảm 25,6% so với cùng kỳ, đạt mức trung bình 433,8 USD/tấn.

Sắt thép nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc 2 tháng đầu năm nay chỉ tăng nhẹ 0,8% về lượng nhưng trị giá lại tăng mạnh 20,6% so với cùng kỳ, đạt 311.281 tấn, trị giá 246,24 triệu USD.

Đáng chú ý nhất là lượng sắt thép nhập khẩu từ thị trường Nga tăng rất mạnh gấp 1.244 lần so với cùng kỳ, đạt 128.153 tấn và trị giá cũng tăng gấp 279 lần, đạt 71,03 triệu USD.

Nhập khẩu từ thị trường Đan Mạch tăng gấp 47 lần về lượng và tăng gấp 7 lần về kim ngạch, đạt 520 tấn, trị giá 0,3 triệu USD. Nhập khẩu sắt thép từ Brazil, Australia, Philippines, Pháp, Áo cũng tăng rất mạnh từ 180–220% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Ngược lại, nhập khẩu sụt giảm mạnh từ 50–76% về kim ngạch ở các thị trường như Hà Lan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Mexico.

NguyễnThu