Lắp cả cục nóng và cục lạnh chung trong một phòng hay khoan tường lắp 1 điều hòa cho 2 phòng để tiết kiệm là những sai lầm nghiêm trọng khi lắp đặt khiến điều hòa chạy vài ngày đã hỏng hoặc tiền điện tăng phi mã.

Điều hòa vốn là thiết bị không thể thiếu với nhiều gia đình trong điều kiện mùa hè thời tiết nóng nực. Tuy nhiên, việc lắp đặt điều hòa như thế nào để máy vừa chạy bền vừa tiết kiệm điện lại khiến nhiều người băn khoăn.

Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh về cách lắp đặt điều hòa “khó đỡ” khiến chủ nhà “cạn ví” vì tiện điện tăng bất thường.

Lắp cả cục nóng lẫn cục lạnh chung một phòng

Chuyện này nghe có vẻ kỳ lạ nhưng hình ảnh cả cục nóng và cục lạnh máy điều hòa được lắp chung trong phòng cùng câu hỏi “sao bật điều hòa rồi mà phòng vẫn không thấy mát” đang thu hút sự chú ý của nhiều cư dân mạng.

Nhiều ý kiến bình luận, chính cách lắp để cả cục nóng, cục lạnh trong một phòng là nguyên nhân khiến điều hòa chạy cả ngày phòng vẫn nóng hầm hập.

Sai lầm khi lắp đặt khiến điều hòa chạy vài ngày hỏng, tiền điện tăng vùn vụt
Lắp cục nóng và cục lạnh của điều hòa trong cùng phòng chẳng khác nào “giết” máy (ảnh: Facebook)

Theo tư vấn của các trung tâm điện máy, điều hòa không khí có 2 bộ phận được gọi là cục nóng và cục lạnh. Bên trong cục lạnh chứa một hệ thống ống tuần hoàn với cục nóng để làm bay hơi một loại chất lỏng gọi là gas lạnh. Tức là, trong quá trình hoạt động, cục lạnh sẽ thổi ra khí lạnh làm mát phòng, còn cục nóng thổi khí nóng được hút từ trong phòng ra bên ngoài.

Điều đó đồng nghĩa với cục nóng của điều hòa phải lắp ở ngoài phòng để làm nhiệm vụ đẩy khí nóng ra ngoài, còn cục lạnh phải lắp ở trong phòng để thổi ra khí mát làm mát phòng.

Sai lầm khi lắp đặt khiến điều hòa chạy vài ngày hỏng, tiền điện tăng vùn vụt
Cách lắp đặt kiểu này có thể do chủ nhà tự lắp đặt mà quên chưa đọc hướng dẫn (ảnh: Facebook).

Việc lắp chung cả cục nóng và cục lạnh trong một phòng rất dễ xảy ra hiện tượng là ban đầu khi bật là chỗ nào cục lạnh thổi ra thì mát, chỗ nào cục nóng thổi ra thì nóng. Tuy nhiên, chỉ một lúc sau căn phòng sẽ trở nên nóng hầm hập vì hơi lạnh từ cục lạnh thổi ra không đủ để trung hòa luồng khí nóng từ cục nóng.

Khi đó, điều hòa phải “gồng mình” hoạt động hết công suất. Hậu quả, tiền điện sẽ tăng vùn vụt, đồng thời chiếc máy cũng sẽ hỏng ngay sau vài ngày sử dụng do phải làm việc quá sức.

Việc lắp đặt cả cục nóng và cục lạnh trong cùng một phòng như những bức ảnh trên được cư dân mạng cho là có lẽ chủ nhân của chiếc điều hòa này đã tự tay lắp điều và dường như thiếu hiểu biết về nguyên lý hoạt động cũng như không đọc kỹ sách hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Khoan tường, lắp 1 điều hòa cho cả 2 phòng

Nhiều hộ gia đình vẫn nghĩ vì tiết kiệm điện nên chỉ lắp một máy điều hòa cho hai căn phòng sát bên nhau. Tuy nhiên, thực tế điều này lại khiến chủ nhà bị ngốn nhiều tiền hơn.

Sai lầm khi lắp đặt khiến điều hòa chạy vài ngày hỏng, tiền điện tăng vùn vụt
Thiết kế điều hòa thông thường không dành cho hai căn phòng (ảnh: Internet).

Theo một thợ lắp điều hòa lâu năm ở Hà Nội, nguyên tắc khi lắp điều hòa là cần lắp ở giữa phòng để khí lạnh thổi đều ra cả phòng, nhờ đó, căn phòng sẽ được làm mát một cách nhanh nhất.

Nếu dùng 1 điều hòa chung cho 2 phòng thì quá trình làm mát sẽ chậm hơn, tiêu tốn nhiều tiền điện hơn. Nguyên nhân là khi lắp điều hòa chia đôi 2 phòng, phần gió từ cánh quạt sẽ bị cản khá nhiều bởi bức tường ngăn cách, dẫn đến lãng phí luồng gió lạnh.

Sai lầm khi lắp đặt khiến điều hòa chạy vài ngày hỏng, tiền điện tăng vùn vụt
Lắp 1 điều hòa chung cho cả 2 phòng chỉ khiến bạn tốn tiền điện hơn (ảnh: Internet).

Ngoài ra, khi lắp chung 1 điều hòa cho 2 phòng đồng nghĩa với việc, dù muốn hay không thì mỗi lần bật điều hòa, chiếc máy sẽ phải làm việc hết công suất để làm mát cả 2 phòng.

Kết quả, trái với ý muốn tiết kiệm chi phí mua sắm, tiền điện ban đầu, chủ nhà thậm chí còn phải trả nhiều tiền điện và tiền sửa chữa máy hơn.

Nguyễn Trang