Tỷ lệ nhiễm virus đốm héo cao khiến rau xà lách cô rôn ở Đà Lạt những ngày qua trở nên “khan hàng”, giá tăng mạnh từ 5.000-7.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg.

Thông thường những tháng sau Tết Nguyên đán, giá nhiều loại rau ở Đà Lạt, trong đó có xà lách cô rôn rất rẻ. Song từ hơn nửa tháng nay, giá loại rau này đột nhiên đảo chiều tăng từng ngày, từ mức 5.000-7.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg.

Giá rau tăng đột biến cao gấp 6-8 lần khiến nhiều nhà vườn tranh thủ xuống giống vì có thời gian canh tác nhanh. Tuy nhiên, khi xuống giống được trên một tuần thì cây rau bắt đầu có triệu chứng vàng lá, héo rũ và có nhiều đốm đen, sau đó chết dần.

Rau xà lách Đà Lạt tăng giá đột biến, cao gấp 8 lần
Giá rau xà lách cô rôn ở Đà Lạt tăng lên 40.000 đồng/kg do nguồn cung khan hiếm. (Ảnh: Vnexpress)

Chia sẻ trên Vnexpress, ông Lâm, chủ vườn rau ở Đà Lạt, cho biết cách đây 25 ngày gia đình ông xuống giống 30.000 cây cô rôn và được mua nguyên đám ngay sau khi trồng với giá 1.000 đồng/gốc. Chủ vườn chỉ bỏ công tưới còn chi phí bón phân và chăm sóc khác do người mua tự bỏ ra.

Sau khi trồng được hơn một tuần, nhiều đám rau có biểu hiện vàng lá, héo rũ nên phải mua thêm gần 1/3 số cây giống mới để thay thế, nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Ông Lâm lo lắng với tình hình này chắc chắn thương lái sẽ đòi lại tiền đã bỏ ra đầu tư.

Cũng gặp phải tình trạng tương tự, ngày 18/4, bà Hằng cho biết phải hủy bỏ 2.000 mét vuông rau xà lách sắp cho thu hoạch ở khu Đất Mới (phường 7, Đà Lạt) để trồng củ dền.

“Vườn xà lách này thương lái đã đặt mua 20 triệu đồng với điều kiện chúng tôi phải chăm sóc cho đến lúc thu hoạch. Nay bỗng dưng virus lan nhanh hủy hoại cả vườn nên họ đòi tiền lại. Gia đình tôi chưa biết xoay xở ra sao?”, Tiền phong dẫn lời bà Hằng than thở.

Rau xà lách Đà Lạt tăng giá đột biến, cao gấp 8 lần
Vườn rau xà lách cô rôn chết hàng loạt ở Đà Lạt. (Ảnh: Tiền phong)

Cùng chung cảnh ngộ, anh Lâm ở đường Thánh Mẫu (phường 7) trồng 13.000 cây xà lách cô rôn. Sau khi trồng 1 tháng sau, thấy rau xanh tốt, tiểu thương đặt cọc mua với giá 12 triệu đồng.

Mới đây, virus “quét” qua vườn khiến rau héo rũ chết dần. Biết không thể cứu vãn được, anh Lâm phải hoàn tiền lại cho tiểu thương, đồng thời nhổ bỏ toàn bộ xà lách để trồng bắp cải.

Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, hiện tượng rau bị héo rũ đã xảy ra 2 năm nay. Nguyên nhân do virus đốm héo cà chua gây nên, lây lan chủ yếu qua môi giới bọ trĩ chích hút. Nhiều loại rau ăn lá khác như xà lách, lô lô… hiện cũng bị nhiễm bệnh, trong đó tỷ lệ nhiễm bệnh của rau cô rôn lên tới 70%.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, virus gây hại trên rau cô rôn mà nhiều nhà vườn tại Đà Lạt đang đối mặt phát triển mạnh vào các tháng 4 và 5. Hiện chưa có thuốc đặc trị nên nhà vườn cần canh phòng bọ trĩ và sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế.

Nguyễn Trang