Phiên đấu giá cổ phần Nhựa Bình Minh diễn ra chiều 9/3 có đúng 2 nhà đầu tư tham gia, 1 tổ chức mua gần trọn lô và 1 cá nhân chỉ mua vào 20.000 cổ phiếu. Đây cũng là kịch bản mà người Thái đã mua cổ phiếu Sabeco diễn ra cách đây không lâu.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) chiều 9/3 đã tổ chức chào bán 24,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 29,51% vốn điều lệ, tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), với giá tham chiếu là 96.500 đồng/cổ phiếu. Phiên đấu giá diễn ra tại Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE).

Tham gia phiên đấu giá có The Nawaplastic Industries – công ty thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan), và một cá nhân. The Nawaplastic Industries đã đặt mua trọn lô, với đúng mức giá tham chiếu nhưng nhường bớt 20.000 cổ phiếu BMP cho một cá nhân đặt mua cùng với giá 96.500 đồng.

Sau khi chào bán thành công nhựa Bình Minh, SCIC đã thu về tổng số tiền hơn 2.330 tỷ đồng.

Kịch bản thâu tóm “ông lớn” ngành nhựa Việt của đại gia Thái rất giống kịch bản mà người Thái đã mua cổ phiếu Sabeco, cũng một tổ chức và một cá nhân tham gia đấu giá.

Người Thái sử dụng cách này vì luôn phải có ít nhất 2 đơn vị tham gia đấu giá thì phiên đấu giá mới có hiệu lực. Tuy nhiên, với Sabeco, nhà đầu tư cá nhân sau đó từ chối mua và chấp nhận mất tiền cọc.

Trước đó, Nawaplastic đã sở hữu 20,4% vốn điều lệ Nhựa Bình Minh. Sau khi đấu giá thành công, tỷ lệ sở hữu của Nawaplastic tại BMP là 49,92%.

Chốt phiên giao dịch ngày 9/3, cổ phiếu của BMP đứng ở mức 82. 700 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 13.800 đồng/cổ phiếu so với giá bán của SCIC.

Như vậy, với việc mua hơn 24 triệu cổ phiếu với giá 96.500 đồng/cổ phiếu, ước tính Nawaplastic đang tạm lỗ hơn 300 tỷ đồng sau thương vụ này.

Tuy nhiên, theo Vietnam Finance, việc thâu tóm Nhựa Bình Minh đã nằm trong chiến lược dài hạn của Nawaplastic. Bằng chứng là từ năm 2013, ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch Tập đoàn SCG – công ty mẹ của Nawaplastic, đã tuyên bố rằng ngân sách chi cho M&A đến 2020 tại Việt Nam của SCG lên đến 5-6 tỷ USD.

Nguyễn Trang