Việt Nam và một số nước thuộc Đông Nam Á đang là thị trường mới để các doanh nghiệp Trung Quốc cân nhắc chuyển nhà máy tới trong bối cảnh nước này đang xung đột thương mại với Mỹ.
 

Trả lời phỏng vấn kênh CNBC ngày 21/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc lại lời đe doạ rằng Mỹ sẵn sàng cho việc áp thuế 500 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc nếu hai nước không thể đàm phán và giảm mức thâm hụt thương mại lớn của Mỹ hiện nay.

Trước đó, Mỹ đã đánh thuế trị giá 34 tỷ USD vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 6/7.

Trước những diễn biến căng thẳng khi gặp nhiều rào cản từ thị trường Mỹ và chi phí nhân công tại Trung Quốc tăng cao, Đông Nam Á đang là điểm đến được hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc cân nhắc lựa chọn làm nơi chuyển nhà máy tới.

“Chúng tôi không nghĩ cuộc chiến thương mại này là cuộc khủng hoảng ngắn hạn. Do vậy chúng tôi đã phân tích các quốc gia thuộc châu Á để tìm ra bước đi tốt cho chính mình và để tránh bị ảnh hưởng bởi rủi ro từ Trung Quốc”, Joe Chau, quản lý một xưởng may đồ trẻ em tại Quảng Đông, cho biết.

Dù hàng may mặc, và nhiều sản phẩm tiêu dùng khác như đồ chơi vẫn chưa bị ảnh hưởng, ông Chau cho biết các hãng bán lẻ Mỹ và nhà cung ứng tại Trung Quốc vẫn cần cùng nhau lên kế hoạch trước đợt mua sắm lớn vào mùa thu, vì “không ai có thể đoán trước ông Trump sẽ làm gì”.

Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hồng Kông, ông Jimmy Kwok, cho biết với các mặt hàng như đồ điện tử, các công ty đã bắt đầu di chuyển nơi sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Căng thẳng thương mại cũng đang khiến các doanh nghiệp xem xét lại chuỗi cung ứng.

Tuy vậy, các lãnh đạo cũng cho biết việc chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ tốn vài năm. Trong trường hợp căng thẳng Mỹ – Trung đã được giải quyết trước khi quá trình vận chuyển hoàn tất, hoặc ông Trump mở rộng thuế với các quốc gia khác như Việt Nam để ngăn Trung Quốc né thuế, người bị hại nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp Trung Quốc.

Ông Chiu Chi-hong, chủ của một nhà máy đồ chơi tại Quảng Đông, chuyên cung cấp sản phẩm cho Disney và Mattel, cho biết dù đồ chơi chưa bị áp thuế, hàng xuất khẩu của công ty cũng đã bị hải quan Mỹ “kiểm tra cực kỳ gắt gao” từ đầu năm nay.

Ông Chi-hong cùng 30 nhà sản xuất khác nữa sẽ tới Myanmar vào tháng 9 này để đánh giá tiềm năng chuyển nhà máy sản xuất sang đây, nhằm tránh các rào cản thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Dù vậy, ông lo ngại chính sách có thể lại thay đổi.

“Ông Trump và ông Tập có thể lại làm hòa. Chúng tôi chỉ là công ty nhỏ, không thể điều hành hai nhà máy tại hai nơi cùng một lúc được”, ông cho biết.

Giám đốc một hãng điện tử Nhật Bản có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, ông Angelo Cheung, cho biết một số đơn hàng từ Mỹ đã bị hoãn lại vì bất ổn.

“Chúng tôi đang ở giữa ngã tư đường”, ông nói.

Công ty của Cheung đang cân nhắc nhiều lựa chọn, trong đó có chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Việt Nam, nhưng “tất cả chỉ là giải pháp trong trung và dài hạn”.

Jon Cowley tại hãng luật Baker & McKenzie cho rằng việc mở các nhà máy tại địa điểm mới sẽ “rất đắt đỏ và phức tạp”, vì để được phép xuất khẩu hàng sang Mỹ, các nhà sản xuất phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn về môi trường, lao động và chất lượng. Hơn nữa cơ sở sản xuất tại quốc gia mới cũng sẽ mất một thời gian để theo kịp.

Cowley nhận định các chủ nhà máy sẽ không vội vã chuyển sản xuất. Tuy nhiên, nếu họ đã cân nhắc đa dạng hóa sản xuất vì muốn tận dụng chi phí thấp tại các nước như Việt Nam thì tình hình hiện tại đã đủ “thôi thúc họ thực hiện”.

Kiều Ngọc