Nhiều đơn vị ở tỉnh Kon Tum đầu tư tiền tỷ để nuôi cá tầm chất lượng cao với hy vọng tạo ra những sản phẩm cá tầm sạch, có thương hiệu. Thế nhưng, đến nay không ít đơn vị đã phải “dẹp tiệm” vì cạnh tranh không nổi với cá tầm siêu rẻ của Trung Quốc đang tràn vào. 

Đìu hiu hồ nuôi cá tầm

Theo Thanh niên, cách đây khoảng 4 năm, hồ nuôi cá tầm của ông Trần Nhi Kha ở xã Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) có thời điểm nuôi 7.000-10.000 con/năm, xuất bán mỗi năm chừng 10-15 tấn cá tầm thương phẩm nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.

Vào thời hoàng kim, cá tầm bán ra thị trường với giá 450.000-600.000 đồng/kg, ông Kha còn tính toán xây dựng thác nước đẹp ở gần cơ sở và hồ nuôi cá thành điểm tham quan du lịch. Bên cạnh đó, ông còn nhập 20.000 trứng cá tầm về ấp để nuôi và bán.

Thế nhưng, giờ đây, hồ nuôi cá tầm của ông Kha đìu hiu không một bóng người. Bên ngoài cỏ mọc hoang dại, bên trong thì nước ở đập ngăn từ suối nước lạnh chảy lênh láng trên đường vào hồ nuôi cá. Nhà ấp trứng cá tầm cũng lạnh tanh.

Ngoài ra, theo An ninh thủ đô, tại điểm nuôi cá tầm của Hợp tác xã (HTX) Cá tầm Măng Cành vốn được bao bọc xung quanh là rừng rậm và những dòng suối mát, đến nay con đường bê tông dẫn vào hồ nuôi đã bị sạt lở.

Bên trong các hồ xi măng để nuôi cá, nước đọng ở đáy nhưng không có con cá nào. Hồ chứa có biểu hiện bám rêu, xuống cấp. Khu nhà ở trông coi cũng hư hỏng, bỏ hoang đã lâu.

Tương tự, tại HTX nuôi cá tầm, cá hồi ở xã Đắk Long (huyện Kon Plông), sau thời gian đầu tư rầm rộ để nuôi cá tầm, nay hệ thống hồ nuôi cá cũng đang bị bỏ hoang.

Theo ngành chức năng huyện Kon Plông, trong số 4 HTX và 2 doanh nghiệp từng nuôi cá tầm trên địa bàn, hiện chỉ còn 1 doanh nghiệp đang tiếp tục nuôi cá tầm với số lượng ít để bán lẻ.

Cá tầm siêu rẻ Trung Quốc “bóp chết” cá tầm xứ lạnh ở Kon Tum

Theo 2 chủ nhiệm HTX cá tầm Măng Cành và Đắk Long, nguyên nhân khiến từ năm 2014 việc nuôi cá tầm của những đơn vị này phải dừng lại bởi sự xuất hiện của cá tầm siêu rẻ từ Trung Quốc ồ ạt nhập về.

Chủ nhiệm HTX Cá tầm Đắk Long Đào Thị Hương, cho biết thực tế trong 2 năm đầu nuôi cá tầm, HTX có lãi lớn. Tuy nhiên, từ năm 2014, cá tầm Trung Quốc xuất hiện bán với giá rất thấp chỉ khoảng 80.000 đồng/kg, trong khi HTX bán với giá gấp 3, gấp 4 lần. Do bị cá tầm Trung Quốc phá giá, một số trại nuôi không cạnh tranh nổi, buộc phải bỏ nghề.

Người nuôi cá tầm ở Kon Tum lao đao vì cá tầm giá rẻ Trung Quốc
Người nuôi cá tầm ở Kon Tum khốn đốn vì cá tầm giá rẻ từ Trung Quốc. (Ảnh: Công an Tp.HCM)

Theo bà Hương, bản thân bà cũng không thể lý giải nổi vì sao cá tầm Trung Quốc lại có giá rẻ đến vậy. Tuy nhiên, bà đã mang 2 loại cá ra so sánh và nhận thấy cá tầm Kon Plông ăn thịt thơm, dai, ngon hơn nhiều so với cá tầm Trung Quốc.

Ngoài ra, bà Hương cho biết thêm do cá tầm còn khá mới ở Việt Nam, người tiêu dùng ít có sự so sánh về chất lượng giữa cá tầm nội và cá Trung Quốc nên chọn cá giá rẻ. Ngoài ra, một số nơi “treo đầu dê bán thịt chó”, mua cá tầm Trung Quốc nhưng giới thiệu cá tầm Kon Plông để đánh lừa người tiêu dùng.

Cá tầm giá rẻ Trung Quốc đã và đang giết chết thương hiệu cá tầm của người dân Kon Tum, vốn được ví là “cá nghìn đô”. Nếu không được kịp thời bảo vệ thì không bao lâu cá tầm xứ lạnh ở Kon Tum sẽ chịu chung bài học thất bại thảm hại trên sân nhà.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Tấn Hiển, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kon Plông, cho biết, điều kiện tự nhiên trên địa bàn rất thích hợp với nuôi cá tầm. Định hướng phát triển của huyện trong thời gian tới là tiếp tục tìm cách duy trì, ổn định phát triển cá tầm. Trong thời gian tới, ngành chức năng cũng sẽ đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, phát triển; kêu gọi thu hút đầu tư các doanh nghiệp về nuôi cá tầm.

Nguyễn Trang

Từ Khóa: