Theo công bố của Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2018, tăng 0,3 %so với dự báo hồi tháng 4.

Ngày 4/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, trong đó nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tốt nhờ kinh tế toàn cầu khôi phục bền vững và những cải cách trong nước đang được thực hiện. Tăng trưởng cao dẫn đến tạo việc làm, tăng thu nhập, đem lại những thành quả chung về phúc lợi và giảm nghèo.

Theo báo cáo của WB, tăng trưởng GDP Việt Nam dự báo sẽ đạt khoảng 6,8% trong năm 2018. Dự báo trên đã được WB điều chỉnh tăng từ mức 6,5% đưa ra vào tháng 4.

Lý giải cho sự điều chỉnh này, các chuyên gia kinh tế của WB cho rằng tăng trưởng 3 quý vừa qua của Việt Nam rất tích cực, xuất khẩu được đẩy mạnh và những nền tảng duy trì tăng trưởng cao đang phát huy hiệu quả.

Cụ thể, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy GDP của Việt Nam trong 9 tháng năm 2018 ước tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III/2018 – khoảng thời gian bùng nổ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 64,73 tỷ USD, tăng 13,9%.

Theo ông Sudhir Shetty – nhà kinh tế trưởng của WB phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Việt Nam là một trong số ít quốc gia được nâng triển vọng năm 2018. Bất chấp căng thẳng thương mại trên thế giới leo thang, xuất khẩu của Việt Nam thời gian gần đây vẫn tăng mạnh. Đây là nền tảng tốt cho hoạt động kinh tế mạnh lên trong năm nay.

So với dự báo tăng trưởng ở mức 6,3% của cả khu vực Đông Á – Thái Bình Dương năm nay thì kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tích cực, cao hơn so với mức trung bình. Dù vậy, sang năm 2019 và 2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ chững lại. Tốc độ này, theo WB, sẽ lần lượt là 6,6% và 6,5%.

Tại phiên họp thường kỳ cuối tháng 8, Chính phủ dự báo GDP năm 2018 có thể đạt trên 6,7%, cao hơn mục tiêu đặt ra. Lạm phát cũng sẽ dưới 4%.

Trong khi đó, WB dự báo lạm phát của Việt Nam tăng tốc lên 4% năm nay và giữ nguyên trong 2 năm tới. Nợ công sẽ giảm về mức 58,3% GDP trong năm 2018 (thấp hơn dự báo 61,4% GDP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và tiếp tục giảm dần sau đó.

WB cho rằng trong môi trường kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện tại, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến ổn định môi trường vĩ mô, theo dõi chặt nợ công và tiếp tục duy trì mở cửa với thương mại, đầu tư để đảm bảo sự thành công của nền kinh tế.

Vỹ An