Nền kinh tế Zimbabwe đang tiến tới bờ vực sụp đổ khi các doanh nghiệp nhà nước phá sản, giá cả tăng nhanh và khan hiếm tiền mặt.

Tình hình bất ổn đáng báo động đang diễn ra ở Zimbabwe khi đồng nội tệ mất giá trị, giá cả tăng cao, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều đóng cửa, người dân thấp thỏm không yên vì không biết khoản tiết kiệm của họ liệu có bị xóa sổ một lần nữa không.

“Chúng tôi đang đang rất khốn khổ. Lạm phát quá cao. Giá cả thay đổi mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày”, một thương nhân bán buôn chia sẻ với hãng tin BBC.

nen kinh te zimbabwe dung ben bo vuc sup do
Hình ảnh tại một siêu thị ở Zimbabwe. (Ảnh: CNN)

Thương hiệu đồ ăn nhanh KFC đã cho đóng cửa các cửa hàng tại quốc gia này với lý do “tình trạng quá khó khăn”, trong khi các siêu thị chỉ bán một số mặt hàng và nhiều công ty khai thác mỏ và các hãng xuất khẩu đều phàn nàn về việc khó tiếp tận với dòng ngoại tệ.

“Tôi rất lo lắng. Nó sẽ giống như cuộc khủng hoảng 2008, hoặc thâm chí có thể tồi tệ hơn”, Y tá Grace Chitambara chia sẻ.

Mối lo ngại của người dân tăng lên sau khi chính phủ Zimbabwe bất ngờ thông báo gói thuế mới 2% vào việc chuyển tiền. Hoạt động nhập khẩu nhiên liệu bị dừng đột ngột, nhiều doanh nghiệp đã ngừng chấp nhận trái phiếu địa phương.

Năm 2008, Zimbabwe buộc phải bỏ đồng nội tệ và dùng đồng USD làm công cụ thanh toán chính. Việc USD hóa bắt buộc đã ổn định nền kinh tế và bước đầu giúp thu nhập tăng trở lại 40%. Khi không có đồng nội tệ, cung tiền hoàn toàn phụ thuộc vào dòng USD chảy vào trong nước, khiến chính quyền mất quyền kiểm soát với chính sách tiền tệ.

Trong một nỗ lực tuyệt vọng để cải thiện thanh khoản, chính phủ phát hành tiền trái phiếu vào năm 2016. Về lý thuyết, tiền trái phiếu có giá trị tương đương với ngoại tệ mạnh nhưng lại nhanh chóng mất giá. Cung tiền tăng 36% trong năm đó và tiền trái phiếu giảm 80% trên thị trường phi chính thức.

Đã gần 1 năm trôi qua kể từ khi cực Tổng thống Robert Mugabe bị lật đổ, chính phủ đương nhiệm của Zimbabwe vẫn không thể thoát khỏi lỗ hổng kinh tế sau nhiều năm chi tiêu liều lĩnh, tham nhũng triền miên, các chính sách kinh tế không chắc chắn và xuất khẩu trì trệ.

Tuy gần đây Bộ trưởng Tài chính mới của Zimbabwe đã giành về một gói cứu trợ mới cho nước này nhằm ổn định tình hình, nhưng nhiều người dân đã không còn lòng tin vào các bước đi của chính phủ.

“Không ai tin vào chính phủ nữa. Họ có thể tổ chức bầu cử nhưng lại không thể dàn xếp một nền kinh tế, thậm chí họ cũng không thể xây dựng được những cái tối thiểu nhất như siêu thị hay trạm xăng”, một cựu quan chức Zimbabwe cho biết.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)