Phần lớn sầu riêng của tỉnh Tiền Giang được xuất bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Tiền Giang là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng trung bình đạt 230.000 tấn/năm và cho thu nhập bình quân 1,2 tỷ đồng/ha/năm, cao nhất trong ngành hàng trái cây và cao gấp hơn 14 lần so với lúa.

Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sầu riêng Tiền Giang hiện nay phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thương lái nhỏ thu mua bán cho Trung Quốc, nên giá bán không ổn định. Lúc khan hiếm hàng thì giá tăng lên rất cao, lúc dội chợ giá rớt xuống rất thấp, khiến các nhà vườn không yên tâm trong sản xuất.

Tại buổi Hội thảo khoa học sản xuất và tiêu thụ ngành hàng sầu riêng do Sở NN&PTNT Tiền Giang tổ chức mới đây, các thống kê cho thấy có đến 70% sản lượng sầu riêng của tỉnh này được xuất tươi, theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Chia sẻ trên Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Tiền Giang, cho biết trong giai đoạn từ 2007-2017, diện tích sầu riêng của tỉnh tăng từ hơn 4.000 ha lên gần 9.200 ha và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới.

Về sản lượng, riêng năm 2017, toàn tỉnh Tiền Giang đã đạt 204.120 tấn sầu riêng, tương đương gần 25 tấn/ha.

Đáng chú ý, thị trường tiêu thụ của sầu riêng Tiền Giang phụ thuộc chủ yếu vào thương lái Trung Quốc mua tại vườn, không có hợp đồng mua bán cụ thể.

Theo PGS. Tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, ngoài 70% sầu riêng Tiền Giang xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, tỷ lệ tiêu thụ nội địa chỉ đạt 29%, còn 1% xuất sang các nước như Canada, Úc, Singapore và Hàn Quốc.

Các nhà khoa học cho rằng Tiền Giang không nên tăng diện tích trồng sầu riêng mà cần chuyên môn hóa các diện tích sẵn có bằng các biện pháp kỹ thuật để tăng hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh chế biến trái sầu riêng, thay vì chủ yếu là bán trái tươi sang Trung Quốc như hiện nay.

Vỹ An