Trong khi nhiều ngành như dệt may, logistic hay bất động sản sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định TPP, một số ngành khác trong đó có nông nghiệp, mía đường, dược phẩm sẽ gặp bất lợi từ hiệp định đa phương này.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được 11 quốc gia thành viên ký vào rạng sáng 9/3 (giờ Việt Nam), thay thế cho Hiệp định TPP sau khi Mỹ rút lui.

Dù không có Mỹ, nhưng đây vẫn được coi là hiệp định thương mại tự do lớn nhất của Việt Nam được ký gần đây khi quy mô hiệp định này chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu và 15% khối lượng thương mại thế giới.

Các nước thành viên ký hiệp định CPTPP tại Chile
Các nước thành viên ký hiệp định CPTPP tại Chile

Đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP đối với trường hợp của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng hiệp định này sẽ mang lại nhiều lợi ích khi tiếp tục làm đa dạng động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

Tác động vĩ mô

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam nhận định: “Ngay cả khi dựa trên những giả định khiêm tốn, Hiệp định CPTPP dự kiến cũng sẽ góp phần làm GDP Việt Nam tăng thêm 1,1% tính đến thời điểm 2030. Với thêm giả định tăng năng suất khiêm tốn, CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm 3,5%”.

Chuyên gia kinh tế Sebastian Eckardt của WB cho rằng hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường, và quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy quá trình cải cách trong nước, tăng cường minh bạch hóa và xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam.

CPTPP sẽ giúp Việt Nam thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài, kéo theo đó là sự tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và năng suất lao động cũng được nâng lên.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, và nhờ vậy sẽ khích lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Từ quan điểm của mình, ông Phạm Hồng Hải – Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng do Mỹ không có mặt trong CPTPP nên lợi ích của Việt Nam có thể ít đi so với TPP trước đó, ví dụ GDP của Việt Nam chỉ tăng thêm 1,32% thay vì 6,7%, còn xuất khẩu tăng thêm 4% thay vì 15%.

Tuy nhiên, HSBC cho rằng nhìn chung các ngành sử dụng nhiều lao động của Việt Nam vẫn được lợi.

“Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên hiệp định, nhất là các thị trường như Canada hay Mexico và trong bối cảnh một số nước đang thể hiện mong muốn tham gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, và Philippines, dự kiến nâng lợi ích các bên tham gia lên 3 lần, tương đương 500 tỷ USD một năm,” ông Hải nhận định.

Hãng tin Bloomberg cho biết nước Anh cũng đang cân nhắc tham gia hiệp định này nhằm bù đắp cho phần thương mại mất đi sau khi rời khỏi EU.

Tác động vi mô

Đánh giá về tác động vi mô, công ty chứng khoán Rồng Việt vừa đưa ra một báo cáo cho thấy nhiều lĩnh vực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệp định CPTPP.

Dệt may là một ngành được hưởng lợi lớn từ hiệp định này. Báo cáo cho biết trong số 11 nước tham gia CPTPP, riêng Nhật Bản đã nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam trị giá tới khoảng 4,1 tỷ USD, tương đương 8,8%. Dù vậy, xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia CPTPP chỉ chiếm 13% tổng giá trị sản phẩm dệt may được xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với mức gần 38% của riêng thị trường Mỹ.

Ngành thủy sản cũng là một ngành khả quan khi các nước CPTPP nhập khẩu gần 2 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, tương đương 23% tổng kim ngạch. Riêng thị trường Nhật chiếm trên 15%. Với thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Logistic cũng là ngành được đánh giá tích cực. Theo dự báo, hàng hóa thông qua các cảng biển của Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 8-9% và nhu cầu có thể vượt cung vào năm 2018 tại các cảng ở khu vực phía bắc.

Bất động sản cũng được dự đoán sẽ nhận cú hích lớn từ làn sóng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, với nhu cầu lớn như khu công nghiệp làm cứ địa sản xuất, căn hộ cao cấp, biệt thự, nhà phố hiện đại để lưu trú, resort, sân golf để thư giãn, cũng như văn phòng cho thuê.

Ở chiều ngược lại, một số lĩnh vực có thể chịu áp lực cạnh tranh mạnh hơn khi Việt Nam vào CPTPP.

Ngành nông nghiệp, sữa, mía đường và thức ăn chăn nuôi được Rồng Việt nhận định sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn khi nguồn cung từ Australia và New Zealand sẽ tham gia thị trường Việt Nam. Các sản phẩm thịt nhập ngoại tràn lan trên thị trường có chất lượng tốt hơn hẳn cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khó khăn.

Dược phẩm là ngành sẽ gặp cạnh tranh mạnh hơn khi thuế nhập khẩu giảm và thời gian bảo hộ đối với thuốc bản quyền dài. Tính tới cuối năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 2,8 tỷ USD sản phẩm dược và khả năng sẽ tiếp tục gia tăng khi CPTPP được ký kết. Trong 11 nước tham gia, Nhật Bản, Canada, Mexico là những quốc gia thuộc Top 20 nước sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới.

Với lĩnh vực tài chính, các định chế tài chính từ Nhật Bản, Canada và Australia giờ đã có thể bán các sản phẩm dịch vụ tài chính sang Việt Nam mà không cần phải thiết lập chi nhánh hoạt động sau khi ký CPTPP. Điều này có thể tạo nên áp lực mới cho các ngân hàng trong nước.

Minh Tuệ tổng hợp