Các biện pháp ngăn chặn sốt đất tại Phú Quốc được đưa ra cùng lúc đã khiến thị trường bất động sản tại đặc khu tương lai này dần “hạ nhiệt”. Lượng người mua giảm, “cò đất” cũng vắng bóng hẳn những ngày qua, nhiều văn phòng môi giới bất động sản đã bắt đầu tháo chạy khỏi “đảo ngọc” do giao dịch ế ẩm.

Theo Người lao động, tại một số tuyến đường lớn ở Phú Quốc như Nguyễn Trung Trực, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, 30/4, Cách Mạng Tháng Tám… nhiều văn phòng môi giới bất động sản hình thành trong đợt sốt đất vừa qua đã âm thầm tháo dỡ bảng hiệu, rút khỏi Phú Quốc.

Hậu cơn sốt đất, nhiều văn phòng môi giới bất động sản 'tháo chạy' khỏi Phú Quốc
Một văn phòng môi giới bất động sản tháo bảng hiệu xuống. (Ảnh: Người lao động)

Anh T., một nhân viên tư vấn bất động sản, cho biết thị trường bất động sản tại Phú Quốc “sốt” liên tục trong những tháng đầu năm 2018 bởi nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nhiều nhà đầu tư bỏ ra hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để mua đất nông nghiệp với mục đích phân lô bán nền để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, sau khi có quyết định thanh tra và tạm dừng các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ ngày 15/5, thị trường bất động sản ở đây yên ả lạ thường.

Hậu cơn sốt đất, nhiều văn phòng môi giới bất động sản 'tháo chạy' khỏi Phú Quốc
Vắng bóng khách hàng là tình trạng chung của các văn phòng môi giới bất động sản tại Phú Quốc. (Ảnh: Người lao động)

Theo anh K., nhân viên tư vấn bất động sản của một văn phòng tại đường Cách Mạng Tháng Tám (thị trấn Dương Đông), kể từ ngày tỉnh và huyện ra quyết định tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, việc mua bán đất ở Phú Quốc trở nên khó khăn. Công ty anh phải trả văn phòng, rút về đất liền vì thị trường vắng lặng, trong khi giá thuê mặt bằng ở đây rất đắt, tiền lương của nhân viên quá cao.

Trong khi đó, các văn phòng môi giới còn trụ lại ở Phúc Quốc cũng rất vắng khách, có nơi còn đóng cửa do không có khách đến giao dịch.

Tại các dự án phân lô bán nền, không còn hình ảnh các nhân viên tư vấn ùa ra đường chào mời khách hàng đến hỏi mua một cách rôm rả. Nhiều nơi còn tháo cả bảng dự án khu dân cư.

Nhân viên của một phòng công chứng tại Phú Quốc cho biết sau khi có lệnh tạm ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phân lô, tách thửa, lượng khách đến giao dịch giảm đi rất nhiều. Lúc trước, phòng công chứng làm cả ngày thứ 7 nhưng vẫn không hết khách, nay cả ngày có khi chỉ… ngồi chơi.

Đáng chú ý, những ngày gần đây, rất nhiều người từ nơi khác đến Phú Quốc mua đất để mua bán lại phải ôm hận vì mất khá lớn tiền đặt cọc. Bởi lẽ, khi đến ngày ra công chứng vấp phải quyết định tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên nhiều người chấp nhận bỏ cọc, không ra công chứng để chồng tiền, ký giấy tờ mua bán, sang nhượng.

Liên quan đến vấn đề sốt đất tại các khu vực dự kiến thành đặc khu như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thời gian qua được đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên chất vấn ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng khi có sự đầu tư vào hạ tầng sẽ kéo theo những kỳ vọng tương lai phát triển, các nhà đầu tư sẽ đổ xô và giá cả đất đai sẽ thay đổi.

“Thực tế vấn đề sốt đất là đương nhiên nhưng chủ yếu là việc chuyển đổi đất trái phép từ đất rừng, đất nông nghiệp để bán. Việc này được thực hiện ngầm, trái quy định pháp luật. Chúng ta có thể thấy cơ quan quản lý can thiệp, xử lý không kịp thời”, Bộ trưởng Hà nói.

Theo Bộ trưởng Hà, đối với 3 đặc khu tương lai, việc đưa ra chỉ thị để hạ nhiệt giá đất là đúng đắn nhưng hình thức đưa ra không phù hợp với pháp luật hiện nay. Do đó, sắp tới cần phải có nghị quyết quy định mang tính đặc thù để quản lý đất đai trong các đặc khu.

Bên cạnh đó, các địa phương phải xem lại hồ sơ đất đai để quản lý hiện trạng đất. Từ đó khi tính toán đền bù cho người dân, cơ quan quản lý có thể đảm bảo được tính công bằng, người xứng đáng được đền bù sẽ đền bù thỏa đáng nhưng người đầu cơ thì cần có biện pháp để họ không có cơ hội hưởng lợi trong thương vụ đất đai này.

Nguyễn Trang