Hãng định mức tín nhiệm Moody’s của Mỹ cảnh báo Việt Nam nên thận trọng với việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa vì điều đó có thể gây rủi ro cho ngành ngân hàng và nền kinh tế.

Hãng tin Bloomberg ngày 29/1 cho biết, trong thư trả lời phỏng vấn vào cuối tuần trước, chuyên gia phân tích Anushka Shah của Moody’s nhận định rằng vì chính phủ Việt Nam có vẻ đang tập trung hỗ trợ tăng trưởng, nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ trung lập hoặc nới lỏng.

“Tuy nhiên, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng đã tăng trưởng nhanh”, bà Shah đánh giá.

“Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng td có thể gây ra một số rủi ro cho ngành ngân hàng khi vốn của họ không đủ làm đệm chống đỡ rủi ro,” vị chuyên gia này nói.

Theo một khảo sát của Bloomberg, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại đến cuối năm 2018 sau một đợt giảm lãi suất bất ngờ vào năm ngoái, trái ngược với nhiều quốc gia Đông Nam Á. Malaysia là nước vừa thắt chặt chính sách tiền tệ vào tuần trước.

Việt Nam đang tìm cách duy trì tăng trưởng kinh tế – hiện ở trong top đầu của thế giới, trong khi vẫn đang để mắt để các rủi ro như nợ xấu.

Tăng trưởng tín dụng lên tới 18,2% trong năm 2017, và Ngân hàng Nhà nước dự báo tốc độ này sẽ tiếp tục đạt mức 17% trong năm 2018.

cho vay
Tăng trưởng tín dụng cao trong khi lạm phát thấp. (Ảnh: Bloomberg)

Ngân hàng Thế giới hồi tháng 12/2017 cũng đưa ra cảnh báo về tốc độ tăng trưởng tín dụng cao tại Việt Nam, cho rằng điều này có thể gây ra rủi ro và làm giảm chất lượng tài sản.

Chính phủ đặt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay, nhưng tại một cuộc phỏng vấn trong tháng này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tăng trưởng năm 2018 có thể bằng tốc độ 6,8% của năm trước.

Moody’s cũng đưa ra cảnh báo về tham nhũng khi cho rằng đây vẫn là một trở ngại đối với tăng trưởng và ảnh hướng đến đánh giá của Moody’s về khía cạnh sức mạnh thể chế của Việt Nam. Tuy vậy, hãng xếp hạng tín nhiệm này vẫn đưa ra triển vọng tích cực cho Việt Nam.

“Tăng cường cải cách chính phủ và kiểm soát tham nhũng sẽ góp phần duy trì khả năng cạnh tranh của Việt Nam như một nền kinh tế thị trường, giúp ổn định dòng vốn đầu tư nước ngoài ngay cả trong kịch bản nhu cầu của thế giới phải chịu một cú sốc chung,” bà Anushka Shah khuyến nghị.

Bà Shah cho biết những cải cách đang được thực hiện nhằm thu hút vốn FDI và cải thiện tính khả năng cạnh tranh của Việt Nam là những điểm tích cực cho xếp hạng tín nhiệm.

Minh Tuệ