Hai ông lớn thương mại điện tử Amazon và Aibaba đều đang có những động thái rất rõ nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khi dồn dập chiêu mộ nhà bán hàng Việt.

Theo TheLeader, tại sự kiện Bán hàng toàn cầu với Amazon do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức mới đây, đại diện Amazon Global Selling đã công bố hàng loạt biện pháp mới hỗ trợ người bán hàng ở Việt Nam phát triển – mở rộng quy mô kinh doanh xuất khẩu trực tuyến, cũng như tiếp cận người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Ngoài ra, Amazon Global Selling còn công bố trang web và Facebook chính thức bằng tiếng Việt nhằm xóa bớt khó khăn về rào cản ngôn ngữ cho các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ Việt Nam khi muốn bán hàng trên Amazon.

Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho thị trường Việt Nam, Amazon cũng đã tuyển dụng nhiều nhân viên người Việt làm việc tại văn phòng Singapore.

“Chúng tôi đang có thêm nhiều nhà bán hàng từ Việt Nam, bao gồm các nhà sản xuất, chủ thương hiệu, các công ty khởi nghiệp… Họ đã bắt đầu thông qua các thị trường quốc tế của chúng tôi để tiếp cận tới hàng triệu khách hàng tiềm năng trên thế giới”, Vnexpress dẫn lời ông Park Joonmo – Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á và Hàn Quốc – nói.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện mới có khoảng 200 doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon. So với hàng loạt mặt hàng triển vọng từ nông sản, thực phẩm, đồ nội thất… vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, con số trên còn khiêm tốn. Điều đó đồng nghĩa với triển vọng về nguồn hàng ở Việt Nam dành cho Amazon là rất lớn.

Nhằm thu thu hút thêm nhiều nhà bán hàng Việt Nam, Amazon đã đưa ra những chính sách rất hấp dẫn. Cụ thể, theo ông Park Joonmo, người bán chỉ cần gửi sản phẩm đến các trung tâm hoàn thiện đơn hàng (FBA) của Amazon. Mọi việc còn lại như lấy hàng, đóng gói, vận chuyển đến người mua ở bất kỳ nơi nào trên thế giới sẽ do Amazon chịu trách nhiệm. Việc của người bán là cung cấp sản phẩm độc đáo, thú vị.

Không chịu đứng ngoài cuộc đua mở rộng tầm ảnh hưởng tại Việt Nam, Alibaba cũng nhiệt tình hoạt động gần đây. Sau thời gian đến Việt Nam tìm nhà cung ứng cho sàn thương mại điện tử B2B, Alibaba cũng chính thức tìm kiếm nhà bán hàng Việt cho trang bán hàng B2C là AliExpress từ cuối tháng 7.

Không chia sẻ con số chính xác, nhưng đại diện của OSB, đơn vị đối tác của Alibaba để kết nối với nhà sản xuất tại Việt Nam, cho hay đã có hàng nghìn doanh nghiệp Việt xuất khẩu qua nền tảng B2B của ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc trong gần một thập niên qua.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Amazon là “đại gia” ở Mỹ khi chiếm gần 45% thị phần. Trong khi đó, tại Trung Quốc, Alibaba cũng chiếm tới hơn 55% thị phần thương mại điện tử. Trong quá khứ, cả hai ông lớn này đã không ít lần bày tỏ ý định muốn sang đánh chiếm thị trường màu mỡ của nhau.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang căng thẳng thời gian qua đã khiến cả hai gần như buộc phải từ bỏ ý định đó và tính chọn chiến trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để quyết chiến.

Theo thống kê từ Website Builder Expert, tính tới tháng 6/2018, Amazon đang là đế chế về thương mại điện tử xuyên quốc gia hùng mạnh nhất, khi bao phủ được 58 quốc gia với 1,2 tỷ người truy cập.

Alibaba đứng thứ hai với độ bao phủ 15 quốc gia, hoạt động mạnh nhất ở Trung Quốc, và có 1,07 tỷ người truy cập.

Nếu một người bán hàng ở Đông Nam Á muốn xuất khẩu sản phẩm mang lại doanh thu cao nhất, nhiều khả năng sẽ chọn Amazon thay vì Alibaba do độ bao phủ của Amazon rộng hơn và sẽ bán được giá cao hơn.

(Tổng hợp)