Giá xăng trong nước mặc dù đã giảm hơn 10% trong 3 kỳ điều hành vừa qua, nhưng vẫn còn chậm so với mức giảm của giá dầu thô thế giới và chưa đủ để tác động đến hàng tiêu dùng trong nước cũng như dịch vụ vận tải.  

Trong đợt giảm giá cách đây 1 tuần, giá xăng Ron 95 đã giảm về mức phổ biến là 19.970 đồng/lít, còn xăng E5 xuống mức 18.620 đồng/lít.

Như vậy, sau 3 đợt điều chỉnh liên tiếp của cơ quan điều hành, đặc biệt là 2 đợt giảm mạnh trong tháng 11, giá xăng Ron 95 đã giảm 10,6%, trong khi xăng E5 Ron 92 giảm 10,9% (so với mức đỉnh gần đây ghi nhận sau kỳ điều chỉnh ngày 6/10).

gia xang trong nuoc giam cham so voi the gioi chua tac dong toi hang hoa
Giá xăng dầu của Petrolimex sau kỳ điều chỉnh ngày 21/11. (Nguồn: Petrolimex)

Tuy giá xăng trong nước đã giảm giá đáng kể, nhưng nếu tham chiếu so với diễn biến của giá dầu thô toàn cầu, thì mức giảm trên chỉ được coi là “nhỏ giọt”. Trong cùng giai đoạn trên, giá dầu thô Brent của thế giới đã giảm từ mức trên 80 USD/thùng về 60,48 USD/thùng và hiện đang giao dịch quanh mức 61 USD/thùng. Như vậy, giá dầu thô chủ chốt của thế giới đã giảm khoảng 28%.

Và dù giá xăng đang giảm trong hơn 1 tháng qua, nhưng giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng và cước vận tải trên thị trường dường như chưa bị tác động.

Theo khảo sát của trang Vietnam Plus, nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Mơ, chợ 8/3… đều ghi nhận giá các mặt hàng không biến động nhiều so với cuối tháng trước.

Tại chợ Mơ, các mặt hàng rau xanh có nhiều biến động. Giá xu hào ở mức 2.500 đồng/củ, củ cải trắng 10.000 đồng/kg, rau muống 10.000-12.000 đồng/mớ. Riêng giá cà chua loại 1 giảm từ 25.000 đồng/kg xuống khoảng 18.000-20.000 đồng/kg.

Với các loại thịt, thịt bò vẫn giữ giá ở ngưỡng 220.000-230.000 đồng/kg, thịt gà lông giá 100.000-110.000 đồng/kg, cá chép giá 70.000-75.000 đồng/kg, ốc nhồi giảm từ 80.000 đồng/kg xuống 70.000-73.000 đồng/kg.

Một số tiểu thương tại chợ Mơ cho biết giá bán của các sản phẩm tiêu dùng biến động vẫn chủ yếu phụ thuộc nhu cầu và lượng cung cấp hàng hóa trong ngày, chứ không chịu tác động từ việc giảm giá xăng.

Không chỉ hàng tiêu dùng, giá xăng dầu giảm mạnh cũng không gây biến động cho giá cước vận tải, dù xăng dầu chiếm tới 40-50% yếu tố chi phí trong hoạt động kinh doanh của ngành này.

Ông Bùi Danh Liên, đại diện Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, cho biết việc giảm giá xăng thời gian qua không tác động đến giá cước vận tải, vì vào thời điểm giá xăng tăng liên tục trước đó, các doanh nghiệp vận tải đã gồng mình giữ giá để cạnh tranh với loại hình vận tải công nghệ.

Ngoài ra, nếu muốn thay đổi giá cước, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian và chi phí về thủ tục đăng ký điều chỉnh cước, thay đồng hồ cước, bảng biểu, vé… do đó giá cước sẽ không thể điều chỉnh giảm ngay khi giá xăng dầu giảm.

Ông Liên cho biết thời gian ngắn tới xăng dầu sẽ phải gánh thêm 1.000 đồng tiền thuế môi trường, nên càng khó để các doanh nghiệp có thể thực hiện giảm giá cước.

Minh Tuệ (Tổng hợp)