Với lý do giá xăng dầu ở Việt Nam hiện thấp hơn 120 nước trên thế giới, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này lên tối đa 4.000 đồng/lít.

Theo Vietnamnet, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ký tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 4.000 đồng/lít, với dầu là 2.000 đồng/lít.

Lý giải cho đề xuất tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á. Hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia, với mức 19.980 đồng/lít.

Giá xăng thấp hơn 120 nước, Bộ Tài chính quyết tăng thuế bảo vệ môi trường kịch khung
Bộ Tài chính tiếp tục bảo lưu quan điểm tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. (Ảnh: VTV)

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn cho biết thêm sau một thời gian lấy ý kiến về đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã nhận được 77 ý kiến tham gia, trong đó 19 ý kiến của các bộ, ngành, 43 ý kiến của các địa phương, 5 ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác. Không thấy ý kiến tham gia của người dân về đề xuất này.

Theo Bộ Tài chính, về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết (47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn).

Bộ Tài chính khẳng định việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường. Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.

Bộ Tài chính tính toán nếu đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được thông qua, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng hơn 14.300 tỷ đồng/năm.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng kịch trần khung thế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Đáng chú ý, lần nào đưa ra đề xuất này Bộ Tài chính cũng vấp phải làn sóng phản ứng từ dư luận. Các ý kiến phản đối đều cho rằng mức thuế tăng rất vô lý.

Hơn nữa, những lý lẽ mà Bộ Tài chính đưa ra để tăng thuế, trong đó có mục đích bảo vệ môi trường cũng chưa thuyết phục được người dân. Theo Dân trí, thực tế xăng dầu đã bị áp dụng mức thuế khá cao từ thời điểm năm 2012. Tuy nhiên, hồi tháng 11/2017, Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) vẫn xếp Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Đến tháng 2/2018, trang web Aqicn.org của Mỹ – chuyên cung cấp số liệu ô nhiễm không khí các thành phố trên thế giới theo từng giờ – cho biết chỉ số bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội lên tới 256. Đây là mức rất không tốt, cảnh báo tình trạng ô nhiễm khẩn cấp tới tất cả mọi nhóm người.

Như vậy, vấn đề đặt ra không phải mức thuế mà Bộ Tài chính định tăng với xăng dầu lên bao nhiêu mà ở việc số tiền thu được từ việc tăng thuế được sử dụng như thế nào, môi trường thực sự đã, đang và sẽ được bảo vệ ra sao.

Nguyễn Trang