Sau khi giá lợn xuống thấp thảm hại vào năm ngoái, nhiều hộ chăn nuôi đã phải phá chuồng vì không trụ nổi cơn khủng hoảng. Giờ đây, giá lợn đang lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2017, nhưng một số địa phương cảnh báo người dân tránh tái đàn ồ ạt vì có thể mất cân đối cung cầu.  

Theo VTV, từ đầu tháng 5 đến nay giá lợn hơi liên tục tăng cao, hiện đã lên ngưỡng 41.000-46.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất kể từ cơn sốt giá diễn ra khoảng 1 tuần vào tháng 7/2017.

Sơn La hiện được ghi nhận là địa phương có giá lợn hơi cao nhất tại Việt Nam, với mức giá lên tới khoảng mức 46.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận của VOV, giá lợn hơi ở khu vực miền Nam cũng liên tục tăng, hiện ở mức từ 42.000-44.000 đồng/kg, cao nhất trong vài năm trở lại đây.

Việc giá lợn tăng khiến nhiều hộ chăn nuôi rất phấn khởi.

Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, với giá lợn hơi 40.000 đồng/kg, người nuôi lợn có thể lãi 10.000-11.000 đồng/kg, tương đương hơn 1 triệu đồng/con sau khi trừ các khoản chi phí.

Việc giá lợn hồi phục mạnh khiến nhiều hộ chăn nuôi muốn tái đàn để phát triển chăn nuôi với hy vọng giá lợn sẽ tiếp tục tăng.

Giá lợn hơi tăng cao, có thể lãi hơn 1 triệu đồng/con
Giá lợn hơi tăng cao khiến nhiều hộ chăn nuôi muốn tái đàn. (Ảnh: Vietq)

Hộ chăn nuôi của ông Đinh Hưng ở xã Nghĩa Dõng (Thành phố Quảng Ngãi) đang nuôi 100 con lợn và gần một nửa trong số này đã đến kỳ xuất chuồng. Nếu giá bán ở mức như hiện nay, gia đình ông sẽ có thu nhập khả quan. Ông Hưng cho biết nếu giá lợn ổn định, thời gian tới ông sẽ nuôi thêm 8-12 con lợn nái.

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có tổng đàn lợn trên 400.000 con, giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi Quảng Ngãi khuyến cáo việc tái đàn hay tăng đàn trở lại cần hết sức thận trọng, vì dễ dẫn đến mất cân đối cung cầu.

Ông Đỗ Đình Chung, Chi cục phó Cục Chăn nuôi – Thú ý Quảng Ngãi cho rằng do sau Tết đàn lợn chưa ổn định nên giá tăng, việc tăng đàn ồ ạt sẽ phá vỡ cung cầu, ảnh hưởng đến giá cả, xảy ra cung vượt cầu khiến giá cả không ổn định, bấp bênh.

Một khảo sát mới đây của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy giá lợn tăng chủ yếu do các yếu tố liên quan đến cung – cầu trong nước, còn xuất khẩu tiểu ngạch rất ít. Điều này cho thấy việc tăng đàn nhanh có thể gây bất ổn cho thị trường, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn các tháng mùa hè giảm.

Minh Tuệ