Trong cuộc họp báo diễn ra chiều 1/12, Bộ Công Thương đã có giải trình về quyết định tăng giá điện từ đầu tháng này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, cho biết quyết định tăng giá điện được đưa ra vào thời điểm này sau khi Bộ Công Thương đã cập nhật hết các yếu tố đầu vào.

“Khi các yếu tố đầu vào tăng lên Bộ mới tăng giá điện”, ông Anh Tuấn nói, cho biết thêm Bộ Công Thương đã được Thủ tướng yêu cầu khi điều hành giá điện phải xem xét toàn diện mức độ ảnh hưởng đến từng đối tượng.

Quyết định tăng giá điện được đưa ra khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn báo lãi trong năm 2016. Theo công bố của Bộ Công Thương, doanh thu bán điện năm 2016 của EVN đạt 265.510 tỷ đồng, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh điện lỗ 593,46 tỷ đồng. Nhờ thu nhập từ các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện đạt 3.251,66 tỷ đồng, nên tính chung EVN vẫn lãi 2.658 tỷ đồng trong năm 2016.

Giải thích về tình trạng vừa lãi vừa lỗ ở EVN, đơn vị kiểm toán độc lập của EVN là Deloitte Việt Nam cho rằng EVN phải vay một lượng vốn lớn từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng các dự án điện, nhưng do biến động của các đồng ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD, nên tập đoàn này bị lỗ tỷ giá đến 9.500 tỷ đồng.

Khoản lỗ tỷ giá này lẽ ra phải được đưa vào báo cáo ngay lập tức theo chuẩn mực kế toán, nhưng do giá điện không thể tăng ngay, nên Chính phủ và các bộ ngành cho phép EVN được treo phần lỗ tỷ giá này và phân bổ theo từng năm.

Giải trình về việc bị lỗ hơn 593 tỷ đồng trong kinh doanh điện, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết việc tăng giá điện cũng do giá than bán cho điện đã tăng khá mạnh trong các năm qua và các chi phí liên quan đến chênh lệch tỷ giá cũng tăng. Nếu toàn bộ số tiền hơn 9.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá đưa hết vào giá điện thì sức ép tăng giá rất lớn.

Đợt điều chỉnh giá điện lần này chỉ đưa một phần chênh lệch tỷ giá vào trong giá thành, phần còn lại sẽ đưa dần vào giá điện từ nay đến năm 2020.

Phó Tổng giám đốc EVN, ông Võ Quang Lâm, cũng cho biết việc phân bổ số lỗ tỷ giá của các năm trước sẽ được phân bổ dần trong 5 năm.

Ông Lâm cho biết EVN đã thực hiện nghiêm công tác tiết kiệm chi phí của tập đoàn, nên từ đầu năm đến nay đã tiết kiệm được tổng cộng 1.546 tỷ đồng.

Minh Tuệ