Đông Nam Á đang đón nhận một dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ nhờ sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Báo cáo phát hành ngày 22/10 của công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho hay, dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực chế biến – chế tạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đã tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó bao gồm cả dự án nhà máy sản xuất polypropylene trị giá 1,2 tỷ USD của tập đoàn Hyosung Hàn Quốc.

Trong khi đó, lượng vốn FDI ròng đổ vào Thái Lan từ tháng 1 đến tháng 7 tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7,6 tỷ USD. Riêng dòng vốn vào ngành chế biến – chế tạo tăng gấp 5 lần, theo số liệu chính thức từ ngân hàng trung ương Thái Lan.

dau tu nuoc ngoai vao dong nam a bung no nho chien tranh thuong mai my trung
Vốn FDI vào Đông Nam Á đang có chiều hướng tăng mạnh. (Ảnh: Bloomberg)

Tại Philippines, lượng vốn FDI thuần chảy vào ngành chế biến – chế tạo tăng vọt lên 861 triệu USD trong 7 tháng đầu năm, từ mức 144 triệu USD của cùng kỳ năm 2017.

“Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã khiến nhiều doanh nghiệp chuyển dây chuyền sản xuất sang khu vực Đông Nam Á để né thuế. Các lĩnh vực sản xuất như hàng tiêu dùng, phần cứng công nghệ và viễn thông, ô tô và hóa chất đang được chuyển dịch sang khu vực này”, báo cáo của Maybank viết.

Xu hướng này đang mang đến cho Đông Nam Á một số lợi ích nhất định khi trở thành địa điểm sản xuất thay thế cho những công ty muốn chuyển khỏi Trung Quốc để tránh hàng rào thuế quan của Mỹ.

Kết quả của một cuộc khảo thực hiện trong thời gian từ 29/8-5/9, cho thấy 1/3 trong số hơn 430 công ty Mỹ tại Trung Quốc đang hoặc sẽ dịch chuyển sản xuất khỏi nước này nhằm tránh cuộc chiến thương mại.

“Căng thẳng thương mại đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Đông Nam Á có đủ các tiêu chí phù hợp cho các doanh nghiệp như vừa là một thị trường tăng trưởng tốt, vừa là một địa chỉ để chuyển sản xuất hợp lý nhờ chi phí rẻ hơn và tự do hóa thương mại, đồng thời giúp tránh những rủi ro địa chính trị”, chuyên gia kinh tế Trịnh Nguyễn tại ngân hàng Natixis Asia nhận định.

Tuy nhiên, chắc chắn rằng Đông Nam Á không “miễn dịch” khỏi những tác động bất lợi của chiến tranh thương mại. Số liệu thống kê cho thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là một nhân tố khiến xuất khẩu của Thái Lan bất ngờ giảm trong tháng 9.

Theo hãng tin Reuters, xuất khẩu, động lực thúc đẩy tăng trưởng chính của Thái Lan, đã giảm 5,2% trong tháng 9/2018. Trước đó vào tháng 8, xuất khẩu của Thái Lan ghi nhận mức tăng 6,68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)