Vượt qua các doanh nghiệp quốc tế tên tuổi đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Úc, một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã trúng trọn gói thầu 60.000 tấn gạo lứt Japonica (loại gạo có giống từ Nhật Bản) xuất sang thị trường Hàn Quốc.

Theo Tiền phong, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long (Đồng Tháp) vừa trúng thầu hợp đồng cung cấp 60.000 tấn gạo hạt tròn Japonica và 2.800 tấn gạo trắng hạt dài cho Hàn Quốc.

Đáng chú ý, đây là thương vụ đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã qua mặt tất cả các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Úc để trúng trọn gói thầu cung cấp 60.000 tấn gạo Japonica cho Hàn Quốc dưới dạng đấu thầu Chính phủ.

Theo các doanh nghiệp trong ngành, loại gạo Japonica xuất sang Hàn Quốc có giá xuất khẩu khoảng 700 USD/tấn. Như vậy, với gói thầu 60.000 tấn, Tập đoàn Tân Long có thể thu về trên 40 triệu USD trong thương vụ này. Thời gian giao hàng muộn nhất là ngày 15/9 tới, gạo phải cập cảng Hàn Quốc.

Trong khi đó, lô 2.800 tấn gạo trắng hạt dài có giá 513 USD/tấn, giao đến cảng Busan trong tháng 12 tới.

Với thương vụ 60.000 tấn gạo Japonica lần này, tính từ đầu năm đến nay Tập đoàn Tân Long đã trúng 110.000 tấn gạo Japonica xuất khẩu sang Hàn Quốc. Trước đó, hồi tháng 5/2018, đơn vị này cũng đã trúng thầu 50.000 tấn gạo Japonica cho đối tác Hàn Quốc.

Hàn Quốc là thị trường khó tính và có nhiều quy định nghiêm ngặt về chất lượng và thời hạn giao hàng. Gạo muốn xuất sang Hàn Quốc phải đạt tiêu chuẩn số 3 của Mỹ, với các tiêu chí khắt khe như trên 370 chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải dưới mức cho phép, chưa kể các yêu cầu về cảm quan như màu sắc, mùi vị, đồng đều về kích thước hạt.

Đại diện Tập đoàn Tân Long cho biết do đã dựng được chuỗi sản xuất lúa gạo, bao gồm liên kết sản xuất lúa trực tiếp với người nông dân, sau đó sấy và tạm trữ lúa khô chờ xuất khẩu sản xuất gạo từ lúa thu hoạch nên tập đoàn luôn chủ động đảm bảo nguồn cung và luôn đảm bảo chất lượng gạo thành phẩm.

Từ năm 2017 đến nay, Tập đoàn Tân Long đã bao tiêu liên kết với hợp tác xã nông nghiệp ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu mua lúa, và tham gia thầu xuất khẩu gạo lứt Jaonica cho chính phủ Hàn Quốc.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, hợp đồng xuất khẩu 60.000 tấn gạo hạt tròn Japonica sang Hàn Quốc lần này có thể giúp tình hình tiêu thụ loại gạo này sôi động hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nỗi lo hàng đầu của ngành lúa gạo ĐBSCL hiện vẫn là giá gạo trắng, gạo thường các loại trong nước đang ngày càng giảm, nhu cầu tiêu thụ của thị trường không lớn. Việt Nam cũng đang chịu áp lực lớn từ các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan hay việc Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ.

Chia sẻ trên Dân Việt, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định hàng triệu nông dân Việt Nam, trong đó có nông dân trồng lúa, sẽ bị thua thiệt khi tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với USD giảm mạnh. Nguyên nhân là thị trường xuất khẩu chủ yếu của nông sản của Việt Nam là Trung Quốc. Khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá, giá trị hàng xuất khẩu như gạo, rau quả, cao su… xuất sang Trung Quốc sẽ thu được giá trị thấp hơn.

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,56 triệu tấn, giá trị đạt trên 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 30% thị phần, tiếp đó là Indonesia với gần 19% thị phần.

Riêng tháng 6/2018, giá gạo xuất khẩu của các nước lớn đều giảm. Tuy nhiên, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, vẫn cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan.

Trong nửa đầu năm 2018 cũng ghi nhận sự chuyển biến đáng kể đối với chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu tăng đối với các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao và giảm ở loại gạo phẩm cấp trung bình (gạo trắng 5% tấm).

Vỹ An