Kết quả thống kê các vụ mua bán sáp nhập ở Việt Nam cho thấy trong khi khẩu vị của các tập đoàn Nhật Bản là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thì các tập đoàn Thái Lan lại ưa chuộng những thương hiệu lớn.

Dữ liệu của StoxPlus cho thấy từ năm 2011 đến nay, trung bình hàng năm các doanh nghiệp Nhật Bản đều tiến hành từ 15-20 thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp Việt.

Nhật Bản cũng là quốc gia có số vụ M&A doanh nghiệp Việt nhiều nhất tính theo số lượng. Riêng năm 2016, các tập đoàn Nhật Bản đã thực hiện tổng cộng 22 thương vụ mua lại doanh nghiệp Việt với tổng giá trị đạt 608,7 triệu USD.

Mới đây nhất, ngày 12/3, Tập đoàn Takara Belmont (Nhật Bản) công bố sáp nhập Công ty cổ phần Thương mại Sản xuất Dịch vụ Ngữ Á Châu (NAC). Takara Belmont đã chi 900 triệu yên (hơn 180 tỷ đồng) để sở hữu 97% cổ phần tại Ngữ Á Châu.

Có thể thấy, trong khi các tập đoàn Nhật Bản tập trung thâu tóm và sáp nhập các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam thì những tập đoàn Thái Lan lại đặc biệt chú ý đến những thương hiệu có tầm ảnh hưởng lớn.

Năm 2017, tổng giá trị M&A tại Việt Nam ước tính đạt 8,4 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử. Trong đó, dẫn đầu là các doanh nghiệp Thái Lan với thương vụ thâu tóm đình đám là ThaiBev mua lại 53% cổ phần bia Sài Gòn (Sabeco) với giá lên tới 4,8 tỷ USD (110.000 tỷ đồng).

Tính tổng các khoản đầu tư của riêng các tập đoàn Thái Lan vào Việt Nam từ năm 2011 đến nay, con số này đạt khoảng gần 9 tỷ USD. Các doanh nghiệp Thái không giấu giếm tham vọng bành trướng của mình, khi thường nhắm vào những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trên từng lĩnh vực.

Bằng chứng là SCG mua lại gạch men Prime và mới đây nhất là thâu tóm Nhựa Bình Minh. Berli Jucker mua lại Metro, Central Group mua lại BigC, Singha đầu tư vào Masan Consumer, ThaiBev thông qua F&N đầu tư vào Vinamilk và Sabeco. Bán lẻ, bất động sản và hàng tiêu dùng nhanh là những mục tiêu hàng đầu của người Thái khi lựa chọn đầu tư.

Đánh giá về chiến lược bành trướng thị trường của Thái Lan, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam có những bước đi hội nhập và mở cửa mạnh mẽ, với việc tăng sự hiện diện tại Việt Nam, Thái Lan sẽ tận dụng xuất xứ và nhãn mác từ Việt Nam để được hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu, đẩy mạnh kinh doanh sang các nước khác…

Trong khi đó, chuyên gia Vũ Vinh Phú bày tỏ sự lo lắng khi hàng Thái đổ bộ vào Việt Nam sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp Việt.

Nguyễn Trang