Sau vài ngày im lặng khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang về chất lượng sản phẩm, Con Cưng tối 6/8 đã đăng tải thông báo trên website về việc hơn 30 thương hiệu xác nhận doanh nghiệp này phân phối và bán hàng chính hãng.

Như một cách để trấn an người tiêu dùng, thông báo của chuỗi siêu thị Con Cưng khẳng định: “Con Cưng đã và đang nỗ lực mang tới những sản phẩm có chất lượng tốt, hướng tới sự hài lòng của bố mẹ và nụ cười trong trẻo của bé thơ”.

Đính kèm thông báo này, Con Cưng đưa ra nhiều giấy tờ, bằng chứng từ các thương hiệu, nhãn hàng mà doanh nghiệp đang kinh doanh, xác nhận chuỗi siêu thị này là công ty phân phối, bán hàng của đơn vị.

Danh sách cập nhật các thương hiệu xác nhận mà Con Cưng đưa ra gồm 3 nhóm hàng là tã, sữa, thực phẩm; nhóm đồ dùng và nhóm hóa mỹ phẩm.

Con Cưng đưa bằng chứng hơn 30 thương hiệu xác nhận chuỗi siêu thị bán hàng chính hãng
Con Cưng khẳng định hơn 30 thương hiệu xác nhận chuỗi siêu thị này phân phối và bán hàng chính hãng. (Ảnh: Con Cưng)

Ở nhóm tã, sữa và thực phẩm, có 26 thương hiệu xác nhận Con Cưng là đơn vị phân phối và bán hàng chính hãng của họ như công ty Nestle Việt Nam, Mead Johnson, Friso, Dutch Lady, Morigana, Goon, Goon Friend, Chuchubaby, Meiji…

Ở nhóm sản phẩm là đồ dùng, Con Cưng cung cấp giấy xác nhận của 3 thương hiệu Dr Brown’s, Pigeon và Spectra.

Đối với nhóm hóa mỹ phẩm, các thương hiệu D-nee, Greenfinger và Johnson Baby cũng xác nhận đang cung ứng hàng chính hãng cho Con Cưng.

Sau những nghi vấn về việc bán hàng không rõ nguồn gốc, ngày 28/7, Con Cưng treo thông báo tặng 1 tỷ đồng cho người đầu tiên phát hiện công ty này nhập hàng không chính hãng. Tuy nhiên, ngày 1/8, thông báo treo thưởng này đã bị gỡ xuống. Hàng loạt các thông cáo báo chí liên quan đến vụ việc của Con Cưng cũng không tìm thấy.

Theo giải trình của Con Cưng, việc treo thưởng là không phù hợp trong bối cảnh đoàn kiểm tra đến làm việc. Do vậy, Con Cưng xin rút lại đề xuất.

Trước đó, ngày 31/7, tại cuộc họp báo về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đại diện Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) công bố kết luận ban đầu và chỉ ra 7 sai phạm của Con Cưng. Những sai phạm bao gồm kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn, chứng từ; kinh doanh hàng hóa ghi nhãn trong nước “Made in Vietnam” nhưng không được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt mà bằng tiếng nước ngoài, ký tự Latinh…

Được thành lập vào năm 2011, Công ty Cổ phần Con Cưng chuyên phân phối các sản phẩm thuộc ngành hàng dành cho mẹ bầu và trẻ em như quần áo, thực phẩm, sữa, tã, đồ chơi… và đưa các sản phẩm này ra thị trường thông qua các chuỗi bán lẻ Con Cưng và Toy City.

Công ty đang vận hành hơn 340 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc và tập trung vào thị trường Tp.HCM và miền Nam. Năm 2017, doanh thu Con Cưng đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Đầu năm 2017, Con Cưng từng gây chú ý khi nhận được đầu tư từ quỹ Daiwa-SSIAM II do Daiwa và SSIAM cùng quản lý. Quy mô của khoản đầu tư không được tiết lộ, nhưng thông thường quỹ này rót từ 4-6 triệu USD vào mỗi công ty trong danh mục. Ước tính giá trị của Con Cưng khi đó là 25 triệu USD.

Vỹ An