Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cần minh bạch số tiền thu từ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Nếu Nhà nước chứng minh được việc tăng thuế là để phục vụ cho người dân, để người dân tin tưởng vào tính minh bạch, thì tăng bao nhiêu người dân cũng chấp nhận.

Bộ Tài chính cho rằng đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) kịch khung với xăng dầu là đúng và không gì lay chuyển nổi khi nó nhận được đa số ý kiến đồng thuận. Điều đó đồng nghĩa với việc, từ tháng 7 tới, mỗi lít xăng có thể sẽ “cõng” 4.000 đồng tiền thuế, còn mỗi lít dầu là 2.000 đồng.

Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng dự thảo này chưa thực sự hợp lý và thuyết phục.

Chuyên gia kinh tế: Tăng thuế môi trường với xăng dầu, lợi ích thuộc về ai?
Bộ Tài chính cho rằng đề xuất tăng thuế BVMT từ 1/7/2018 được đa số ý kiến đồng tình.

Theo TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, người dân không nên kỳ thị thuế, phí, bởi đôi khi có những loại thuế Nhà nước buộc phải thu để bù vào các khoản thu thiếu hụt của ngân sách.

Song, vấn đề đáng nói là việc chi ngân sách cũng phải quản lý một cách hiệu quả. Ông Cường cho rằng trách nghiệm giải trình của các cơ quan nhà nước đối với ngân sách rất quan trọng vì nó giúp người dân thấy được sự minh bạch và tin cậy.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2018 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) ngày 10/4, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng tính minh bạch trong việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu là vấn đề chính khiến người dân có những phản ứng tiêu cực với quyết định này của Bộ Tài chính.

Theo bà Lan, thông thường các cơ quan nhà nước không giải trình được việc thu thuế để làm gì. Nếu tăng thuế xăng để bảo vệ môi trường thì phải chứng minh rõ là tiền thuế đó được sử dụng để bảo vệ môi trường như thế nào, môi trường được cải thiện ra sao sau khi tăng thuế.

Còn nếu vì giảm thu ngân sách mà tăng thuế thêm thì cũng cần nêu rõ cho người dân biết được là bao nhiêu phần trăm trong tiền thuế đó được sử dụng để bảo vệ môi trường, bao nhiêu để bù các khoản thu thiếu hụt khác. Khi đó, người dân mới có thể yên tâm đóng thuế.

Một câu hỏi khác được bà Phạm Chi Lan đặt ra là: “Tăng thuế BVMT như vậy, lợi ích thuộc về ai?”

Theo bà Lan, khi tăng thuế BVMT với xăng dầu, rõ ràng nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn hưởng lợi rất lớn bởi họ sẽ được hưởng một phần do thu hộ cho nhà nước.

“Tất cả các yếu tố đó cần phải giải giải trình rõ ràng, công khai, minh bạch. Nếu Nhà nước chứng minh được việc tăng thuế là để phục vụ lại cho người dân, để người dân tin tưởng vào tính minh bạch trong chi ngân sách thì không vấn đề gì cả, tăng bao nhiêu người dân cũng chấp nhận đóng thuế”, bà Lan nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cũng cho rằng từ trước đến nay mỗi lần có chính sách tăng thuế là người dân lại phản đối. Tâm lý phản đối này nảy sinh là do người dân bức xúc, khó chịu về tính không minh bạch trong chi thường xuyên của Nhà nước.

Theo ông Thành, thực tế cho thấy, chi thường xuyên hàng năm luôn cao cho thấy bộ máy Nhà nước cồng kềnh, trong khi người dân không biết được các khoản thuế của mình được sử dụng như thế nào.

Nguyễn Trang